Home Tin Tức Thời Sự Cam Bốt đóng cửa trại tị nạn, nhiều người Việt sẽ bị trục xuất

Cam Bốt đóng cửa trại tị nạn, nhiều người Việt sẽ bị trục xuất PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 15 Tháng 12 Năm 2010 10:45

PHNOM PENH (TH) - Chính phủ Cam Bốt quyết định đóng cửa trại tị nạn do Liên Hợp Quốc (LHQ) quản trị ở nước này và loan báo sẽ trục xuất hết về Việt Nam từ đầu năm 2011.

 
Một gia đình người Thượng Việt Nam tị nạn tại Cambodia được Cao Ủy Tị Nạn đưa đi định cư ở một nước thứ ba hồi năm 2004. (Hình: Suy Se/AFP/Getty Images)
 
Theo một quyết định gửi tới Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) nhà cầm quyền Nam Vang thông báo sẽ trục xuất về Việt Nam ít nhất 62 người, phần lớn là người Thượng nếu UNHCR không tìm được giải pháp nào định cư họ ở một nước thứ ba.

Ðại diện UNHCR đã cấp qui chế tị nạn cho họ, yêu cầu Nam Vang trì hoãn cho một thời gian để tái định cư.

Theo báo Phnom Penh Post, ngoài những người đã được LHQ cấp thẻ tị nạn, còn ít nhất 10 người nữa mới chạy từ Việt Nam sang và đang chờ được phỏng vấn hay chờ được cấp thẻ tị nạn.

Ðiều này cho thấy các người ở Việt Nam vẫn tìm cách vượt biên sang Cam Bốt hay chạy thẳng sang Thái Lan để xin tị nạn. Những người này là những đợt cuối cùng trong số 1,812 người Thượng đã được UNHCR cấp qui chế tị nạn kể từ năm 2006 đến nay.

Từ năm 2004 đến 2008, hàng chục ngàn người Thượng đã biểu tình tập thể tại nhiều địa điểm khác nhau ở Tây nguyên đòi tự do tôn giáo và đòi lại đất đai canh tác đã bị nhà cầm quyền Việt Nam tịch thu. Ðất canh tác hoa màu của họ trở thành đồn điền trồng cà phê của nhà nước. Một số người Thượng trở thành công nhân hái cà phê với số tiền lương không đủ sống.

Một số người Thượng đã bỏ buôn rẫy, vào sâu hơn trong các khu rừng già để sống. Hàng trăm người Thượng đã bị bắt bỏ tù với cáo buộc gây tối trật tự công cộng hay “phá hoại đoàn kết quốc gia.”

Trong số những người Thượng chạy qua Cam Bốt, có 999 người đã được đưa sang Hoa Kỳ định cư hoặc tới một nước Bắc Âu. Có 751 người đã bị gửi trả về Việt Nam. Chế độ Hà Nội đã cam kết không trả thù nhưng ngược lại, một số người này đã bị bỏ tù với các bản án nặng nề.

Nhà cầm quyền Phnom Penh muốn đóng cửa trại tị nạn ở nước họ càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn trước những đợt chạy trốn của người Thượng và cả các người Việt Nam khác sau này.

“Nếu chúng tôi không yêu cầu họ đóng cửa trại tị nạn, việc làm của UNHCR sẽ kéo dài vô hạn định.” Koy Kuong, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cam Bốt nói.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Cam Bốt cho thêm thời gian để chúng tôi cố tìm một giải pháp.” Jean-Noel Wetterwald, đại diện UNHCR nói với thông tấn AP qua điện thoại. Ông cho hay tuy Cam Bốt quyết định đóng cửa trại tị nạn nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Văn Phòng UNHCR ở nước này.

Năm 2005, một thỏa hiệp tay ba giữa UNHCR-Cam Bốt-Việt Nam sẽ hồi hương tất cả những người tị nạn Thượng về Việt Nam nếu không đủ điều kiện đi định cư ở một nước thứ ba. Có nhiều lời tố cáo của người Thượng về sự trả thù và bỏ tù một số người bị cưỡng bách hồi hương mà thỉnh thoảng các cuộc thăm viếng kiểm tra của UNHCR không nhìn thấy.

Trước khi có phái đoàn tới, người Thượng đã bị đe dọa trừng phạt nếu nói ra điều gì bất lợi cho chế độ Hà Nội.

Vì sự ngược đãi và không giữ chữ tín của chế độ Hà Nội, khi bị từ chối cho tị nạn, một số người Thượng đã trốn trại, từ Cam Bốt chạy sang Thái Lan, xin tị nạn tiếp ở đó với cơ quan UNHCR, hy vọng văn phòng này có thẩm quyền hơn. Tuy vậy, chính phủ Thái cũng siết chặt vấn đề định cư tị nạn và đã cưỡng bách hồi hương người Hmong về nước Lào. (TN)