Home Tin Tức Thời Sự Ðặc Sứ Holbrooke từ trần

Ðặc Sứ Holbrooke từ trần PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát/ Tổng hợp   
Thứ Tư, 15 Tháng 12 Năm 2010 12:20

Đây là một mất mát lớn của ngành ngoại giao Hoa Kỳ

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ Richard Holbrooke, từng làm việc tại Việt Nam thời chiến tranh và lập được nhiều thành quả công tác ở Serbia,Croatia, Bosnia, Pakistan, Afghanistan, vừa qua đời hôm Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010, thọ 69 tuổi.

 Ðặc Sứ Richard Holbrooke trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kabul, Afghanistan, tháng trước. (Hình: Shah Maria/AFP/Getty Images)
 

Ông đột ngột bị ngất xỉu sáng Thứ Sáu trong lúc ngồi họp với Ngoại Trưởng Hillary Clinton và được đưa vào bệnh viện Ðại Học George Washington cấp cứu.

 Sau cuộc giải phẫu kéo dài 21 giờ để nối một động mạch chủ bị vỡ, ông không hồi phục cho đến khi từ trần hơn hai ngày sau.

Quá trình làm việc hơn 40 năm trong công tác ngoại giao của Holbrooke xác định được vai trò và giá trị của ông ở lãnh vực nhiều phức tap này.

Là cố vấn ngoại giao cho 4 đời tổng thống đảng Dân Chủ - Lyndon Johnson, Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama - ông đã đóng góp cho chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong 40 năm với ba cuộc chiến tranh.

 Rất nhiều thời gian ở trên máy bay xuyên lục địa và đại dương đi tới các nơi trên thế giới trong sứ mạng thương thuyết vận động, cá nhân Ðặc Sứ Holbrooke có ảnh hưởng đáng kể tại Washington, New York và thủ đô nhiều quốc gia.

Tổng Thống Obama ca ngợi ông là “một cây đại thụ của ngoại giao Hoa Kỳ” đã có công lao “làm cho nước Mỹ hùng mạnh, an ninh và được trọng nể hơn bằng những nỗ lực phục vụ không mỏi mệt, lòng ái quốc và ý nguyện xây dựng hòa bình.”

 Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong một bản tuyên cáo nói rằng: “Hoa Kỳ mất đi một trong những con người nhiệt thành và quyết tâm đóng góp cao nhất cho đất nước.”

Cái chết bất ngờ của Ðặc Sứ Holbrooke có thể tác động sâu xa đến những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tiến hành chiến lược chiến tranh ở Afghanistan mà kết quả không chỉ ở mặt quân sự nhưng còn trong sự hỗ trợ phát triển và sáng kiến ngoại giao với chính quyền Kabul cũng như với nước láng giềng Pakistan.

Richard Charles Albert Holbrooke sinh ngày 24 tháng 4, 1941, ở New York City, con một bác sĩ dân Ðức-Do Thái, chết năm ông 16 tuổi và ông được đưa về sống trong gia đình một người bạn học con trai của vị ngoại trưởng tương lai Dean Rusk. Ông theo học trường Brown University và làm biên tập viên cho tờ Brown Daily Herald trước khi tốt nghiệp môn Sử học. Khi tờ New York Times từ chối nhận ông vào làm việc, Holbrooke chuyển sang ngành ngoại giao.

Năm 1963 Richard Holbrooke được phái tới Việt Nam và làm viên chức cơ quan Hoa Kỳ Phát Triển Quốc Tế (USAID) tại một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 Bằng kinh nghiệm về công việc bình định tái thiết và thành tích công tác, ông gây nên sự chú ý khi mới 23 tuổi và được đưa về Sài Gòn làm phụ tá cho Ðại Sứ Maxwell Taylor rồi Henry Cabot Lodge. Năm 1966 ông về làm chuyên viên trong Ban Tham Mưu tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống Lyndon B. Johnson vào lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang lên cao điểm.

 
Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Richard Holbrooke (mang kiếng) trong cuộc họp với Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phan Hiền (đối diện) ngày 19 tháng 12 năm 1977 tại Sài Gòn, thảo luận vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. (Hình: Michel Clement/AFP/Getty Images)
 
Trong một hội nghị về Ðông Nam Á tại bộ Ngoại Giao năm đó, ông đã nói lên nhận định về sự leo thang chiến tranh của quân lực Hoa Kỳ mà ông tin là không sáng suốt: “Quốc gia chúng ta đưa đến chiến trường những người lính không xác định được rõ rệt mục tiêu và sứ mạng phải hoàn thành, cũng như phán đoán sai lầm sự thách đố. Và rồi chúng ta không thể rút ra được nữa.”

Holbrooke mau chóng nổi tiếng với biệt danh “Chiếc Xe Ủi Ðất” (the bulldozer) với những phúc trình đề nghị thẳng thừng không vị nể.

 Năm 1967 ông soạn thảo cho Thứ Trưởng Ngoại Giao Nicholas Katzenbach một bản phúc trình dài 17 trang nói rằng Bắc Việt đang thắng cuộc chiến tâm lý trong dư luận quần chúng Mỹ.

Phúc trình viết: “Hà Nội dùng thời gian theo lối người Nga dùng lãnh thổ chống Napoleon tiến quân đến Moscow, luôn luôn rút lui, để thua hết trận này tới trận khác, để rồi cuối cùng tạo nên những hoàn cảnh mà địch quân không còn thể nào hoạt động nữa.” Theo ông: “Với Napoleon thì đó là con đường tiếp vận quá xa và mùa Ðông khắc nghiệt.

