Home Tin Tức Thời Sự Thân thế sự nghiệp Julian Assange

Thân thế sự nghiệp Julian Assange PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Sáu, 10 Tháng 12 Năm 2010 22:32

Đối với những người hâm mộ thì Julian Assange là một nhà hoạt động dũng cảm vì sự thật.

Với những người chỉ trích thì ông là kẻ háo danh và làm hại tới sinh mạng của số đông khi công bố các thông tin nhạy cảm để ai cũng có thể đọc được.

Ông Assange được các cộng sự mô tả là rất thông minh, có động lực và khả năng đặc biệt trong việc phá mã điện toán.

Ông di chuyển thường xuyên và điều hành mạng WikiLeaks từ các điểm tạm thời không cố định.

Ông có thể làm việc một thời gian rất dài không ăn uống và tập trung vào công việc mà chỉ ngủ rất ít, theo bà Raffi Khatchadourian, một phóng viên của tạp chí The New Yorker, người đã từng đi theo ông Assange vài tuần liền.

"Ông tạo ra không khí quanh ông nơi những người làm việc gần gũi với ông muốn chăm sóc và giúp ông tiếp tục làm việc,"

"Tôi có thể nói rằng có lẽ nó là một cái gì đó xuất phát từ sức hấp dẫn của ông," bà Khatchadourian nói.

Julian Assange thường miễn cưỡng nói về xuất xứ của mình, nhưng những quan tâm của giới truyền thông kể từ sự xuất hiện của Wikileaks đã đem lại đôi chút ánh sáng về môi trường có ảnh hưởng tới ông.

Ông sinh năm 1971 tại Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia, và có thời thơ ấu phiêu du vì cha mẹ điều hành một gánh hát rong.

Ông có con năm 18 tuổi và cuộc chiến giành quyền nuôi con bắt đầu chẳng bao lâu sau đó.

Sự phát triển của internet đã đem lại cho ông cơ hội sử dụng năng lực của ông về toán từ khi còn rất nhỏ, mặc dù chính điều này lại đem lại cho ông những khó khăn.

Năm 1995 ông bị cáo buộc cùng với một người bạn có một loạt các hoạt động xâm nhập máy tính trái phép.

Ông Assange là một trong số ít người thực sự quan tâm tới những cải tổ tích cực trong thế giới này tới mức sẵn sàng làm một điều rất cực đoan, tới mức có nguy cơ có thể mắc sai lầm, chỉ để làm cho những gì mà họ tin tưởng.

Daniel Schmitt, đồng sáng lập Wikileaks

Mặc dù nhóm tin tặc (hacker) này có kỹ năng cao trong việc lần tìm ngược lại để biết các thám tử chuyên truy lùng họ, ông Assange cuối cùng cũng đã bị bắt và phải nhận tội.

Ông bị phạt vài ngàn đô la Úc, và chỉ thoát án tù với điều kiện ông không tái phạm.

Sau đó suốt ba năm ông làm việc với một học giả, bà Suelette Dreyfus, một nhà nghiên cứu về tính lật đổ và sự trỗi dậy của internet.

Ông đã cùng viết một cuốn sách với bà này, cuốn Underground, và nó trở thành một cuốn sách bán chạy nhất về lĩnh vực máy tính.

Bà Dreyfus miêu tả ông Assange là một "nhà nghiên cứu rất có kỹ năng", người "rất quan tâm tới khái niệm về đạo đức, khái niệm về công lý, những gì chính phủ nên và không nên làm".

Tiếp sau đó ông theo học một khóa về vật lý và toán học tại Đại học tổng hợp Melbourne, nơi ông trở thành một thành viên quan trọng của một hội toán học, nghĩ ra một bài toán rất phức tạp mà những người đương thời nói ông tỏa sáng trong lĩnh vực này.

