Khổng Tử rơi lệ |
Tác Giả: Ngô Văn |
Thứ Ba, 14 Tháng 12 Năm 2010 08:25 |
Ngày 9 tháng 12 vừa qua, người ta thấy tượng Khổng Tử tại một số công viên ở Hoa lục bỗng nhiên rơi lệ. Đây chẳng phải là một phép lạ hay điềm gở gì cả, vì những giọt lệ đó được chấm vội bằng mực tàu; ngụ ý Đức Khổng Tử phải rơi lệ vì đang bị những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc lôi ra làm trò cười cho thế giới, qua việc họ thiết lập giải Hòa Bình Khổng Tử để đối kháng lại với giải Nobel Hòa Bình. Hình minh họa Sau khi dùng đủ trò để phản đối giải Nobel Hoà Bình năm nay được trao cho nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba nhưng đều bị thất bại, vừa giận dữ, vừa xấu hổ, Bắc Kinh gỡ gạc bằng cách lập ra giải thưởng “Hoà Bình Khổng Tử”, mà từ khi lập ra cho đến khi trao giải chỉ vỏn vẹn có ba tuần lễ. Vì giải thưởng thuộc loại “mì ăn liền”, nên lễ trao giải vào hôm thứ năm (trước ngày trao giải Nobel Hoà Bình 1 ngày) cũng như là “đám cưới chạy tang”. Đến nỗi người được chọn nhận giải là ông Liên Chiến (cựu phó tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan) không hay biết gì cả. Trả lời hàng ngàn cú điện thoại hỏi về việc này, ông Liên Chiến cho biết ông cũng chẳng hề có ý định nhận giải. Thay thế ông Liên Chiến trong buổi lễ phát giải Khổng Tử là một “cháu ngoan bác Mao” mới 6 tuổi. Ban tổ chức cũng chẳng màng giới thiệu cháu gái 6 tuổi này liên hệ với ông Liên Chiến ra sao. Bên cạnh ông Liên Chiến, 5 người khác được nhét tên vào danh sách đề cử nhận giải Khổng Tử cho rậm đám cũng chẳng ai biết gì hơn. Các ông Mandela (cựu Tổng thống Nam Phi), ông Carter (cựu Tổng thống Hoa Kỳ), ông Bill Gates, ông Abbas (Chủ tịch Palestine) và Panchen Lama II (lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng do Bắc Kinh đưa lên), là những người được Bắc Kinh lôi vào màn hài kịch “Giải Hoà Bình Khổng Tử” cũng chẳng thèm đả động gì đến cái giải thưởng trị giá 14 ngàn đô la mà Bắc Kinh đã cất công quảng cáo rùm beng là một “giải thưởng vô cùng cao quý”. Bắc Kinh chọn ông Liên Chiến để trao giải Khổng Tử vì họ cho rằng ông đã cải thiện được mối liên hệ giữa hai bên eo biển Đài Loan (tức liên hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc). Về phần Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, trong phát biểu nhân ngày Quốc tế Nhân Quyền đã bày tỏ sự vui mừng về việc Ủy ban Nobel Hòa Bình đã chọn ông Lưu Hiểu Ba để trao giải, đồng thời ông Mã Anh Cửu cũng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho khôi nguyên giải Nobel Hoà Bình năm nay. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình Khổng Tử là ông Đàm Trường Lưu, thuộc viện Tư Tưởng Bắc Kinh, nói với các ký giả nước ngoài rằng, ông tin chắc là ông Liên Chiến sẽ không từ chối nhận giải thưởng. Họ Đàm cũng biện bạch giải Khổng Tử được thành lập không để đối kháng lại với giải Nobel Hòa Bình. Tuy nhiên, trong quyển sách nhỏ (pamphlet) giới thiệu về giải Hòa Bình Khổng Tử có một đoạn so sánh như sau: “Giải Nobel Hòa Bình chỉ do một thiểu số người giới thiệu ứng viên rồi được mấy người trong Ủy ban quyết định. Như vậy khó mà nói giải này là của đa số và không tránh khỏi sự thiên vị và sai lầm. Còn người lãnh giải Hòa Bình Khổng Tử được bầu qua mạng Internet một cách dân chủ.” Liền sau đó, khi trả lời câu hỏi trang mạng nào đã bầu ông Liên Chiến để trao giải Hòa Bình Khổng Tử, thì ông Đàm Trường Lưu thú nhận rằng năm nay không bầu chọn, nhưng năm tới sẽ cho tiến hành. Về phía chính quyền Bắc Kinh, chẳng những không cho ông Lưu Hiểu Ba và thân nhân ra khỏi nước, mà ngay cả bạn bè, thân hữu hay bất kỳ một ai từng có quan hệ với những việc làm của ông Lưu Hiểu Ba cũng bị cấm xuất ngoại vào thời điểm này; cho dù phải đi dự hội nghị quốc tế về các lãnh vực chuyên môn như khoa học, kỹ thuật, kinh tế. … Hẳn nhiên ý đồ của sự cấm đoán này là để