Home Tin Tức Thời Sự Các tôn giáo vẫn phát triển mạnh tại Trung Quốc dù bị kìm hãm

Các tôn giáo vẫn phát triển mạnh tại Trung Quốc dù bị kìm hãm PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Ba, 07 Tháng 12 Năm 2010 08:27

Ngày nay tại Trung Quốc đã có một sự phục hưng thực sự của các tôn giáo

Nhật báo cánh hữu Le Figaro hôm nay trong bài viết mang tựa đề « Sự phục hưng của tín ngưỡng tại Trung Quốc » đã cho biết, chỉ trong vài năm qua, số tín đồ các tôn giáo đã tăng từ 100 triệu lên 300 triệu người. Nhưng tôn giáo vẫn bị chính quyền tìm cách hạn chế không cho phát triển.

 Một nhà sư giảng kinh Phật tại Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 13/10/2010.
Reuters

Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh đã mở đầu bài báo bằng cách giới thiệu hai trường hợp trở thành tín đồ của các tôn giáo. Một phụ nữ 29 tuổi, đang bị trầm cảm vì vừa nghỉ việc, do ông chủ đối xử thô bạo và đồng lương chết đói, trong khi cô có bằng đại học ; còn ở nhà thì bị cha mẹ thúc giục phải lấy chồng.

 Khi cô phục vụ quán cà phê nói chuyện với cô về các nhóm cầu nguyện, cô bèn tham gia và cảm thấy lần đầu tiên trong đời, cô tìm được những người thực sự quan tâm đến mình, đối xử bình đẳng với mình.

Trường hợp thứ hai, một nữ giám đốc 34 tuổi, lâu nay chưa biết gì về đạo Phật và vẫn cho là mê tín dị đoan. Nhưng sau khi đi thăm một ngôi đền và mua một cuốn sách đạo, cô cảm thấy tôn giáo đã giúp mình giải quyết tốt hơn các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với người khác, mang lại cho mình sự bình an.

Tác giả nhận xét, ngày nay tại Trung Quốc đã có một sự phục hưng thực sự của các tôn giáo. Mục sư Chan Kim Kwong ở Hồng Kông cho rằng, việc người ta quay trở lại với tín ngưỡng là điều tất nhiên, và nêu ra hai dấu mốc. Đợt đầu tiên là vào thập niên 80, chủ yếu tại các vùng nông thôn và duyên hải.

Đợt thứ hai trong thập niên 90, và lần này đã lan đến các thành phố lớn, ảnh hưởng đến lớp trẻ và giới trí thức. Đạo Phật và đạo Lão đã phát triển rất nhanh chóng, cũng như các tôn giáo truyền thống khác.

Nhìn chung, Lão giáo thu hút được nhiều người ở thôn quê, Phật giáo thì đi vào lớp trung lưu ở các thành phố cỡ trung bình, còn Cơ đốc giáo quyến rũ được tầng lớp khá giả. Theo số liệu chính thức thì con số người Trung Quốc là tín đồ của một tôn giáo nào đó vẫn giữ nguyên ở mức 100 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số.

Nhưng theo các công trình nghiên cứu mới đây, được báo chí nhà nước đưa lại, thì con số này lên đến 300 triệu người. Chưa kể theo một cuộc điều tra gần đây nhất, thì có đến 85% số người được hỏi đã cho biết có tin vào tôn giáo, hoặc ít nhất cũng tin rằng có một quyền lực siêu nhiên nào đó.

Vị mục sư trên nhận xét : « Ngày nay đảng tỏ ra thực dụng hơn là lý tưởng. Đúng là đảng có mang lại cho người dân cơ hội làm giàu và thăng tiến, nhưng không còn mang lại ý nghĩa, giá trị, và xã hội thì đã thay đổi nhiều rồi. Từ một hình mẫu bình đẳng kiểu cộng sản, đã trở thành một xã hội phức tạp, đa tầng, vô cùng bất bình đẳng, và không có giá trị xã hội rõ ràng giúp ích cho người ta trong cung cách ứng xử ». Theo ông, lòng tin đã giúp những con người đang mất phương hướng có thể bớt lo lắng cho tương lai. Chủ nghĩa quá thiên về vật chất không thể bù đắp nổi cho lỗ hổng về tinh thần.