'Mã hóa mọi thứ'

Ông bắt đầu lập WikiLeaks năm 2006 với một nhóm những người cùng chí hướng tập hợp từ khắp nơi trên thế giới qua mạng, tạo ra một "hộp thư chết" trên mạng cho những người chuyên rò rỉ thông tin.

"Để giữ an toàn cho nguồn của mình, chúng tôi phải dàn trải và mã hóa mọi thứ, di chuyển các liên lạc viễn thông và di chuyển cả người trên khắp thế giới để kích hoạt các luật bảo vệ thể theo các hệ thống pháp lý quốc gia khác nhau" ông Assange nói với đài BBC hồi đầu năm nay.

"Chúng tôi trở nên giỏi trong việc này và chưa bao giờ thua hay bị mất một nguồn nào, nhưng chúng tôi không thể mong đợi mọi người cũng phải qua những cố gắng đặc biệt như chúng tôi đã làm như vậy."

Daniel Schmitt, một người đồng sáng lập trang web, miêu tả ông Assange là "một trong số ít người thực sự quan tâm tới những cải tổ tích cực trong thế giới này tới mức sẵn sàng làm một điều rất cực đoan, tới mức có nguy cơ có thể mắc sai lầm, chỉ vì để làm cho những gì họ tin tưởng".
 

       Lệnh truy nã ông Assange đến từ Interpol theo yêu cầu của Thuỵ Điển

WikiLeaks đã công bố những tài liệu từ nhiều nước khác nhau, nhưng thực sự trở thành tin chính vào tháng Tư, khi trang web nay tiết lộ video lấy từ máy bay trực thăng của My tại Iraq năm 2007. Những hình ảnh đó do các hãng truyền thông trên khắp thế giới phát lại đã gây ra tình trạng sửng sốt trên khắp thế giới.

Ông Assange đã xuất hiện trước báo giới để quảng bá và biện hộ cho video này, cũng như hàng loạt thông tin mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến tại Afghanistan and Iraq được Wikileaks tung ra vào tháng Bảy và tháng Mười.

Nhưng các phóng viên cho biết ông vẫn là một người khó nắm bắt, và công việc vận hành trang web của ông vẫn trong vòng bí mật.

Một trong những diễn biến khác trong sự nghiệp gây nhiều tranh cãi này đó là ông bị trái lùng bắt quốc tế vì các cáo giác tội hãm hiếp và quấy nhiễu tình dục.

Những cáo giác này được đưa ra sau chuyến ông tới Thụy Điển hồi tháng Tám và liên quan tới Bấm vụ quan hệ tình dục riêng rẽ với hai phụ nữ mà luật sư của ông nói là hoàn toàn đồng thuận.

Ông Assange cho biết những cáo giác này là một phần trong chiến dịch bôi nhọ ông và trang web lo thổi còi báo động của ông.

Một cuộc điều tra sơ khởi vào tháng Tám đã được hủy bỏ sau chỉ có một ngày nhưng tới tháng Chín, Trưởng Công tố Thụy Điển đã mở lại vụ này.

Hôm 24/11, tòa án cấp dưới tại Thụy Điển đã bác bỏ khiếu nại của ông về một lệnh bắt giam.

Vụ này hiện đang được Tòa án Tối cao nước này xem xét.

Sau khi WikiLeaks công bố hàng hàng bức điện ngoại giao bí mật của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador - một người phản đối mạnh mẽ các chính sách của Mỹ - nó họ sẽ đề nghị cho ông Assange định cư "vô điều kiện".

Tuy nhiên, Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, sau đó nói đề nghị "chưa được Ngoại trưởng Ricardo Patino - hay Tổng thống - phê chuẩn".

Tin mới nhất hôm 7/12/2010 nói ông Assange đã tự nộp mình cho cảnh sát ở London, bị bắt và đưa ra tòa trong ngày.

Thời gian tới chắc hẳn dư luận không chỉ ở Anh và Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi câu chuyện về ông và mạng WikiLeaks.
 