không có người đại diện cho ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải thưởng. Ngày 28/11/2010, luật sư Lưu Hiểu Nguyên lên đường sang Tokyo tham dự một hội nghị bị chận lại ở phi trường Thượng Hải; ngày 2/12/2010, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc là giáo sư Mao Vu Thức bị tịch thu hộ chiếu tại phi truờng Bắc Kinh khi làm thủ tục xuất cảnh sang Singapore tham dự hội nghị. Cũng trong ngày hôm đó, một chuyến bay đi Hàn Quốc đã cất cánh nhưng chưa bay ra khỏi không phận Trung Quốc đã bị bắt phải hạ cánh khẩn cấp, vì trên chuyến bay này có kiến trúc sư lừng danh thế giới Ngãi Mạt Mạt. Trước sự cuống cuồng và vô lối như vừa kể, dư luận, đặc biệt là dư luận của thành phần trí thức Trung Quốc ở trong cũng như ngoài nước đều cho rằng, dù Bắc Kinh có ra sức chống phá đến đâu đi nữa thì cũng không làm giảm giá trị của giải Nobel Hòa Bình. Trái lại, còn cho thấy kẻ đánh phá đang lội ngược giòng. Đã có 116 người thuộc giới trí thức, học giả nổi tiếng của Trung Quốc và thế giới ký tên chung trong một bản lên tiếng yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông Lưu Hiểu Ba, và phải để cho ông, hay thân nhân sang Na Uy nhận giải, đồng thời phải ngưng ngay việc đánh phá giải thưởng Nobel Hòa Bình. Một hành động mà sau này Trung quốc phải trả một giá rất đắt, không thua gì biến cố Thiên An Môn. Các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc nói rằng, sự ngạo mạn của giới lãnh đạo nước này đã và đang dần dần hủy diệt mọi giá trị đạo đức và tinh thần hiếu hòa của người Trung Quốc. Nguy cơ một nước Trung Quốc hống hách, vô trách nhiệm, coi thường cộng đồng thế giới đang trở thành hiện thực; và rồi đây, người dân Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá tương đương như dân Đức đã trả cho sự sai lầm của Hitler. Việc Trung Quốc tẩy chay giải Nobel Hoà Bình và giam giữ ông Lưu Hiểu Ba khiến người ta nhớ tới một trường hợp tương tự duy nhất trong lịch sử của giải này, khi Đức Quốc Xã bắt nhốt ký giả Carl von Ossietsky vào trại tập trung, vì nhà báo đấu tranh cho hoà bình này được đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1936. Năm 1975, nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov cũng bị chính quyền Sô Viết ngăn cản rời khỏi nước Nga để nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình dành cho ông năm đó. Tuy nhiên, phu nhân của ông là bà Elena Bonner được hiện diện trong lễ trao giải để nhận thay chồng. Năm nay, do những chống phá và cấm cản điên cuồng của Trung Quốc như đã đề cập ở trên, không ai đại diện ông Lưu Hiểu Ba trong lễ trao giải; chiếc ghế danh dự dành cho người đoạt giải (hay người đại diện) bị bỏ trống. Giải Hoà Bình Khổng Tử cũng khiến người ta nhớ đến việc Liên Bang Sô Viết lập ra giải Hòa Bình Staline, nhân ngày sinh nhật lần thứ 70 của nhà lãnh đạo độc tài này vào năm 1949. Đến năm 1956 khi ông Khrushchev hạ bệ Staline thì đổi tên thành giải thưởng Lê-nin Hòa Bình và dến năm 1987 thì bãi bỏ. Hàng năm cũng chọn người để trao giải, nhưng khác với giải Nobel Hoà Bình được cả thế giới biết đến, giải Stalin rồi Lenin Hoà Bình thì phía bên ngoài bức màn sắt chẳng mấy ai biết. Chuyện giải Hòa Bình Khổng Tử là như thế, nhưng chính quyền CSVN vẫn lên tiếng ca ngợi và về hùa với Trung Quốc để chỉ trích Ủy ban Nobel Hòa Bình, cũng như là một trong mấy nước đầu tiên theo Trung Quốc không tham dự lễ trao giải tại Oslo. Trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền, CSVN đã trở nên nổi tiếng thế giới khi được đài CNN nhắc đi nhắc lại đến 4 lần, chẳng phải vì thành tích bảo vệ nhân quyền, mà vì sự tận tuỵ với đàn anh phương bắc như vừa kể của Hà Nội. Cũng qua đó người ta thấy thái độ ngoại giao của Việt Nam được quyết định ở Bắc Kinh chứ không phải tạì Hà Nội. Điều này càng tô đậm thêm bản chất nô lệ của những người lãnh đạo đảng CSVN |