Benoît Vermander, một tu sĩ Dòng Tên đồng thời là nhà nghiên cứu về Trung Quốc đang giảng dạy tại một trường đại học ở Thượng Hải đã nhận định, chính quyền phân biệt « văn minh vật chất » với « văn minh tinh thần ». Tuy luôn muốn độc quyền về « văn minh tinh thần », nhưng nhà cầm quyền biết rằng thế độc quyền này ngày nay đang bị phản ứng.

Le Figaro cho biết, hiện có năm tôn giáo được Bắc Kinh chính thức nhìn nhận, đó là Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành, mỗi tôn giáo được một tổ chức cấp quốc gia quản lý, đứng đầu là các viên chức cao cấp của đảng cộng sản.

Chỉ có chính quyền trung ương mới có quyền phán xét xem tôn giáo nào mới là chính thống, phong chức cho các chức sắc tôn giáo. Một tu sĩ nằm trong số không được chính quyền công nhận đã nhận xét : « Tại Trung Quốc người ta có thể chấp nhận được nhiều thứ, miễn là dưới sự kiểm soát của đảng ». Khi nào cảm thấy tầm cỡ đã đáng kể hay đã khá độc lập, thì gọng kìm sẽ siết chặt lại ngay.

Công giáo và Tin Lành : Hai thử thách khác nhau đối với Bắc Kinh

Tuy nhiên, cũng theo Le Figaro, trong vòng ba mươi năm qua đã có các tiến bộ về mặt tự do tín ngưỡng, vì chính quyền nhận thấy tôn giáo không hẳn đe dọa đảng cộng sản, thậm chí đôi khi còn có ích.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2007 đến nay không ngừng lặp lại rằng tín ngưỡng có thể giúp ích cho sự hòa hợp xã hội. Riêng Cơ Đốc giáo, do nguồn gốc phương Tây, giữ một vị trí riêng. Trong thập niên 80 và 90, theo đạo Cơ Đốc có vẻ « hiện đại », nhưng ngày nay, sự thu hút nằm ở tình tương thân tương ái trong cộng đồng này.

 Sự bùng nổ kinh tế đã làm cho xã hội bị phân hóa, nhưng đức tin Công giáo đã giúp làm dịu nhẹ sự bất bình đẳng, khái niệm tình thương và sự tha thứ giúp cho người ta rất nhiều.

Le Figaro cho biết, theo số liệu chính thức thì số tín đồ Công giáo ở Trung Quốc là 5,7 triệu, nhưng người ta cho rằng tối thiểu cũng phải 12 triệu ; còn số tín đồ Tin Lành là 16 triệu nhưng thực tế phải 35 đến 40 triệu, thậm chí có người cho rằng 70 đến 90 triệu.

 Cộng đồng Tin Lành phát triển nhanh nhất với mạng lưới tổ chức linh hoạt gồm nhiều nhóm từ 30 đến 40 người, rất phù hợp với xã hội Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, Công giáo và Tin Lành là hai thử thách rất khác nhau về mặt quản lý.

Các nhà truyền giáo Tin Lành di chuyển với Kinh Thánh và đô la, là một điều phiền nhiễu cho nhà cầm quyền.

Giáo hội La Mã với hệ thống tập quyền thì dễ kiểm soát hơn, nhưng lại mang đến mối đe dọa một sự can thiệp từ nước ngoài.

Sự kiện nóng bỏng gần đây nhất là việc phong chức cho một Giám mục ở Thừa Đức, không thông qua Đức Giáo hoàng, cho dù Vatican và Bắc Kinh đã có thỏa thuận về vấn đề này từ năm 2006. Và đại hội toàn quốc ngày mai nhằm phong các chức sắc mới của Hội đồng Giám mục, theo Le Figaro, sẽ không giúp cải thiện quan hệ đôi bên chút nào.