Chiến tranh Afghanistan sẽ không kết thúc như Việt Nam |
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt |
Thứ Sáu, 17 Tháng 12 Năm 2010 08:10 |
Chính quyền Obama bi quan, dân chúng không ủng hộ cuộc chiến. Tháng 10 năm 1972, 38 năm trước, Henry Kissinger đã tuyên bố trong một buổi họp báo ở Washington: “Hòa bình trong tầm tay,” dù rằng sau đó do sự phản đối của chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đòi hỏi phải sửa đổi một số điều khoản, ba tháng sau Hiệp Ðịnh Paris về Việt Nam mới được ký kết và rồi không bao giờ thực thi. “Những kết quả đã thu được hãy còn rất mong manh và có thể đảo ngược.” Tuy nhiên ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “đi theo con đường tới mục tiêu” trong khi giữ đúng cam kết khởi sự rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan từ tháng 7 năm tới. Trong lúc cuộc họp báo đang diễn ra, bên ngoài tòa Bạch Ốc dưới trời tuyết lạnh một nhóm hàng trăm người tập trung biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh Afghanistan. Tham gia cuộc biểu tình phản chiến có Daniel Ellsberg, cựu phân tích gia quân sự năm 1971 đã tiết lộ cho báo chí “The Pentagon Papers,” hồ sơ bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về những bí mật trong cuộc chiến Việt Nam. Ellsberg lên tiếng bênh vực Julian Assange, giám đốc WikiLeaks, và Bradley Manning quân nhân bị tình nghi tiết lộ những tài liệu quân sự, cho rằng hai người đã rọi tia sáng vào chính sách của Hoa Kỳ và hành động chiến tranh ở Afghanistan và không thể coi họ như khủng bố. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ còng tay hàng chục người trong đó có Ellsberg vì bất tuân lệnh giải tỏa lối đi trên vỉa hè trước tòa Bạch Ốc. Daniel Ellsberg, 79 tuổi, cho biết đã 80 lần bị bắt như thế. Buổi họp báo của Tổng Thống Obama là tiếp theo việc tòa Bạch Ốc vừa công bố bản phúc trình hằng năm duyệt xét chiến lược tại Afghanistan. Bằng vẻ mặt đăm chiêu, ông nhìn nhận rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mặt. “Tình thế ở Afghanistan tiếp tục đòi hỏi phải có những nỗ lực rất khó khăn với một giá đắt cho quân đội và gia đình họ.” Nhưng ông nhấn mạnh là al-Qaeda đang bị triệt hạ dần và dù phải đòi hỏi có thời gian Hoa Kỳ sẽ quyết tâm theo đuổi mục tiêu ấy đến cùng. Tổng thống nhường việc trả lời câu hỏi của các phóng viên cho Ngoại Trưởng Hillary, Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates và tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Cartwright. Tổng Thống Obama đã có hướng giải quyết khác nhau đối với hai cuộc chiến tranh do vị Tổng Thống tiền nhiệm George W. Bush để lại. Ông cho triệt thoái quân đội và rút dần trách nhiệm của Hoa Kỳ ở Iraq nhưng tại Afghanistan ông tiếp tục và tăng gia nỗ lực chiến tranh chống khủng bố al-Qaeda và lực lượng nổi dậy Taliban. Nhưng dư luận quần chúng Hoa Kỳ không tránh khỏi mỏi mệt chán nản về cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài tới 9 năm. Theo một thăm dò dư luận của ABC News/Washington Post thì có tới 60% ý kiến cho rằng không đáng can dự ở Afghanistan. Tuy nhiên về đường lối tiến hành chiến tranh của Tổng Thống Obama, 45% tán thành và 46% phản đối. Kết quả cuộc chiến tranh Afghanistan tùy thuộc vào 4 điểm then chốt: (1) Tiềm lực của Taliban và những đám quân nổi dậy khác. (2) Hiệu quả của chính quyền Kabul. (3) Khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan. (4) Vai trò của Pakistan. 