Home Tin Tức Thời Sự Vụ Vinashin: Con nợ dọa chủ nợ ‘không cho hoãn, sẽ giật’

Vụ Vinashin: Con nợ dọa chủ nợ ‘không cho hoãn, sẽ giật’ PDF Print E-mail
Tác Giả: T. N.   
Thứ Năm, 09 Tháng 12 Năm 2010 06:15

HÀ NỘI (TH) - Tập đoàn đóng tàu quốc doanh của Việt Nam, “quả đấm thép” Vinashin, bắn tiếng đe dọa nếu không cho hoãn nợ, chủ nợ sẽ chẳng có một xu nhỏ.

 




Logo của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin. (Hình: AFP/Getty Images)

Theo một nguồn tin thân cận với ngân hàng đầu tư Credit Suisse, cơ quan môi giới đã tập hợp trên dưới 20 ngân hàng quốc tế cho Vinashin vay $600 triệu, nhiều phần sẽ không cho Việt Nam hoãn trả nợ số tiền $60 triệu phải trả ở kỳ đầu tiên.

Nếu nguồn tin này là đúng, theo bản tin của Thông tấn xã Ðức DPA, sự từ chối cho hoãn nợ sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa Vinashin và các chủ nợ ngoại quốc. Một trong những hệ quả nghiêm trọng của vụ việc này là gây tai hại cho uy tín của Việt Nam khi muốn vay nợ ngoại quốc.

Năm 2007, ngân hàng đầu tư Credit Suisse dàn xếp để Vinashin phát hành trái phiếu $600 triệu. Ngày 29 tháng 11, 2010, Vinashin viết thơ xin khất nợ số tiền phải trả kỳ đầu tiên vào ngày 20 tháng 12, 2010 tới đây vì gần sập tiệm. Sau đó, định kỳ mỗi 6 tháng, Vinashin sẽ phải trả nợ số tiền $60 triệu cho tới khi dứt.

Nếu đơn xin khất nợ bị từ chối, và Vinashin không trả nợ, coi như tập đoàn này đã lỗi hạn.

Theo tin của thông tấn DPA, một viên chức cao cấp của Vinashin yêu cầu giấu tên, bắn tiếng rằng các chủ nợ ngoại quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc cho hoãn nợ.

“Không có cái gì dùng làm vật thế chấp cho món nợ này.” Người đó nói: “Nói một cách thành thật, nếu họ muốn thương thuyết, họ sẽ lấy lại được một cái gì, nhưng nếu họ không muốn thương thuyết, họ sẽ chẳng được gì!”

Tập hợp các nhà đầu tư tức chủ nợ của món nợ nói trên họp để ra quyết định vào ngày Thứ Ba hay Thứ Tư vừa qua, nhưng chưa thấy có tin tức gì được loan báo.

Ngày Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010 khi tiếp xúc với báo chí bên ngoài cuộc họp cấp viện cho Việt Nam ở Hà Nội, Bộ Trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư Võ Hồng Phúc nói Vinashin sẽ phải tự lo tiền trả nợ cho nhà đầu tư chứ nhà nước không trả nợ thay. Ông này lập lại lập luận đã được các viên chức nhà nước và cả ban quản trị mới của tập đoàn Vinashin nói trong thời gian vừa qua về giải quyết nợ nần của đại gia này.

“Họ (Vinashin) sẽ phải tự trả lấy nợ của họ.” Ông Phúc nói với báo chí: “Chúng tôi sẽ tái cơ cấu các dự án của Vinashin và chúng tôi sẽ giúp Vinashin hoạt động có lời để họ có thể tự trả lấy nợ.”

Cũng trong ngày Thứ Tư, hãng tin tài chính Dow Jones đăng nguyên văn một bản thông cáo báo chí của Tổ Chức Lượng Giá Ðầu Tư Standand & Poor nói định chế này loại bỏ tên tập đoàn Vinashin ra khỏi bảng danh sách xếp hạng thang điểm đánh giá đầu tư của họ dành cho những yêu cầu tư vấn riêng tư. Lý do được nêu ra là “thiếu các thông tin liên quan đến vốn lưu động và các kế hoạch tái cấu trúc công ty.” Ðồng thời S & P cũng thấy không tin tưởng gì được với sự chính xác và toàn diện của bản kết toán tài chính của công ty này.

Tháng trước, nhà cầm quyền Hà Nội đã chẻ làm ba tập đoàn Vinashin gồm hơn 200 công ty lớn nhỏ nằm ở mọi loại hình kinh doanh, từ đóng tàu đến khai thác khách sạn nấu rượu, nuôi heo. Tập đoàn Vinashin sau khi được tái cơ cấu chỉ còn giữ lại phần cốt lõi là đóng tàu và sửa tàu.

Từ tổng công nợ hơn 84,000 tỉ đồng (khoảng $4.41 tỉ), trong đó nhiều số tiền nợ đáo hạn mà Vinashin không có khả năng trả, tương lai tập đoàn này chỉ chịu trách nhiệm đối với số nợ khoảng 53,000 tỉ đồng, theo một bản thông cáo phổ biến trên trang nhà chính phủ.

Khi ra điều trần ở Quốc Hội ngày 25 tháng 11, 2010 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, cam đoan: “Chính phủ quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin.” Nhưng ông Antony Stokes, đại sứ Anh tại Việt Nam, cho rằng: “Sẽ có nhiều vụ tương tự như Vinashin.”

Phạm Thanh Bình, chủ tịch HÐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn Vinashin và một số thuộc cấp đã bị tống giam chờ ra tòa với cáo buộc “lợi dụng quyền hạn chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng.” Nhưng Vinashin là một tập đoàn kinh tế quốc doanh nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của chính phủ mà người có quyết định cuối cùng là ông thủ tướng.

Một số bloggers bình luận thời sự ở Việt Nam tin rằng ông Dũng phải là người cũng bị truy tố với nhóm người như ông Phạm Thanh Bình vì cùng một tội trạng.