Hợp tác kinh tế Mỹ-Hàn gây lo ngại cho Nhật Bản |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Sáu, 10 Tháng 12 Năm 2010 11:23 |
Ngày 8/12 vừa rồi, Mỹ và Hàn Quốc ký thỏa thuận tự do mậu dịch. Thỏa thuận này tạo thêm một thử thách mới cho kinh tế Nhật Bản vốn đang trong thời kỳ un ám. Le Monde phân tích sự kiện này với nhận định : « Thỏa thuận tự do mậu dịch Washington-Seoul gây quan ngại cho Nhật Bản ». Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc Kim Jong-hoon vui mừng giới thiệu thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn Quốc hôm 5/12/2010 Thỏa thuận bao gồm nhiều lĩnh vực, từ ngành ô tô, thị trường tài chính, rồi đến ngành điện tử. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lấy làm vui mừng vì thỏa thuận sẽ giúp cho kinh tế Hàn Quốc phát triển hơn nữa. Về phần mình, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hoan hỉ cho biết, thảo thuận rất có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ và giúp cho nước này tạo thêm 70 000 việc làm. Kinh tế Nhật Bản phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Gần đây, đồng yên tăng giá kỷ lục từ 15 năm nay. Việc đó đã gây nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu. Vì thế, đối với Tokyo, thỏa thuận trên đe dọa khả năng cạnh tranh của Nhật. Tác giả cũng nhắc lại việc Tokyo đã ký thỏa thuận với 13 đối tác, trong đó có khối Asean và Mêhico. Việc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu sẽ khởi động vào đầu mùa xuân, trong khi đó thỏa thuận Seoul-New Delhi đã có hiệu lực từ năm 2010, và thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2011. Ngành chịu thiệt hại nặng nhất là ngành ô tô. Theo thỏa thuận, Mỹ-Hàn sẽ giảm dần để tiến đến xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô Hoa Kỳ. Về phía Mỹ, nước này cam kết sau 5 năm tính từ ngày thỏa thuận có hiệu lực, sẽ hủy thuế nhập khẩu đối với xe Hàn Quốc. Việc xóa bỏ thuế này sẽ giúp cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu xe cho Hoa Kỳ. Trước đó, nhờ vào mệnh giá đồng won thấp, nên lĩnh vực này của Hàn Quốc đã có nhiều lợi thế hơn đối thủ Nhật. Chủ tịch Hiệp hội sản xuất ô tô Nhật cho rằng, chính phủ nên nhanh chóng tiến hành đàm phán về tự do thương mại. Nếu không, ngành ô tô nước này sẽ bị thua thiệt rất nhiều so với đối thủ Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, ở hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), thủ tướng Nhật Naoto Kan đã xin gia nhập vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, với chủ ý muốn nhanh chóng đứng vào hàng ngũ tổ chức này để được sự ủng hộ của 9 nước, trong đó có Hoa Kỳ. Thế nhưng, hiệp định này dự kiến xóa bỏ tất cả các loại thuế quan, một điều rất có hại cho Nhật, nhất là cho ngành nông nghiệp vốn luôn được bảo hộ. Để vượt khó khăn và xoa dịu sự bất mãn của giới nông nghiệp, chính phủ đã thành lập một Ủy ban chuyên trách tìm giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Tuy vậy, Le Monde cảnh báo, việc đó cần có nhiều thời gian trong khi tình hình lại đang cấp bách. Vì thế, Nhật Bản có nguy cơ nhìn các nhà công nghiệp của mình «chạy» đi nơi khác. Như hãng Nissan đã tăng công suất hoạt động ở Mêhico, bởi từ nước này, Nissan có thể xuất khẩu sản phẩm đến Mỹ, Canada và Braxin mà không phải trả tiền thuế quan. |