WikiLeaks: Singapore cho rằng nhiều lãnh đạo châu Á “bất tài”, “tham nhũng” |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Chúa Nhật, 12 Tháng 12 Năm 2010 17:02 |
Dù sáng lập viên Julian Assange đang ngồi tù, WikiLeaks vẫn tiếp tục công bố các bức điện mật họ nắm trong tay. Theo các tài liệu gửi cho nhóm truyền thông Úc Fairfax, được tiết lộ hôm nay, 12/12/2010, các nhà ngoại giao Mỹ đã ghi lại nhiều ý kiến không hay của một số quan chức ngoại giao Singapore về nhiều gương mặt tên tuổi tại Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Liên quan đến Malaysia, láng giềng gắn bó nhất với Singapore về phương diện lịch sử, một bức điện vào tháng 9 năm 2008 đã tường trình lại trao đổi giữa thư ký thường trực bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Bilahari Kausikan, với thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á David Sedney. Ông Bilahari Kausikan, thư ký thường trực bộ Ngoại giao Singapore có những nhận xét không hay về một số lãnh đạo châu Á Nhận xét về chính quyền Kuala Lumpur, ông Bilahari nói : " Vấn đề thực sự đối với Malaysia là sự thiếu vắng lãnh đạo có năng lực". Vì vậy, theo nhà ngoại giao Singapore, "tình hình ở Malaysia không rõ ràng và nguy hiểm", nhất là khi Malaysia có nguy cơ bị “xung đột sắc tộc", dẫn đến tình trạng người gốc Hoa chạy khỏi Malaysia và "ồ ạt tràn qua" láng giềng Singapore. Một viên chức khác của Singpore, ông Peter Ho, thì được cho là đã mô tả đương kim thủ tướng Malaysia Najib Razak như là một con người "cơ hội chủ nghĩa", một người "sẽ không ngần ngại" chỉ trích Singapore nếu điều đó có lợi cho ông. Theo ông Peter Ho, việc tên tuổi ông Najib Razak bị nêu lên trong vụ sát hại một cô người mẫu Mông Cổ vào năm 2006, sẽ tiếp tục ám ảnh sự nghiệp chính trị của thủ tướng Malaysia. Cho đến nay, ông Najib Razak luôn luôn bác bỏ liên can của ông với vụ sát nhân đó. Giới lãnh đạo tại Singapore, trích dẫn thông tin tình báo Úc và Singapore, cũng tin chắc rằng lãnh tụ đối lập Malaysia, ông Anwar Ibrahim, đã thực sự có quan hệ tình dục với một cựu nhân viên tư vấn. Nhân vật này đang có nguy cơ bị án đến 20 năm tù về tội có quan hệ tình dục với đàn ông. Cho đến nay, ông Anwar Ibrahim, 63 tuổi, đã hoài công khiếu nại để đòi hủy bỏ phiên tòa xử ông về vụ này, một hành động bị ông cho là xuất phát từ động cơ chính trị. Láng giềng Thái Lan cũng bị giới ngoại giao Singapore phê phán. Ông Bilahari đã chỉ trích chính quyền Bangkok vào năm 2008, đánh giá ông Thaksin Shinawatra, thủ tướng Thái Lan thời đó là một người "tham nhũng", cũng như "mọi người khác, kể cả phe đối lập." Về thái tử Thái Lan, nhà ngoại giao Singapore cho rằng nhân vật này có "tính khí rất thất thường, dễ bị người khác ảnh hưởng". Liên quan đến hai nước Ấn Độ và Nhật Bản, một bức ghi nhớ viết năm 2009 tường trình lại các phát biểu của ông Tommy Koh, đại sứ lưu động của Singapore, một nhà ngoại giao nổi tiếng là khéo léo và bặt thiệp trước công chúng. Thế nhưng, trong một cuộc tiếp xúc riêng với các quan chức Mỹ, nhân vật này đã có những nhận xét thẳng thừng về Nhật Bản và Ấn Độ. Theo bức điện của Mỹ, ông Tommy Koh đã cho rằng Nhật Bản là một "thằng béo bị thua thiệt" trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc cải thiện quan hệ. Theo ông Tommy Koh, sở dĩ tư thế của Tokyo bị sút giảm trong khu vực, đó là vì sự "xuẩn ngốc, lãnh đạo kém và thiếu tầm nhìn". Về Ấn Độ, theo tài liệu của Mỹ, ông Koh cũng đánh giá một cách không thương tiếc, cho rằng những "người bạn Ấn Độ ngu ngốc của ông" vẫn "chân trong, chân ngoài" trong quan hệ với ASEAN. Theo hãng AFP, chính quyền Singapore hiện chưa có phản ứng chinh thức về các tiết lộ của WikiLeaks, nhưng nhật báo thân chính phủ The Straits Times đã cho đăng các nhận xét dễ gây tranh cãi này trên website của mình. |