1. Triển vọng lạc quan nhất được nêu lên trong bản phúc trình 5 trang của tòa Bạch Ốc là giới lãnh đạo al-Qaeda ẩn náu ở Pakistan đang trong tình trạng suy yếu nhất kể từ năm 2001 và thế lực của Taliban nguồn gốc bất ổn thường trực ở Afghanistan đã bị chặn đứng và đẩy lùi trong vòng 12 tháng vừa qua. Theo bản phúc trình, việc tăng thêm 30,000 quân Mỹ năm ngoái cũng như việc mở rộng các chiến dịch hoạt động của lực lượng đặc biệt với sự hợp tác của dân chúng đã làm giảm ảnh hưởng của Taliban, tái lập an ninh tới cấp làng xã. Quân số của lực lượng đồng minh tại Afghanistan hiện nay khoảng 100,000 và năm 2010 có gần 700 binh sĩ quốc tế trong đó 480 chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh. Gần đây quân lực Hoa Kỳ đã gia tăng sử dụng hỏa lực đáng kể cùng với các cuộc hành quân lùng diệt nhằm làm suy yếu Taliban. Tướng Cartwright giải thích rằng với nhu cầu cắt đứt đường tiếp tế của loạn quân từ Pakistan, chiến lược được chuyển đổi về kiểu quy ước, chú trọng nhắm đánh các mục tiêu hơn là chống nổi dậy như một năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 11 các máy bay đồng minh đã thi hành 30,000 phi xuất yểm trợ chiến trường, tăng 13% so với toàn năm 2009, và lực lượng đặc biệt mở 7,000 cuộc hành quân. Khoảng 2,000 chiến binh Taliban đã bị hạ sát và 600 thủ lãnh loạn quân bị giết hoặc bị bắt. Trong năm nay, máy bay không người lái của CIA bay 108 phi xuất oanh kích, so với 51 phi xuất năm ngoái, phần lớn trong vùng lãnh thổ dân thiểu số ở gần biên giới nơi quân đội Pakistan đã không thành công trong việc mở các chiến dịch đánh al-Qeada và các lực lượng võ trang quá khích. Thủy quân lục chiến cũng sẽ sử dụng tới chiến xa M1A1 lần đầu tiên trong các cuộc hành quân ở Afghanistan. Những hoạt động sử dụng hỏa lực mạnh như thế không tránh khỏi gây tổn thất cho thường dân, điều mà tổng tư lệnh cũ ở Afghanistan, Tướng Stanley McChristal, đã chủ trương giảm thiểu trong chiến lược chống nổi dậy. Nhưng sau khi Tướng McChristal bị giải nhiệm, người thay thế là Tướng David Petraeus cho áp dụng giải phá quân sự mạnh mẽ hơn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates nói rằng chiến lược ở Afghanistan là sự phối hợp giữa chống nổi dậy và chống khủng bố, đồng thời phải đáp ứng với tình thế ở từng khu vực chứ không phải chung toàn quốc. 2. Bản phúc trình của tòa Bạch Ốc không trực tiếp đề cập đến tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính quyền Afghanistan và mối quan hệ có nhiều rạn nứt giữa Washington với Kabul. Có lẽ Hoa Kỳ đã nhận thấy đường lối công khai phê phán từ hồi đầu năm nay không có kết quả mà còn gây nhiều phản tác dụng. Tổng Thống Obama đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Hamid Karzai hôm Thứ Năm và một thông cáo của Văn phòng Tổng thống đưa ra tại Kabul nói rằng hai nhà lãnh đạo dồng ý về những tiến bộ về mặt an ninh ở một số vùng, ngoài ra muốn đạt kết quả lâu dài phải đòi hỏi tới sự chú trọng đến những an toàn khu của loạn quân trên đất Pakistan trong vùng gần biên giới. Karzai cũng trình bày với Obama về những nỗ lực chiêu hồi và hòa giải với các quân nổi dậy chịu buông vũ khí, tuân hành Hiến Pháp Afghanistan và dứt bỏ liên hệ với khủng bố. Ngoại Trưởng Ðức Guido Westerwelle nói rằng nước ông “có những kỳ vọng thực tiễn hơn đối với Afghanistan,” không trông đợi một chính quyền hoàn hảo ở đây mà chỉ mong đợi một chính quyền “vừa đủ hữu hiệu.” Kết quả của việc sử dụng viện trợ cho những chương trình tái thiết và phát triển kinh tế xã hội không dễ để có thể đánh giá trên mặt tâm lý và thực tế. Và chính thành công trong lãnh vực này mới là yếu tố quyết định đưa quốc gia Afghanistan ra khỏi tình trạng xung đột và bạo lực triền miên. Một khó