Cảnh sát ‘tham nhũng’ nhất tại Việt Nam |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 16 Tháng 12 Năm 2010 18:04 |
Minh bạch Quốc tế, tổ chức chống tham nhũng toàn cầu vừa thực hiện cuộc khảo sát về tham nhũng tại Việt Nam và 85 nước khác trên thế giới. Cảnh sát được người dân đô thị đánh giá tham nhũng nhất. Khảo sát do công ty tư vấn Indochina Research, đại diện cho hãng nghiên cứu Gallup International tại Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Nhân viên nghiên cứu phỏng vấn trực tiếp 1.000 người dân ở năm thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. 62 % trong số người được hỏi cho rằng tham nhũng gia tăng tại Việt Nam trong ba năm qua. Trong khi đó, báo mạng VietNamNet đã bị kỷ luật chỉ 24 tiếng sau khi đưa tin về khảo sát. Kết quả khảo sát Trong các lĩnh vực “cảm nhận’’ có tham nhũng, cảnh sát được cho là ngành đứng đầu tham nhũng ở Việt Nam - với 82% số người được hỏi đồng ý. Theo sau là giáo dục (67%), cán bộ nhà nước, nhân viên hành chính công (61%), và tư pháp (52%). Liên quan đến trải nghiệm về tham nhũng (tỷ lệ người dân có liên hệ với ngành/dịch vụ trả lời có đưa hối lộ), cảnh sát vẫn dẫn đầu các ngành mà người dân phải trả hối lộ nhiều nhất (49%). Tiếp theo là giáo dục (36%), y tế (29%) và hải quan (29%). Theo tiêu chí này, nam giới trải nghiệm tham nhũng nhiều hơn nữ giới. Những người thu nhập trung bình khá - gặp tham nhũng trong giáo dục nhiều hơn so với những người có thu nhập thấp. Người ở Hà Nội có cái nhìn bi quan nhất về tình hình tham nhũng. Trong số 350 người ở thủ đô được khảo sát, tới 70% từng gặp tham nhũng trong giáo dục, 60% với công an, 52% với y tế. Cạnh đó người Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất trong các tỉnh khi đưa ra đánh giá tiêu cực về tham nhũng. Khảo sát cho thấy người dân tin vào lãnh đạo chính phủ, và báo chí, trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Tuy vậy, những người tốt nghiệp phổ thông hoặc cao hơn tin vào chính phủ ít hơn những người có trình độ thấp, theo bản khảo sát. Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đại diện cho Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam cho BBC Việt Ngữ hay, chính phủ đánh giá khảo sát của TI là “khách quan”. “Chia sẻ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là, khảo sát này khá khách quan, rất công phu, nó phản ánh sát tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Vì nó không thổi phồng quá và cũng không đưa ra bức tranh đen quá. “Đây là bộ công cụ cần thiết, sẽ được chính phủ đưa vào trong quá trình hoàn thiện xây dựng bộ chỉ số đánh giá tham nhũng và tình hình tham nhũng ở Việt Nam.” Kỷ luật báo mạng Tờ báo mạng VietNamNet là một trong vài tờ báo Việt Nam đưa tin về khảo sát này. Nhưng bài báo đã bị rút xuống và hôm nay trang tin điện tử đăng thông báo, cho biết Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn "nhận hình thức kỷ luật khiển trách". Thư ký xuất bản nhận hình thức khiển trách và người phóng viên viết tin nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và sẽ không được cấp thẻ nhà báo trong đợt tới. Tờ báo này nói: "Trong bản tin này có đưa một số chi tiết liên quan đến một số cơ quan Việt Nam chưa được kiểm chứng." Tin cho biết chính quyền không hài lòng khi bài của VietNamNet chạy tít "Cảnh sát đứng đầu bảng về tham nhũng". Sự việc cho thấy việc đưa tin về tham nhũng vẫn là một chủ đề nhạy cảm tại Việt Nam.
|