Còn với Hà Nội thì họ hy vọng rằng tâm lý bất mãn, mất kiên nhẫn và thất vọng gia tăng đối với một cuộc chiến tranh trường kỳ không có chiến tuyến và không có dấu hiệu thành công.”

Sau đó Holbrooke được đưa vào làm một thành viên ở cấp thấp trong phái đoàn hòa đàm ở Paris và ông cũng có đóng góp một chương trong cuốn “Hồ sơ mật của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ” (The Pentagon Papers).

Năm 1970 ông chuyển sang công việc nghiên cứu tại trường Woodrow Wilson, Ðại Học Princeton, rồi đi làm trưởng đoàn Hòa Bình (Peace Corps) ở Morocco. Nhưng trong tư tưởng của ông, những bài học đã thành chai về chiến tranh vẫn còn tồn tại và ông nói: “Rời bỏ Việt Nam không có nghĩa là đã ra khỏi một hệ thống cũ.”

Từ 1972 ông là tổng thư ký cho Foreign Policy, tạp chí mà ông đã góp phần sáng lập. Sau đó Holbrooke là cố vấn ban tranh cử của Jimmy Carter và ở tuổi 35 ông đã trở thành thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ông rời chính quyền đầu nhiệm kỳ Tổng Thống Ronald Reagan về mở một hãng làm công tác tư vấn chiến lược.

Khi Tổng Thống Bill Clinton đắc cử, ông trở lại với hy vọng được giao một chức vụ quan trọng ở tòa Bạch Ốc hay bộ Ngoại Giao nhưng chỉ được cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Ðức. Năm sau Holbrooke trở về Washington làm thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Âu Châu. Chính thời kỳ này ông đã trung gian hòa giải cho các nước vùng Balkan, và “Chiếc Xe Ủi Ðất” Holbrooke thúc ép Serbia, Croatia, Bosnia đi tới thỏa hiệp hòa bình ký kết tại Dayton, Ohio.

Năm 1996, Holbrooke rời chính trường nhưng tới 1999 Tổng Thống Bill Clinton bổ nhiệm ông làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Là một người trung thành với đảng Dân Chủ, Holbrooke không tham gia chính quyền Tổng Thống George W. Bush nhưng khi bà Hillary Clinton đắc cử thượng nghị sĩ New York, ông làm cố vấn cao cấp về ngoại giao cho bà.

 Holbrooke ở trong ban vận động tranh cử của bà Clinton nhưng khi bà thua qua giai đoạn bầu cử sơ bộ ông chuyển sang ủng hộ Barack Obama. Tổng thống không chọn ông làm ngoại trưởng và Holbrooke trở lại hoạt động trung thành với bà Hillary Clinton.

 Gần đây Tổng Thống Obama chỉ định Holbrooke làm đặc sứ tại Afghanistan và Pakistan, ông trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất trong chiến lược giải quyết chiến tranh tại vùng này.

Mặc dầu với kinh nghiệm làm việc cho USAID ở Việt Nam và nhiều điểm tương đồng với tình thế Afghanistan, Richard Holbrooke khẳng quyết là hai cuộc chiến khác hẳn nhau và phương cách giải quyết không giống nhau.

 Trong một bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Der Spiegel ở Ðức, ông tuyên bố: “Chúng tôi không đến Afghanistan để xây dựng một nền dân chủ hoàn hảo.”

Ðề cập tới kinh nghiệm Việt Nam, ông nói: “Tôi còn rất trẻ khi tham dự vào chiến tranh Việt Nam. Tôi chứng kiến người ta phải đương đầu với những quyết định lớn, học kinh nghiệm tiếp cận vấn đề trong những giai đoạn khó khăn và tôi cố phân tích để tìm ra hướng hành động.”

Ông không phản đối việc tăng quân số ở Afghanistan mà Tướng Stanley McChristal đã nhấn mạnh rằng, “nếu không có sẽ xảy tới tình thế phải gọi trực thăng đến sân thượng tòa đại sứ như ở Saigon.” Nhưng ông bác bỏ ý kiến cho là Hoa Kỳ sẽ như Liên Xô không thắng được ở Afghanistan vì mục tiêu của hai nước khác nhau.

Ðặc Sứ Holbrooke lập luận: “Chúng tôi đến Afghanistan không phải để chiếm đóng và điều hành nước này. Chúng tôi muốn giúp người Afghanistan xây dựng khả năng của họ để thay thế sứ mạng an ninh của quân đội quốc tế trong một khoảng thời gian chấp nhận được. Tôi không thể đưa ra thời biểu cụ thể vì tính cách bí mật chiến lược.

Cuộc chiến Afghanistan là rất khó khăn nhưng cần thiết bởi vì đã có vụ khủng bố 9/11. Ðó là khác biệt căn bản giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Afgfhanistan.”

Theo lời thân nhân trong gia đình ông, trước khi được đánh thuốc mê để qua cuộc giải phẫu dài 21 tiếng đồng hồ, lời cuối cùng Richard Holbrooke nói với viên bác sĩ dân Pakistan: “Các ông phải chấm dứt cuộc chiến này ở Afghanistan.” (HC)