Home Tin Tức Thời Sự Thất nghiệp ở Mỹ gia tăng

Thất nghiệp ở Mỹ gia tăng PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 04 Tháng 12 Năm 2010 18:18

Giới chuyên gia nói thất nghiệp cao làm chậm hồi phục kinh tế


Thất nghiệp ở Mỹ tăng lên 9,8% trong tháng Mười Một, mức cao nhất từ tháng Tư, theo Bộ lao động Hoa Kỳ, tạo ra lo ngại về mức độ phục hồi của nền kinh tế.

Trong tháng trước chỉ có 39.000 chỗ làm việc được tạo ra, thấp hơn mức mong đợi của các nhà phân tích.

Trong tháng Mười có 172.000 chỗ làm việc mới.

Thị trường chứng khoán giảm mạnh sau khi công bố các số liệu này.

Giới phân tích lo ngại về mức thất nghiệp cao ở Mỹ đang làm suy yếu sự phục hồi kinh tế.

Thị trường rùng mình

Thông báo được đưa ra trước tiếng chuông mở cửa phiên chợ Wall Street khiến chỉ số Dow Jones giảm nhẹ lúc ban đầu, phục hồi chút đỉnh trong ngày rồi mạnh hơn lúc đóng cửa.

Euro tăng tròn một cent so với đô-la, lên thành 1,335 USD sau thông tin.

Tỷ giá thay đổi thêm một cent nữa trong ngày với lo ngại các khoản nợ của các nước dùng đồng euro sẽ giảm giá, trong khi người ta dự đoán ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bơm tiền giảm áp.

Con số việc làm chỉ là ước tính ban đầu, có thể sẽ được điều chỉnh trong các tháng sau.

Bộ lao động Hoa Kỳ nói hiện 15,1 triệu người đang thất nghiệp, tức là tỷ lệ 9,8%.

Đây là gia tăng so với tỷ lệ 9,6% ghi nhận trong ba tháng trước đó.

Các chỗ làm việc được tạo ra trong khu vực dịch vụ kinh doanh, y tế và khai thác mỏ, nhưng con số chỗ làm việc trong ngành bán lẻ và lắp ráp giảm.

Không khuyến khích lao động

Giới phân tích đặc biệt lo ngại với các con số về việc làm.

Tin xấu nhất là sự nhảy vọt trong tỷ lệ thất nghiệp không phải do tăng mức đóng góp lao động, theo kinh tế gia Bill McBride trên trang blog của ông.

Trong cơn suy thoái, nhiều công nhân bị sa thải không đi tìm việc mới, có nghĩa là họ rút khỏi con số lao động chính thức, và cũng bên ngoài con số về thất nghiệp.

Khi thị trường lao động cải thiện, các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ khuyến khích lao động đi tìm việc trở lại, tức là họ sẽ được ghi vào con số thất nghiệp.

Nhưng số liệu vừa rồi cho rằng điều đó chưa xảy ra.

'Rất thất vọng'

Các ý kiến không thống nhất với nhau về ảnh hưởng của câu chuyện này đến sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

"Tất nhiên đó là điều ngạc nhiên - rất thất vọng. Chúng tôi mong đợi điều gì đó cao hơn vậy nhiều," bình luận của Bernard Baumohl từ Economic Outlook Group.

Tuy nhiên, ông nói con số chỗ làm việc mới nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh "tăng rõ" trong tháng sau, theo con số chỗ làm việc hiện tại.

Những người khác thì không nhìn thấy như vậy.

Paul Dales từ Capital Economics mô tả con số việc làm là "phép thử thực tế đau đớn" cho những ai hi vọng thấy phục hồi ý nghĩa đang trên đà.

"Sự thật là nền kinh tế hiện không đi đến đâu khi mà các công ty không muốn tăng thuê mướn," ông nói.

Lo ngại dài hạn

Thêm một chỉ dấu đáng lo khác là tăng con số người thất nghiệp dài hạn, từ khoảng trên 100.000 lên 6,3 triệu.

Con số những ai không có việc làm lâu hơn 26 tuần giảm rõ từ sau đỉnh điểm hồi mùa hè, nhưng xu hướng lại quay ngược lại mạnh trong vòng hai tháng qua.

Giới kinh tế đặc biệt quan ngại về mức cao chưa từng có về thất nghiệp dài hạn trong cơn suy thoái hiện nay, trong bối cảnh các công nhân đó đặc biệt khó tìm việc trở lại được.

Con số đó cho rằng thất nghiệp có thể "cấu trúc", tức là những người lao động đó có thể tiếp tục không có việc làm khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.

Thêm rắc rối là công dân Mỹ nếu mất việc nhiều hơn 26 tuần thì không còn được nhận trợ cấp thất nghiệp theo qui định từ cuối tháng Mười Một.

Nếu Quốc hội không ra luật kéo dài thời hạn được hưởng trợ cấp, giới kinh tế lo ngại thất nghiệp dài hạn sẽ không còn mấy thu nhập để chi tiêu.

Các biện pháp kích cầu

Từ đầu tháng trước ngân hàng trung ương do tăng trưởng kinh tế kém đã công bố một chương trình kích cầu, bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế.

Kinh tế Hoa Kỳ tăng với mức tính theo năm là 2,5% trong khoảng từ tháng Bảy đến tháng Chín.

Thất nghiệp cao và thị trường nhà yếu đặc biệt kìm hãm tăng trưởng, theo giới phân tích.

Đây là gói kích cầu lớn thứ hai mà ngân hàng trung ương đưa ra để kích thích phục hồi, đã bơm 1.750 tỷ USD vào nền kinh tế từ sau ngày suy thoái.