                                 Chính giới Mỹ điên đầu vì các vụ rò rỉ tin từ điện tín ngoại giao

Bật mí Toàn thư và tâm sự của phóng viên ghế bành
 
Nói như một đồng nghiệp trong BBC Việt ngữ thì chúng tôi là những 'phóng viên ghế bành', cả năm mới có đôi ba dịp đi duty trip làm phóng sự từ chỗ này chỗ khác.

Những nơi vô cùng nguy hiểm như Irag, Afghanistan thì chỉ có các phóng viên kỳ cựu của BBC News được cử đi, còn chốn độc đáo như sa mạc Sahara, Nam Cực, Trung Á hay thánh địa Jerusalem vì không liên quan đến vùng mình đưa tin nên đi công tác là chuyện hơi khó, nếu thích thì cứ tự mua vé làm du khách thôi.

Anh Quốc khó khăn kinh tế, châu Âu khủng hoảng đồng euro là những điều tác động đến tâm trí của chúng tôi hàng ngày nhưng việc chính vẫn là đưa tin Việt Nam và Trung Quốc, Bắc Hàn hay Campuchia, Miến Điện bởi đó là tiêu chí hàng đầu của Ban Tiếng Việt.

Người ủng hộ ông Julian Assange ngoài tòa án London tự bịt miệng để phản đối vụ bắt ông.

Và tin tức thì cứ hết ngày này sang tháng khác, toàn chuyện xảy ra ở chốn xa vời, khiến phóng viên ghế bành thấy cái giá trị công việc của mình sao mà khó định đoạt, tác động cũng khó đo lường.

Cho đến khi vụ Wikileaks nổ ra thì tôi mới thấy sức mạnh của ngôn từ, của văn bản, điện tín, của những chuyện do những nhà báo hoàn toàn làm việc từ văn phòng tung ra sau khi ký kết với mạng của nhân vật quái chiêu chưa từng có, ông Julian Assange.

Hiện nay các bình luận từ Anh, Mỹ sang Ý, Pháp, Trung Đông, châu Phi, châu Á đều chưa đồng ý được là tác động của Wikileaks với chính giới toàn cầu ra sao.

Bên bảo cũng chỉ ồn ào, làm xấu mặt người này người kia rồi qua đi, bên nói vụ Wikileaks đang thay đổi các ngành tình báo, ngoại giao và cách làm báo.

Những người chỉ trích nói WikiLeaks nay không chỉ gây chuyện xấu hổ cho một số chính khác, mà đang dần trở nên nguy hiểm, vô trách nhiệm.

Lộ ra trần trụi?

Ở văn phòng, chúng tôi cũng bàn xem, đầu tiên gọi WikiLeaks là gì trong tiếng Việt.

Nói là chuyện 'rò rỉ tin mật' hay 'điện tín' (leaked cables) cũng không sai.

Mà gọi là 'tin tình báo bị tiết lộ' cũng đúng.

Nhưng tôi nghĩ gọi thế chỉ mô tả được hiện tượng chứ không phải bản chất và tham vọng của ông Julian Assange và những người cùng ông ta tung ra các bản tin đang làm đảo lộn chuyện thời sự quốc tế.

Gọi là Wiki, tôi nghĩ họ có ý coi đó như một bách khoa toàn thư về nội dung, và một kênh thông tin về mặt kỹ thuật, nối phần bí mật của chính giới quốc tế với phần công khai, kể cả khi sự công khai đó là cách hô to: Hoàng đế cởi truồng!

Bộ Bật mí Toàn thư này, theo tôi, đã và đang có tác động vừa mạnh mẽ, vừa lâu dài làm thay đổi hoàn toàn nghề báo quốc tế.

Về tác động gây choáng, gây chấn động tức thời, nó đã là một cơn sóng thần tsunami về tin tức.

Về lâu dài, nó lại cứ nhả ra dần, rò rỉ dần và ngấm dần vào mọi lĩnh vực, và sẽ còn lan rộng từ chính trị sang các ngành khác.

