Chàng sinh viên cao một mét, nặng 18 kg |
Tác Giả: Văn Nguyễn |
Thứ Ba, 14 Tháng 12 Năm 2010 09:16 |
Năm lên 2 tuổi, đụng vào ấm nước sôi.
Lê Hải Trung (19 tuổi) khoa Tin học, ĐH Khoa học Huế có thể là sinh viên tý hon nhất Việt Nam bởi chỉ cao có một mét, nặng 18 kg. Gặp Trung ở giảng đường đại học, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước thân hình bé nhỏ, thậm chí có bạn còn nghĩ Trung là học sinh tiểu học. Khi biết chuyện, không ít người đã nể phục trước nghị lực sống của chàng trai 19 tuổi này. Sinh ra và lớn lên tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), lúc chào đời Trung là cậu bé kháu khỉnh, cơ thể phát triển bình thường. “Nghe bố mẹ kể lại, năm lên 2, em đang tập đi thì đụng phải ấm nước sôi, bị nước sôi dội lên phần lưng và bỏng nặng”, Trung kể. Lê Hải Trung và người bạn cùng lớp đại học. Ảnh: Văn Nguyễn. Sau nhiều tháng vật lộn điều trị tại Bệnh viện trung ương Huế, Trung qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, khi vết bỏng liền sẹo thì cơ thể cậu mỗi ngày một còm cõi, tong teo. Thấy con có dấu hiệu bất thường, gia đình lại đưa em đi khắp bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc chữa trị. Họ khóc ròng khi bác sĩ chuẩn đoán em bị bệnh còi xương, không chữa được. Năm lên 6, thấy các bạn cùng lứa cắp cặp đến trường, Trung về nhà hỏi bố mẹ sao không cho con đi học. Câu trả lời chỉ là sự im lặng cùng ánh mắt buồn bã của những người trong gia đình. Thấy con năn nỉ mãi, bố mẹ đánh liều cho Trung đến lớp nhưng vẫn lo con khó theo đuổi trọn vẹn việc học. “Ngày đầu bố mẹ đến xin cho em vào lớp 1, cô giáo cứ bảo em chưa đủ tuổi, không nhận. Đến khi đưa giấy khai sinh cho cô xem, rồi các bạn cùng làng bảo em bằng tuổi mấy bạn, cô giáo mới nhận và cho em ngồi ở bàn đầu tiên”, chàng tý hon Lê Hải Trung nhớ lại. Thể trạng của Trung chỉ thực sự khác biệt với chúng bạn khi học lên lớp 4. Bạn bè cùng lứa đứa nào cũng cao, còn Trung vẫn “dậm chân tại chỗ”. Cậu bắt đầu thấy tủi thân khi mỗi lần đến trường lại bắt gặp những ánh nhìn xoi mói, những điệu cười chế giễu. Học cấp 3 tại trường THPT An Lương Đông, Trung càng nản lòng hơn. Có khi thầy cô gọi lên bảng làm bài tập nhưng kiễng chân mãi em cũng chỉ với tay đến mép bảng, phía dưới lớp là những tiếng xì xào, châm chọc. “Nhiều hôm em đã khóc và cắp cặp chạy về vì không chịu nổi. Nhiều đứa còn bắt em phải gọi bằng anh, bằng chị mới cho học cùng, chơi cùng…”, Trung nhớ lại. Uất ức, buồn tủi, Trung quyết định nghỉ học. Nhưng nghỉ rồi, cả ngày Trung lại nhớ trường, nhớ lớp, cứ mở sách ra lại gấp sách vào. “Suy nghĩ mãi, em nói với bố mẹ xin cho em đi học tiếp. Cơ thể mình đã thế này, không đi học cũng chẳng biết làm gì”, Trung vừa kể vừa gạt nước mắt. Trở lại trường, cậu học sinh tội nghiệp lại phải chịu đựng những lời đàm tiếu. Nhưng thấy Trung học giỏi, bạn bè đều nể. “Với lại bạn bè trêu mãi cũng chán”, Trung cười. Lần cậu thấy bực mình và buồn cười nhất là khi đi thi tốt nghiệp THPT, bác bảo vệ một mực không cho vào trường thi vì “nghi” là học sinh tiểu học. Trung phải xuất trình giấy tờ dự thi, bác bảo vệ mới tròn mắt cho vào. Trung nung nấu ước mơ lập một công ty tin học dành cho những người kém may mắn như mình. Ảnh: Văn Nguyễn. Bằng sự nỗ lực không ngừng, 12 năm học Trung luôn là học sinh khá, giỏi. Kỳ thi đại học vừa qua, cậu đậu trường cao đẳng và đại học ở Huế với điểm số khá cao. Trung chọn Khoa Tin học của ĐH Khoa học Huế vì nghĩ làm việc trên máy vi tính sẽ phù hợp với thể trạng của mình hơn. Vào đại học, một lần nữa Trung phải đối mặt với ánh mắt ngạc nhiên đổ dồn từ mọi phía. Tiết đầu mỗi môn học, cậu đều phải trải qua phần “kiểm tra” của các giảng viên. Tuy nhiên, dần dần bạn bè cũng đã tỏ ra yêu quý, sẵn sàng giúp đỡ “đứa em út” trong lớp. Trung bảo việc tiếp thu bài giảng với cậu không nặng nề bằng việc ghi chép bài vở. "Có những buổi học, em phải đứng mỏi nhừ cả chân mới chép kịp bài giảng do bàn ghế không phù hợp với em. Đêm về, đôi chân yếu ớt lại tê buốt, đau nhức", Trung kể. Tuy nhiên, chàng sinh viên tý hon luôn tự nhủ không được gục ngã, phải phấn đấu trở thành một lập trình viên, một nhân viên thiết kế phần mềm ứng dụng để khi ra trường có được công việc ổn định nuôi sống bản thân. “Em ước mơ một ngày sẽ mở được công ty tin học để tạo việc làm phù hợp cho những người khuyết tật, kém may mắn như em”, Trung tý hon nói về dự định tương lai. |