khăn của chính quyền Karzai là thu phục được sự ủng hộ của dân chúng khi còn phải dựa trên thế lực của nước ngoài. Những tổn thất chiến tranh mà quân đội đồng minh vô tình gây cho thường dân, nhất là khi phải dùng tới hỏa lực mạnh, là điều mà chính quyền Afghanistan đã từng nhiều lần phản đối nhưng không thể nào tránh khỏi và làm mất sự tin tưởng của người dân. 3. Khi chiến tranh đã được “Afghanistan hóa” theo kế hoạch vào năm 2014, sự tồn tại của chính quyền này sẽ tùy thuộc trước hết vào khả năng của lực lượng an ninh đã được tổ chức và huấn luyện từ nhiều năm nhưng đến nay chưa chứng tỏ đủ tin cậy. Ðây là điểm then chốt trong chiến lược của chính quyền Obama mà Ðặc Sứ Richard Holbrooke vừa đột ngột từ trần đã từng tích cực thúc đẩy. Lực lượng an ninh Afghanistan gồm quân đội và cảnh sát dự trù sẽ có nhân số lên đến 300,000 trong vòng hai năm nữa. Họ sẽ phải đương đầu với khoảng từ 25,000 đến 30,000 chiến binh Taliban và những dân quân du kích loạn quân khác. 4. Từ lâu Hoa Kỳ đã không có cách nào để triệt tiêu những căn cứ địa của al-Qaeda và những tổ chức võ trang khủng bố quá khích trong vùng lãnh thổ của các sắc tộc thiểu số Pakistan nằm sát biên giới Afghanistan. Quân đội Pakistan không chứng tỏ có đủ khả năng thành công khi mở các chiến dịch hành quân vào vùng địa thế hiểm trở khó khăn này. Thêm nữa, theo tình báo Hoa Kỳ, có những yếu tố an ninh nội bộ và tâm lý hay tôn giáo khiến Pakistan không nhiệt thành với nỗ lực ấy. Bản phúc trình của tòa Bạch ốc đưa ra nhận định là Pakistan cần phải có thêm trợ giúp tích cực để giải quyết vấn đề. Mặc dầu mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã được cải thiện nhiều trong một năm vừa qua nhưng tiến bộ chưa cụ thể và chính quyền Washington đã hứa hẹn sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao hơn nữa năm 2011. Trong hai năm, Tổng Thống Obama đã viếng thăm nhiều nước Châu Á, và theo dự tính sẽ qua Pakistan năm tới. Trở lại với hoàn cảnh chính trị tại Hoa Kỳ, dù nhiều người Cộng Hòa đã thúc đẩy Tổng Thống Obama không nên triệt thoái quân đội Hoa Kỳ theo một thời biểu định trước, nhưng tòa Bạch Ốc lại phải chuẩn bị việc tranh đấu với chính cơ sở bên Dân Chủ của mình có nhiều thành phần phản chiến đã kêu gọi mau chóng rút khỏi Afghanistan. Một số nhà lập pháp Dân Chủ đã tuyên bố sẽ chống lại việc tiếp tục cấp ngân khoản $100 tỷ một năm cho Afghanistan. Tổng Thống Obama đã cam kết tới tháng 7 năm 2011, quân đội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu triệt thoái. Tuy nhiên bao nhiêu binh lính sẽ trở về hãy còn là câu hỏi chưa được trả lời. Theo giới quân sự thì chỉ nên là một con số nhỏ và tòa Bạch Ốc giải thích mơ hồ là “tùy theo tình huống.” Mặt khác trong một năm kể từ khi Tổng Thống Obama loan báo tăng cường quân lực ở Pakistan, bộ tham mưu chiến lược của ông về Pakistan và Afghanistan đã mất đi 4 nhân vật trọng yếu. Tướng Stanley McChrystal bị giải nhiệm chức vụ tổng tư lệnh chiến trường vì lời phát biểu không thích hợp trên tạp chí Rolling Stone. Ðổng lý Văn phòng tòa Bạch Ốc Rahm Emanuel từ chức để ứng cử thị trưởng Chicago. Tướng James Jones từ chức Cố vấn An ninh Quốc gia hồi tháng 11. Cuối cùng mất mát nặng nề nhất là đặc sứ Pakistan và Afghanistan, nhà ngoại giao kỳ cựu và nhiều kinh nghiệm Richard Holbrooke từ trần vì vỡ một động mạch tim ngày Thứ Hai tuần này. Với kinh nghiêm trực tiếp làm việc tại Việt Nam và ở trong toán chuyên viên cố vấn cho Tổng Thống Lyndon B. Johnson, ông đã từng khẳng định là chiến tranh Afghanistan hoàn toàn khác chiến tranh Việt Nam. (HC)
|