Home Tin Tức Thời Sự Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về tình hình bán đảo Triều Tiên

Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về tình hình bán đảo Triều Tiên PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Năm, 09 Tháng 12 Năm 2010 09:14

Thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA và Tân Hoa Xã hôm nay loan tin là ông Kim Jong Il đã tiếp ông Đới Bỉnh Quốc,

 Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng. Tân Hoa Xã thông báo là sau cuộc hội đàm, "hai bên đã đạt được sự đồng thuận về quan hệ song phương và về tình hình bán đảo Triều Tiên.


Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc (REUTERS / Yonhap)

Về phần KCNA, hãng tin này cho biết là hai bên đã đề cấp đến những "chủ đề cùng quan tâm và đã nỗ lực cải thiện quan hệ hữu nghị".

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ông Đới Bỉnh Quốc, nhân vật cao cấp nhất về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sau vụ miền Bắc pháo kích vào một đảo của miền Nam Triều Tiên ngày 23/11, khiến 4 người chết và bị cả thế giới lên án, ngoại trừ Trung Quốc.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cưỡng lại những áp lực của Hoa Kỳ và hai đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, đòi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Bắc Triều Tiên.

 Bắc Kinh đã đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn cấp giữa sáu bên có liên quan đến hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, để giải tỏa khủng hoảng, nhưng đề nghị đã bị Hoa Kỳ và hai đồng minh bác bỏ.

Trong khi đó, viếng thăm Seoul hôm nay, đô đốc Mike Mullen, lãnh đạo quân sự cấp bực cao nhất của Mỹ, đã kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Nhật Bản để buộc Bình Nhưỡng ngưng thái độ khiêu khích.

Đô đốc Mullen cũng trách Trung Quốc là không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, do là nước duy nhất có ảnh hưởng thật sư trên Bắc Triều Tiên.

Từ sau vụ oanh kích của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đã tham gia tập trận với Hàn Quốc, rồi với Nhật Bản kể từ ngày 23/11. Theo một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Đại học Bắc Kinh, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, "việc Trung Quốc bị coi là bao che cho Bắc Triều Tiên có thể thúc đẩy sự hình thành một trục Washington – Seoul – Tokyo không chỉ nhắm vào Bình Nhưỡng, mà còn ngầm chống Bắc Kinh".