Home Tin Tức Thời Sự Khủng hoảng tài chính Âu Châu đe dọa kinh tế toàn cầu

Khủng hoảng tài chính Âu Châu đe dọa kinh tế toàn cầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 02 Tháng 12 Năm 2010 10:04

 WASHINGTON - Vụ khủng hoảng tài chính Ireland và tình hình thiếu nợ ở nhiều nước Âu Châu đã ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và lãi suất ở khắp các nước trên thế giới,

phương hại nỗ lực giảm thiểu bất quân bình mậu dịch và làm hao mòn niềm tin cậy thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

 
Một phụ nữ “homeless” ngồi xin tiền trên cầu O'Connell ở Dublin, Ireland, hôm Thứ Tư 1 tháng 12, 2010. (Hình: Peter Macdiarmid/Getty Images)

 Nền kinh tế Ireland đã đi tới khủng hoảng sau nhiều năm tăng trưởng tốt và hội đồng các bộ trưởng tài chính Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã chấp thuận cung cấp ngân khoản cứu nguy 85 tỷ Euros (113 tỷ US dollars).

Tuy nhiên sau đó trái phiếu vẫn xuống và tỷ giá hối đoái của đồng Euro với các ngoại tệ khác tiếp tục giảm. Hiện nay người ta cho rằng đến lượt Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, hoặc ngay cả Bỉ và Ý là hai nước vẫn có kinh tế vững vàng cũng sẽ gặp khó khăn.

Kinh tế Ireland chỉ vào khoảng ngang hàng với tiểu bang Connecticut, không đủ lớn để ngăn chặn sự hồi phục toàn cầu nhưng gây sự quan ngại ra ngoài Âu Châu về sức mạnh kinh tế của khu vực đồng Euro và khả năng hoàn trái của chính phủ các nước này.

Có những chỉ dấu đã cho thấy kinh tế thế giới được cải thiện nhanh hơn dự đoán nhưng tình hình bất ổn định ở Âu Châu khiến cho các chuyên gia dự đoán tăng trưởng năm 2011 sẽ chỉ là 3.9% so với 4% năm nay,

Ðồng Euro đã lên chút ít hôm Thứ Tư sau khi đã xuống tới dưới mức 1 Euro = $1.313 trong ngày đầu tuần. Tỷ giá thấp nhất hồi tháng 6 là $1.876 đã lên trở lại đầu tháng 11 nhưng các giới buôn bán tin rằng sẽ tiếp tục ở mức trên dưới $1.300 sau khi Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu cho biết trong buổi họp ngày Thứ Năm sắp tới sẽ có những biện pháp để giảm nợ cho các quốc gia.

Cuối năm ngoái sau khi Hy Lạp thiếu hụt ngân sách và không trả được nợ, EU đã cố gắng áp dụng những phương cách kiềm chế trước khi chấp thuận ngân khoản cứu nguy 110 tỷ Euro. Sự chậm trễ này có thể hiểu được vì EU chưa bao giờ phải đối đầu với tình thế khủng hoảng như vậy kể từ khi đưa ra đồng tiền Euro năm 1999.

 Trường hợp Ireland, chỉ mấy tuần sau khi thị trường có những dấu hiệu lo ngại và trước khi chính phủ nước này yêu cầu, EU đã chuẩn bị 85 tỷ cứu nguy, Nhưng đến nay nếu cùng một lúc Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ và Ý có nhu cầu thì cách đối phó sẽ như thế nào và có đủ tiền sử dụng hay không?

Hugo Brady, chiến lược gia của trung tâm nghiên cứu Center of European Reform giải thích là: “Có sự khác nhau giữa chính trị gia và thị trường. Trên lý thuyết EU có cơ chế đủ khả năng đối phó với áp lực, và có thể hành động trong vòng ít giờ qua thảo luận điện đàm và biểu quyết, nhưng các chính trị gia ít khi có ngay những quyết định lớn còn với thị trường thì không thể đưa ra tín hiệu và chờ đợi phản ứng.”

16 quốc gia trong khu vực đồng Euro trên lý thuyết có 750 tỷ Euros dự trữ để sẵn sàng đối phó khủng hoảng. Trong khoản này 250 tỷ từ IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), 440 tỷ của các nước trong khối và 60 tỷ từ 27 thành viên EU.

Trong ngân khoản cứu nguy Ireland, chỉ có 60 tỷ Euros được cấp phát, khoảng 25 tỷ từ chính của ngân quỹ Ireland hay vay mượn song phương. Với ít nhất 650 tỷ Euros còn lai có thể cứu nguy cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha khi các nước này đề nghị trong vòng từ một tuần đến 10 ngày sau.

Vấn đề là các quyết định chính trị có nhanh chóng kịp thời hay không và hiệu quả sẽ như thế nào đối với thị trường..

Tuy nhiên chỉ riêng khu vực đồng Euro vẫn còn nhiều chỗ yếu và cần sự cam kết của Hoa Kỳ, chứ không chỉ là hứa hẹn về trợ lực của IMF. Một phát ngôn viên bộ Ngân Khố Hoa Kỳ hôm Thứ Tư nói rằng Hoa Kỳ chưa thảo luận tới việc cung cấp thêm tài chính để ổn định quỹ tiền tệ Âu Châu ngay lúc này. (HC)