Home Tin Tức Thời Sự Tăng vọt số người học tiếng Ả Rập, tiếng Hàn, tiếng Hoa

Tăng vọt số người học tiếng Ả Rập, tiếng Hàn, tiếng Hoa PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo LA Times)   
Thứ Hai, 13 Tháng 12 Năm 2010 16:28

Dù vậy, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp vẫn đứng hàng đầu

Dữ kiện liên quan đến các lớp ngoại ngữ ở đại học Mỹ thu thập được thời gian gần đây cho thấy tiếng Ả Rập, tiếng Hàn và tiếng Hoa  được coi là có mức phát triển mạnh nhất. Sự gia tăng này về số sinh viên theo học cho thấy có liên hệ với các biến chuyển trên thế giới, theo giới hữu trách. Tuy nhiên, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp vẫn tiếp tục giữ vị trí hàng đầu, được coi là thông dụng nhất.

 
Bạn muốn bằng chị bằng em? Hãy học bảng hướng dẫn chữ cái Ả Rập này. (Hình: transaralingo.com)

Cuộc thăm dò tại hơn 2,500 đại học trên nước Mỹ do hiệp hội sinh ngữ Modern Language Association (MLA) thực hiện cho thấy con số sinh viên ghi danh học các lớp tiếng Ả Rập tăng 46% từ năm 2006 đến 2009. Có thêm nhiều sinh viên đại học Mỹ học tiếng Ả Rập hơn là tiếng Nga, một thay đổi mà giới hữu trách cho rằng phản ánh sự quan tâm từ các vấn đề của thời Chiến Tranh Lạnh sang những vấn đề hiện nay liên quan đến vùng Trung Ðông và khủng bố.

Các trường đại học bắt đầu nhận thấy sự gia tăng lớn lao trong số sinh viên Mỹ ghi danh học tiếng Ả Rập ngay lập tức sau ngày xảy ra cuộc tấn công của khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, và con số ghi danh tăng gấp ba lần kể từ đó đến nay, theo lời bà Rosemary G. Feal, giám đốc điều hành MLA.

“Ðây là sự đáp ứng đối với những gì đang xảy ra trên thế giới,” bà Feal nhận định, nói rằng điều này cũng đúng với sự gia tăng gần đây trong số sinh viên ghi danh học tiếng Hoa, tiếng Hàn và các ngôn ngữ khác như Hindi và Punjabi.

Năm ngoái, có 865,000 sinh viên đại học Mỹ ghi danh học các lớp tiếng Tây Ban Nha (Spanish), đứng hàng thứ nhất, nhiều gấp bốn lần số sinh viên học tiếng Pháp, đứng hàng thứ nhì, và gấp bốn lần số sinh viên học tiếng Ðức, đứng hàng thứ ba. Ngôn ngữ ra dấu Hoa Kỳ (American Sign Language - ASL) cũng ngày càng có nhiều sinh viên ghi danh để đáp ứng điều kiện về ngôn ngữ trong chương trình học.

 Các ngôn ngữ có nhiều người học sau đó là Ý, Nhật, Hoa, Ả Rập, Nga, tiếng Hy Lạp Cổ, tiếng Hebrew Cổ, tiếng Bồ Ðào Nha, tiếng Hàn và tiếng Hebrew Cận Ðại.

Mức độ tăng trưởng của số sinh viên học tiếng Hàn và tiếng Hoa cũng rất cao, chỉ thua có tiếng Ả Rập, với khoảng 61,000 sinh viên Mỹ học tiếng Hoa, tăng 18% kể từ năm 2006, và 8,511 người học tiếng Hàn, tăng 19%, theo các dữ kiện thu thập được.

Con số sinh viên ghi danh học các lớp ngoại ngữ tại đại học ở Mỹ nói chung tăng khoảng 6.6% trong ba năm qua, theo cùng với sự gia tăng trong sĩ số sinh viên ghi danh ở mọi cấp đại học. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ dấu lo ngại liên quan đến việc cắt giảm số lớp ngôn ngữ vì lý do ngân sách và thị trường việc làm khó khăn cho các giáo sư ngôn ngữ.

Một điều đáng lo ngại khác là việc sút giảm 6.7% trong số các sinh viên trên bậc cử nhân theo học ngành ngôn ngữ từ năm 2006 đến nay, một điều có thể dẫn đến sự thiếu hụt số giáo sư ngôn ngữ trong thời gian tới. Bà Feal cho rằng điều này có thể vì các trường nay có khuynh hướng mướn giảng viên bán thời gian thay vì mướn các giáo sư thực thụ.

Trên toàn quốc, các lớp dạy tiếng Ðức và tiếng Ý ở trong số các chương trình ngoại ngữ bị cắt giảm nhiều nhất, theo MLA. Trường đại học University of Southern California (USC) hai năm trước đây loan báo sẽ từ từ dẹp bỏ ngành học tiếng Ðức, dù rằng vẫn tiếp tục có các lớp dậy tiếng này.

Cũng trong những năm gần đây, nhiều đại học giảm thiểu đòi hỏi ngoại ngữ trong chương trình học của các sinh viên vì thiếu thốn ngân sách. Nếu so sánh theo tỉ số sinh viên, con số sinh viên theo học ngoại ngữ ngày nay chỉ bằng một nửa của thời kỳ giữa thập niên 1960.

Dưới đây là danh sách 14 sinh ngữ được nhiều sinh viên đại học ở Mỹ theo học nhất theo dữ kiện khóa Mùa Thu năm 2009 cùng số phần trăm thay đổi.

1. Tây Ban Nha 864,986 + 5.1%

2. Pháp 216,419 + 4.8%

3. Ðức 96,349 + 2.2%

4. American Sign Language (cho người câm, điếc) 91,763 + 16.4%

5. Ý 80,752 + 3.0%

6. Nhật 73,434 + 10.3%

7. Hoa 60,976 + 18.2%

8. Ả Rập 35,083 + 46.3%

9. La tinh 32,606 + 1.3%

10. Nga 26,883 + 8.2%

11. Cổ ngữ Hy Lạp 20,695 - 9.4%1

12. Cổ ngữ Hebrew 13,807 - 2.4%

13. Bồ Ðào Nha 11,371 + 10.8%

14. Hàn 8,511 + 19.1%

15. Hebrew Hiện Ðại 8,245 - 14.2%

Dữ kiện của MLA cũng cho thấy trong các đại học hai năm, tiếng Việt ở trong danh sách 14 sinh ngữ có nhiều sinh viên ghi danh học nhưng lại rơi ra ngoài danh sách này ở các đại học bốn năm-một điều theo MLA có thể là do nhu cầu đặc biệt của các đại học cộng đồng nhằm phục vụ các sắc dân địa phương.