Home Tin Tức Thời Sự Cuộc khủng hoảng Triều Tiên làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi

Cuộc khủng hoảng Triều Tiên làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 05 Tháng 12 Năm 2010 20:51

Trong cuộc khủng hoảng liên Triều lần này, Trung Quốc luôn ủng hộ Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, Hoa Kỳ không thể làm cho Trung Quốc thay đổi lập trường. Tuần san Courrier International giải thích sự việc này qua bài trích lại từ tạp chí The New York Times với tựa “Tai sao Mỹ không thể làm Trung Quốc “xếp càng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ -Cẩm Đào bên lề Thượng đỉnh G20 Seoul, 11/11/2010
REUTERS/Jim Young

Trong lĩnh vực ngoại giao, có một nguyên lý cơ bản: Hễ động đến lợi ích quốc gia, thì các nước rất hiếm khi đạt được đồng thuận. Tác giả cho rằng, có lẽ cần nhắc lại cho nước Mỹ nguyên lý cơ bản này trong quan hệ với Trung Quốc.

Thật ra, một phần lớn trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ luôn tìm cách khiến Trung Quốc tiến hành những biện pháp mà đối với chính quyền Bắc Kinh là không tốt cho đất nước họ. Đây là một vấn đề khiến Washington phải đau đầu do không đạt được kết quả như mong muốn.

Trung Quốc không chấp nhận định lại giá đồng nhân dân tệ do nước này cần một đồng nội tệ rẻ để bảo vệ nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Trung Quốc từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt Iran vì cần tiếp cận nguồn dầu hỏa và khí đốt của nước này nhằm phục vụ nền kinh tế tiêu hao năng lượng của mình. Trung Quốc không muốn kiềm chế « người láng giềng nghịch nghợm » Bắc Triều Tiên vì lo ngại chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ và việc hai miền Triều Tiên thống nhất sẽ có hại cho Trung Quốc.

Về vấn đề này, một chuyên gia châu Á ở Washington cho rằng Trung Quốc lo ngại sau khi hai miền Triều Tiên Thống nhất, quân đội Mỹ sẽ hiện diện trong khu vực. Một chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích về các nguy cơ chính trị Stratfor thì tóm lược như sau : “Hoa Kỳ muốn Trung Quốc làm theo ý mình”. Ông nhận định: Trong vấn đề Triều Tiên, Bắc Kinh cho rằng Mỹ muốn áp đặc chính sách bằng cách tước đi một trong những « công cụ » quan trọng cần thiết cho quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. “Công cụ » đề cập ở đây chính là một miền Triều Tiên bị chia cắt, với một Bắc Triều Tiên chịu ơn và hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc, và là tấm chắn để quân đội Mỹ không thể hiện diện ở sân sau của nước này.

Theo chuyên gia David Rothkopf, Hoa Kỳ vẫn cứ tưởng mình là cường quốc duy nhất sau thời chiến tranh lạnh, vì thế mục tiêu của Washington là muốn các nước chấp nhận thực trạng đơn cực này. Trong khi đó, thực tế lại hoàn toàn khác, nhiều nước trong đó có Trung Quốc ngày càng ít lệ thuộc vào Mỹ, và ngày càng biết hành động vì lợi ích quốc gia họ.

Vài nhân vật trong chính phủ Mỹ đã nhận ra điều này và đã bắt đầu xem xét việc thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Theo họ, việc tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong chuyến thăm nước này vừa rồi chắc chắn gây khó chịu cho Trung Quốc, vì nước này sẽ nghĩ là Mỹ rắp tâm thiết lập đồng minh trong vùng lân cận của họ.

Liên quan đến cuộc tập trận Mỹ-Hàn, rõ ràng là Hoa Kỳ muốn gửi một thông điệp đến Trung Quốc. Thông điệp đó như sau: Một hành động kiềm chế Bình Nhưỡng từ phía Bắc Kinh sẽ còn ít nguy hiểm hơn là việc tàu chiến Mỹ tăng cường sự hiện diện trong vùng biển gần kề Trung Quốc.

Tác giả nhận định, vấn đề Bắc Triều Tiên hiện nay lại một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ khó lòng buộc Trung Quốc theo ý mình. Việc này cũng thể hiện một thực tế mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước: Chính sách ngoại giao Mỹ - Trung phải được thay đổi trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Theo chuyên gia David Rothkopfn, thế giới đã ra khỏi tình trạng lưỡng cực của thời kỳ chiến tranh lạnh, và giai đoạn ngắn ngủi của thời được xem là đơn cực, thời kỳ mà Mỹ xem mình là siêu cường duy nhất thế giới. Ngày nay, có rất nhiều đại cường quốc, vì thế đòi hỏi phải làm ngoại giao theo kiểu mới là ngoại giao dựa trên sự cân bằng giữa các cường quốc.