Home Tin Tức Thời Sự Ðồng tính, chuyện khó nói trong cộng đồng Việt Nam

Ðồng tính, chuyện khó nói trong cộng đồng Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 06 Tháng 12 Năm 2010 11:20

SAN JOSE - Ðối diện với thành kiến trong một cộng đồng bảo thủ, một nhóm những nhà hoạt động và cố vấn tổ chức một buổi hội thảo công khai tại San Jose

hôm Thứ Bảy, 4 tháng 12, để khuyến khích gia đình ủng hộ những người đồng tính và nói về những gì liên quan đến vấn đề xã hội này trong cộng đồng Việt Nam, theo tin của báo San Jose Mercury.

 Người đồng tính tham gia diễn hành Tết 2010 trên đại lộ Bolsa. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
 
“Xin hãy đối xử với chúng tôi như quý vị đối xử với một người bạn, một người con, như tất cả những người bạn, những người con,” anh James Chương, 22 tuổi, nói với cử tọa tại một căn phòng trong thư viện San Jose trên đường Tully. Anh James Chương chưa bao giờ có dịp nói với cha mẹ hoặc họ hàng kể từ khi biết mình là người đồng tính cách đây hơn hai năm.

“Họ nghĩ rằng chúng tôi là người xấu, và sẽ xuống địa ngục,” James Chương nói bằng tiếng Việt, và được một người thông dịch sang tiếng Anh.

Ðứng trước khoảng 60 người, đa số là người Mỹ gốc Việt, James nói anh từng nghĩ đến tự tử khi bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà.

“Tôi là một học sinh tốt, một công dân tốt,” anh nói. “Tôi không thể tìm lối thoát ra khỏi tình trạng thê thảm này.”

Nói cho gia đình biết mình là người đồng tính có thể là khó khăn cho bất cứ ai, nhiều người phát biểu đồng ý như vậy. Nhưng điều này có thể là rất khó khăn trong cộng đồng Việt Nam, một cộng đồng mà cha mẹ và ông bà được nuôi nấng trong một nền văn hóa truyền thống mà chuyện đồng tính là không thể công khai chấp nhận được.

Giới trẻ Mỹ gốc Việt thường thoải mái hơn về vấn đề đồng tính. Nhưng đối với những di dân lớn tuổi, “điều này không bao giờ được thừa nhận,” anh Thanh Ðỗ, đại diện nhóm Liên Minh Người Ðồng Tính Việt Nam, nói.

Buổi hội thảo do nhóm của anh cùng với cô Vương Nguyễn của chương trình phát thanh Sống Thật Radio đồng tổ chức. Sống Thật Radio là chương trình của người đồng tính phát thanh hàng tuần trên làn sóng KSJX-AM.

Một diễn giả khác, cô Mimi-Cristien Nguyễn, cho biết cô phải đấu tranh như thế nào để hiểu cảm giác của những cô gái khi cô sống trong một trại tị nạn sau khi rời Việt Nam.

“Họ không dạy cho mình biết về đồng tính trong trại tị nạn,” cô nói.

Nhiều năm sau khi đến Hoa Kỳ, cô cảm thấy can đảm nói với gia đình bố mẹ nuôi người Mỹ gốc Ðức về tình trạng đồng tính của cô, mặc dù cô lo sợ phản ứng của họ.

Họ hiểu ra vấn đề, cô cho biết thêm, nhưng cô vẫn chưa bao giờ báo cho gia đình bên Việt Nam biết. Mỗi khi nói chuyện với đồng hương, cô thường né tránh đề tài này.

Tại buổi hội thảo, thành viên gia đình và cử tọa đặt nhiều câu hỏi. Một người đàn ông thắc mắc là liệu đồng tính có dẫn đến tình trạng tuyệt giống. Một phụ nữ hỏi làm cách nào để cố vấn một người sắp quyết định công khai mình là đồng tính.

Nhiều diễn giả nhấn mạnh rằng đồng tính không phải là “không bình thường” và con người không chọn giới tính cho mình. Chuyên viên tâm thần Lê Phương Thúy nói bà từng được cha mẹ Việt Nam yêu cầu giúp những đứa con đồng tính của họ trở lại “bình thường.”

Những lời khuyên có thể giúp một người đồng tính đối đầu với cảm giác phải nói công khai giới tính của mình, bà Thúy nói. “Ðiều này không có nghĩa thay đổi một con người.”

Những người tổ chức nói họ hy vọng buổi hội thảo giúp đối thoại nhiều hơn về vấn đề đồng tính trong cộng đồng Việt Nam, và có thể dẫn tới việc thành lập những nhóm gia đình ủng hộ người đồng tính.

“Chúng tôi dự trù chỉ có chừng 10 người tham dự,” anh Thanh Ðỗ vừa nói vừa nhìn vào cử tọa. “Không ngờ người ta đến đông như vậy.” (Ð.D.)