Home Tin Tức Thời Sự Áp dụng toán học để bắt các tay đặt bom

Áp dụng toán học để bắt các tay đặt bom PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Hai, 06 Tháng 12 Năm 2010 12:04

Đây là phương pháp mới cho chiến trường Afghanistan

WASHINGTON (NPR) - Các quả bom gài bên lề đường hiện là nguyên nhân hàng đầu gây thương vong cho quân đội Mỹ ở chiến trường Afghanistan và Iraq. Quân đội Hoa Kỳ nay tìm cách ứng dụng phân tích toán học và mối liên hệ xã hội để nhận diện các thành phần chủ chốt đặt bom và các đồng phạm.

 
Quân Y Hoa Kỳ cứu chữa một người Afghanistan tại quận Kandahar, Afghanistan, một nạn nhân của “bom lề đường.” Nay quân đội Hoa Kỳ đang tìm cách ứng dụng phân tích toán học và mối liên hệ xã hội để nhận diện các thành phần chủ chốt đặt bom. (Hình: MASSOUD HOSSAINI/AFP/Getty Images)


Cho đến nay, Ðại Tướng David Petraeus, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ và NATO ở chiến trường Afghanistan, với bằng tiến sĩ từ Ðại Học Princeton, vẫn được coi là một thí dụ điển hình về những người lính mới trong cuộc chiến hôm nay, những người chiến sĩ cũng là học giả, được học hỏi về lịch sử và chính trị cũng như kỹ thuật chiến đấu.

Nay lại có thêm một hình ảnh mới về người lính: Ðó là người chiến sĩ cũng là nhà toán học, ứng dụng các mô hình phức tạp ngày càng trở nên quan trọng hơn cho việc đặt ra các kế hoạch quân sự.

Các binh sĩ có nhiệm vụ ngăn ngừa việc đặt bom bên lề đường, vẫn được gọi tắt là IED (Improvised Explosive Devices), vẫn thường thu thập được nhiều tin tức về tình hình trong vùng hoạt động và nay các cấp chỉ huy, xuống tới cả các cấp thấp nhất như trung đội trưởng, cũng được huấn luyện về việc phân tích mạng lưới xã hội để tìm ra những nhân vật chính yếu trong các nhóm có trách nhiệm đặt bom.

Nỗ lực này khởi sự với sự tin tưởng rằng không ai một mình có thể làm chuyện gài bom.

“Phải có người ráp trái bom, một người đem đi đặt, phải có người thăm dò địa điểm,” theo lời Kathleen Carley, một giáo sư về điện toán tại đại học Carnegie Mellon University, và cũng được coi là mẹ đẻ của việc phân tích mạng lưới xã hội (social network analysis) để ứng dụng vào việc giải quyết vấn đề IED.

“Nếu muốn ngăn chặn IED, chúng ta phải hiểu toàn bộ vấn đề, những ai ở trong nhóm, họ liên hệ với nhau ra sao, để có thể nhận ra chỗ nào quan trọng nhất để đánh vào,” theo lời Giáo Sư Carley.

“Bất cứ tổ chức nào cũng có các mối quan hệ,” theo lời Thiếu Tá Lục Quân Ian McCulloh, một cựu sinh viên của Giáo Sư Carley và hiện là phó giám đốc trung tâm chống IED ở Baghdad.

“Các tổ chức dân sự thường dùng việc phân tích mạng lưới xã hội từ nhiều thập niên nay để vẽ ra bản đồ liên hệ giữa các cá nhân và xác định nhược điểm của họ. Ðiều này cũng có thể áp dụng để đối phó với các nhóm đe dọa chúng tôi,” Thiếu Tá McCulloh cho hay.

Thiếu Tá McCulloh, người có bằng tiến sĩ về “network science” tại Ðại Học Carnegie Mellon, nay là chuyên gia về ứng dụng “đại số quan hệ” (Relational Algebra) vào việc nghiên cứu các mạng liên quan đến IED.

Nếu các giới chức quân báo nhiều kinh nghiệm dùng linh tính trực giác của họ để tìm ra mạng lưới, Thiếu Tá McCulloh cho rằng với toán và máy điện toán, ông có thể đi đến cùng kết luận nhanh chóng hơn.

Thiếu Tá McCulloh nói rằng với cùng dữ kiện, nếu một chuyên gia quân báo với 26 năm kinh nghiệm cần năm ngày để phân loại từ 200 đến 300 giao điểm (nodes) trong mạng lưới để tìm ra đâu là điểm trọng yếu nhất, cá nhân ông với nhu liệu có sẵn và một số phân tích căn bản có thể đạt đến cùng kết luận trong vòng từ 15 đến 20 phút.

Dĩ nhiên, giá trị của việc phân tích này cũng tùy thuộc vào phẩm chất của các dữ kiện cung cấp.

Giáo Sư Carley nói rằng nếu muốn tìm hiểu mạng lưới đặt bom, người lính sẽ cần tin tức từ những người bắt được, từ giới điềm chỉ, từ các cuộc điện đàm bị nghe lén.

“Bạn sẽ phải tìm những chi tiết khác. Ai liên hệ với ai, họ từng hoạt động ở đâu, được huấn luyện chỗ nào và ở trong nhóm nào.”

Phân tích mạng (network anaylys) cũng giúp cho người lính thấy được là họ còn thiếu những tin tức gì để đi thu thập, theo Giáo Sư Carley.