Home Tin Tức Thời Sự Wikileaks tiết lộ: quan hệ Pháp-Nga chỉ tốt đẹp ở ngoài mặt

Wikileaks tiết lộ: quan hệ Pháp-Nga chỉ tốt đẹp ở ngoài mặt PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 08 Tháng 12 Năm 2010 09:06

Theo biểu hiện bên ngoài, quan hệ Pháp-Nga đang rất tốt đẹp. Pháp tuyên bố Nga là một đối tác chiến lược.

Thủ tướng Pháp Fillon đã nói với đồng nhiệm Putin rằng Nga ngày nay là một chế độ dân chủ.
 Nhưng theo tiết lộ của Wikileaks, được báo Le Monde trích dẫn : Trong mắt Paris, Nga là một chế độ độc tài thô bạo.

 Tổng thống Pháp Sarkozy và đồng nhiệm Medvedev (Reuters)
Theo Le Monde, vào năm 2009, trong cuộc họp giữa quan chức ngoại giao Mỹ và Pháp, một quan chức ngoại giao của điện L’Élysee cho rằng, giới lãnh đạo Nga không có tầm nhìn xa, họ chỉ chăm chăm vào lợi ích trong sáu tháng, và chỉ lo cho lợi ích cá nhân của họ. Còn một cố vấn chiến lược của phủ tổng thống Pháp thì nhận định, chính sách của Nga chỉ nhắm đến những lợi ích ngắn hạn, và chỉ để phục vụ cho một vài cá nhân.

Washington và Paris cũng chỉ trích chế độ độc tài của Matxcova. Tháng giêng 2010, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố với người đồng nhiệm Pháp là ông Hervé Morin rằng, chế độ dân chủ ở Nga đã biến mất, và chính phủ hiện tại thực tế do các các cơ quan an ninh điều khiển. Trong khi đó, ông Morin không hề phản đối lập luận này.

Tài liệu cũng cho biết, năm 2008, một quan chức ngoại giao Pháp đánh giá : Nga là một chế độ độc tài khoác áo dân chủ, và trong thực chất không hề có bất kỳ cơ chế nào giúp người dân được tham gia quyết định công việc của đất nước.

 Nga lúc nào cũng muốn thay đổi trật tự Châu Âu hiện tại, vốn được hình thành thời hậu chiến tranh lạnh. Về vấn đề này, cố vấn ngoại giao tổng thống Pháp cho rằng, phải một thế hệ nữa thì nước này mới chịu chấp nhận thực tế bị mất ảnh hưởng đối với Ba Lan hay là Ukraina.

Về vấn đề an ninh thế giới, giới chức Pháp cho rằng, Nga luôn thực hiện chính sách 2 mặt. Nga cho rằng, để cho phương Tây sa lầy ở Afghanistan và duy trì tình hình hiện tại của Iran sẽ có lợi cho Nga hơn. Cụ thể là : Iran và phương Tây tiếp tục căng thẳng, thì Nga sẽ được tiếp tục đảm bảo quyền độc quyền về tuyến đường năng lượng nối vùng Trung Á và thị trường thế giới.

Khi chính quyền Omaba tiến hành tái khởi động quan hệ ngoại giao với Nga, một quan chức ngoại giao Pháp cảnh báo phía Hoa Kỳ hãy coi chừng Matxcova sẽ tranh thủ kiếm lợi ích một cách đơn phương. Liên quan đến lĩnh vực khí đốt năm 2009, Pháp cho rằng, chiến lược của Nga là muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong vấn đề cung cấp năng lượng cho Châu Âu do các quốc gia châu lục này đã không có nhiều nguồn cung cấp. Nga đã tạo ra cuộc khủng hoảng này để cố gắng tái lập kiểm soát trong vùng ảnh hưởng truyền thống.

Năm 2008, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã hoan nghênh đề nghị của Nga về việc triệu tập hội nghị quốc tế để thảo luận về vấn đề cấu trúc lại cơ chế an ninh châu Âu. Nhưng theo tài liệu do wikileaks tiết lộ thì sau đó ông Sarkozy cho rằng : những đề nghị này là không thể chấp nhận được, đó chỉ là lời khiêu khích, nước Pháp chấp nhận là trong ý đồ muốn buộc Nga vào trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Năm 2007, khi mới đắc cử, Nikolas Sarkozy muốn tỏ ra khác với người tiền nhiệm Jacques Chirac, nên ông này đã không ngại làm phật lòng Nga khi thẳng thừng phê phán tình trạng nhân quyền của Nga. Một quan chức ngoại giao Pháp khi đó còn nói với quan chức ngoại giao Hoa Kỳ rằng, Nga đã tiến đến một chính sách ngoại giao độc tài, bá quyền và hung bạo, phản ánh chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc. Thế mà đến sau cuộc chiến Gruzia, điện Élysée đã thay đổi quan điểm khi vun bồi quan hệ với Medvedev trong hy vọng ông này sẽ độc lập được với thủ tướng Putin.

Năm 2009, khi tiếp ngoại trưởng vừa nhậm chức của Hoa Kỳ, bà Hillary Clintion, bộ trưởng ngoại giao Pháp ông Bernard Kouchner phê phán rằng người Nga cứng nhắc, thô lỗ, và cho rằng bọ trưởng ngoại giao Nga ông Serguei Lavrov là một trong những người thô bạo và thâm hiểm.