Chứng khoáng ở Mỹ đã sụt một chút hôm vừa rồi sau khi WikiLeaks nói sẽ công bố cả các tin mật bị lộ về giới doanh nghiệp ở Wall Street.

Giới viết sử, các lãnh đạo đang hoặc sắp soạn hồi ký chắc chắn không thể không đọc và 'tư vấn' với hàng trăm nghìn tài liệu WikiLeaks tung ra.

Nghề nghiên cứu truyền thông (media studies) sẽ sản sinh ra các thạc sĩ, tiến sĩ chuyên về Wikileaks.

Nhưng chỉ nói riêng về nghề báo thì như tôi vừa nêu, vụ Wikileaks cho thấy không cần phải sang Afghanistan, Iraq hay xâm nhập vào Zimbabwe, Miến Điện và Bắc Hàn mới có được bài viết đáng giá.

Vì nếu nghề báo thực sự là nghề đưa tin, tìm ra các câu chuyện dư luận quần chúng muốn biết, và ai đó muốn che dấu đi, thì cái mỏ Wikileaks này quả là sân chơi dư sức cho nhiều BBC, CNN, New York Times, The Guardian, Le Monde, Der Spiegel v.v.

Hóa ra làm phóng viên ghế bành không nhất thiết là một công việc buồn tẻ, miễn là làm đúng thiên chức tìm tin, moi tin và công bố một cách có trách nhiệm.

Ở đây có sự khác biệt giữa việc đăng bài thô dạng tư liệu của WikiLeaks mang nhiều tính giang hồ và việc biên tập lại của các báo lớn.

Nhưng chính sự quái dị, bất chợt, phi truyền thống của Wikileaks đang là thách thức cho các cơ quan truyền thông có tên tuổi và các nhà báo gạo cội.

Vừa ẩn hiện khôn lường, các cú tiết lộ không phải là dạng trang tin xã hội, tin mạng tùy hứng, xả stress, chống phá lung tung mà có chiến lược 'ra quân' rất thâm sâu.

Thời điểm họ tung ra các nội dung cũng không phải là tình cờ.

WikiLeaks không phải là dạng trang 'bất đồng chính kiến' vì đã và sẽ còn hợp tác với nhưng tờ báo đầy uy tín ở Âu Mỹ nên các tiết lộ đến được công chúng qua cả mạng, báo in và các diễn đàn chính thống.

Vì thế, sau WikiLeaks, mọi chuyện sẽ trở nên khác hẳn.

Hiện ông Assange đã bị bắt theo cáo buộc liên quan đến tình dục, khiến một số blogger ở đùa rằng Thuỵ Điển 'mượn điều 88 của Việt Nam'.

Chưa rõ việc xử ông ra sao nhưng nhân vật 39 tuổi này đã đi vào văn hóa dân gian châu Âu: hình bằng sứ của ông được bày bán mùa Giáng Sinh này ở Ý, bên cạnh hình Tổng thống Obama và các nhân vật lãnh đạo quốc tế.

Kể cả khi không còn Julian Assange chỉ đạo, một mạng lưới những người cộng tác hay sẵn sàng ủng hộ WikiLeaks vẫn còn đó, mà con số này có thể lên tới hàng trăm nghìn.

Chưa kể, nếu mạng này bị đóng - một điều khó xảy ra về mặt kỹ thuật - thì không có gì đảm bảo là sẽ không có các mạng khác, học theo cách lấy tin có hệ thống và tuồn ra ngoài.

Việc bảo mật sẽ được tăng cường như kể từ khi có điện tín và nhất là Internet, đảm bảo thông tin liên lạc không bị 'bật mí' hoàn toàn trở nên không tưởng.

Ta thử hình dùng sau WikiLeaks mà hiện chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ dần dần sẽ có riêng các mạng UKLeaks, VinaLeaks, ChinaLeaks, IslamLeaks thì mọi chuyện sẽ ra sao?