Quan hệ TQ với Tòa Thánh ngày càng xa? |
Tác Giả: BBC |
Thứ Hai, 13 Tháng 12 Năm 2010 16:40 |
Ủy viên Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm chụp hình với các tân lãnh đạo của giáo hội Thiên Chúa giáo Yêu nước
Đại hội lần thứ 8 của Hội Thiên Chúa giáo Ái quốc ở Trung Quốc đã bầu ra các tân lãnh đạo của hai tổ chức Công giáo Trung Quốc không thần phục Tòa Thánh Vatican. Cuối tuần qua, Giám mục Phòng Hưng Diệu được bầu làm Chủ tịch Hội Thiên Chúa giáo Ái quốc (CCPA), còn Giám mục Mã Anh Lâm nhậm chức tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thiên Chúa giáo Trung Quốc (BCCCC). Trước đó, việc Trung Quốc tự tấn phong tu sĩ Mã Anh Lâm lên làm giám mục ở Côn Minh hồi 2006 đã không được Vatican công nhận. Theo báo chí Trung Quốc, đại hội toàn quốc kết thúc hôm 9/12 cũng chọn ra các vị phó chủ tịch và cố vấn cao cấp. Các nhân vật lãnh đạo của giáo hội 'chính thức' tại Trung Quốc đã chụp ảnh với Ủy viên Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm, người được Tân Hoa Xã gọi là "cố vấn chính trị tối cao", phụ trách cả vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc. Nhưng hành động họp đại hội gồm 64 giám mục, 162 linh mục, 24 nữ tu và 91 thành viên không thuộc hàng giáo phẩm này đặt ra các câu hỏi về hướng đi của Bắc Kinh trong quan hệ với Tòa Thánh Vatican. Theo AP, trích lời ông Anthony Lam, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chúa Thánh thần ở Hong Kong thì "tư cách pháp lý của ông Mã vẫn còn cả một câu hỏi, nên việc phong chức cho ông khiến một số người ngạc nhiên". Một chuyên gia khác từ chính Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc thì được AP trích dẫn xác nhận vụ việc "sẽ làm quan hệ với Vatican thêm khó khăn". "Việc để một giám mục không được công nhận làm chủ tịch Hội đồng Giám mục sẽ khiến quan hệ khó khăn hơn". Hồi cuối tháng 11 năm nay, Vatican đã lên án việc một nhà thờ của nhà nước Trung Quốc tấn phong một vị giám mục và gọi đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật lệ của Thiên Chúa giáo. Việc để một giám mục không được công nhận làm chủ tịch Hội đồng Giám mục sẽ khiến quan hệ khó khăn hơn / Anthony Lam Nhưng thông cáo hôm 22/11/2012 của Vatican cho biết việc tấn phong Đức cha Joseph Quách Tấn Tài ở Thừa Đức, vùng Đông Bắc Trung Quốc được thực hiện bất chấp sự phản đối của Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Hiện tượng Trung Quốc có hai giáo hội, một do Đảng Cộng sản lập ra và ủng hộ, một thần phục Vatican nhưng chỉ hoạt động ngầm là vấn đề đã có từ sau cuộc cách mạng cộng sản tại Trung Hoa lục địa năm 1949. Lời kêu gọi năm 2007 của Đức Giáo hoàng có mục đích hàn gắn hai khối Công giáo ở Trung Quốc và nói người Công giáo không nên né tránh Giáo hội của nhà nước. Tuy thế, báo chí Phương Tây cho rằng nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã ở Trung Quốc vẫn e ngại tổ chức này vốn nằm dưới sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ. Hướng đi riêng? Năm 1951, chính quyền Mao đã buộc giáo dân và hàng giáo phẩm Trung Quốc cắt quan hệ với Vatican. Hồi 2007, Đức Giáo hoàng đã gửi thư cho tín đồ và giáo phẩm của mọi giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, công nhận tín ngưỡng của họ. Người Công giáo tại Trung Quốc chia làm hai phái, một theo Bắc Kinh, một theo Vatican Nhưng về mặt tổ chức, việc tự ý phong các giám mục của Trung Quốc bị phê phán là "bất hợp pháp", theo lời Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen) của Hong Kong hiện đã nghỉ hưu. Truyền thông ở bên ngoài Trung Quốc trích lời Hồng y Trần nói về sự "vi phạm nặng nề" mà Trung Quốc gây ra. Điều khiến những giới Công giáo không chỉ ở Trung Quốc bất bình còn là chỗ công an bắt buộc một số giám mục và tu sĩ thần phục Vatican phải tới dự lễ ở Thừa Đức hôm 20/11. Nhưng sau vụ Thừa Đức, Trung Quốc vẫn cho mở đại hội của Giáo hội thần phục Đảng Cộng sản và bầu chọn ra các nhân vật không theo Vatican đặt câu hỏi liệu đây có phải là hướng đi nhằm tách hẳn Công giáo ở Trung Quốc khỏi Tòa Thánh. Về đối ngoại, các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng bằng vụ tẩy chay kịch liệt lễ tặng Nobel Hòa Bình cho tù nhân Lưu Hiểu Ba, Trung Quốc càng tỏ ra muốn đề cao các giá trị khác với Phương Tây và còn ép một số nước khác theo mình. Báo Anh, tờ Bấm The Economist số 9/12/2010 có bài trích lời giới quan sát cho rằng quan hệ với Vatican luôn là điểm giằng co giữa hai phái 'diều hâu' và 'bồ câu' tại Bắc Kinh. Hiện nay, phái 'diều hâu' không hề thấy có lợi lộc gì trong việc tiến tới lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh và để một vị khâm sứ (nuncio) của Giáo hoàng đến đóng ṭai Bắc Kinh. Tiến trình xử lý các vấn đề trong quan hệ Bắc Kinh với Vatican được cho là có ảnh hưởng tới Việt Nam, nơi hơn 8 triệu người Công giáo có Giáo hội của mình. Giáo hội ở Việt Nam thần phục Vatican nhưng Tòa Thánh vẫn chưa có quan hệ ngoại giao với Hà Nội, dù hai bên đã liên tục có các chuyến thăm cao cấp từ hơn 10 năm qua. Sau vụ Việt Nam trở thành quốc gia Đông Á duy nhất không cử người tới dự lễ Nobel ở Oslo như Trung Quốc muốn, câu hỏi đặt ra là liệu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Vatican của Hà Nội cũng sẽ theo chân Trung Quốc hay là không.
|