Home Tin Tức Thời Sự Hy Lạp, cửa ngõ chính vào châu Âu của dân nhập cư trái phép

Hy Lạp, cửa ngõ chính vào châu Âu của dân nhập cư trái phép PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 02 Tháng 12 Năm 2010 09:18

Đa số dân nhập cư trái phép vào châu Âu chọn Hy Lạp làm nơi " quá cảnh".

Họ không đi theo đường nối Tây Ban Nha và Ý, mà đi từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến ranh giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp. Le Figaro phản ảnh hiện tượng này qua bài viết « Hy Lạp, lối vào của người nhập cư bất hợp pháp ».


Một người ăn xin trên đường phố Hy Lạp ngày 1/12/2010. / Reuters

Le Figaro cho biết, 90% người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu đều « quá cảnh » qua Hy Lạp. Phân nửa trong số họ, tức khoảng 39.000 người tính từ đầu năm nay, là đi qua vùng Thrace ở ranh giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi đêm, có khoảng từ 120 đến 350 người bị bắt.

Mỗi buổi sáng, xe buýt của công ty Ktel đỗ trước cổng trung tâm tạm giữ Filakio, một ngôi làng nhỏ thuộc vùng Thrace Hy Lạp, nơi tạm giữ người nhập cư trái phép bị bắt ở biên giới.

Sau đó, từ trung tâm này, những người bị tạm giữ đó ra xe buýt đi đến thủ đô Athènes, để sau đó trở về xứ sở, có thể là Afghanistan, Irak, Algérie hoặc Châu Phi.

Trung tâm Filakio được xây dựng cách đây 12 năm, có sức chứa 372 người. Thế nhưng, số người bị bắt là thường xuyên và rất đông, nên mỗi ngày các nhà chức trách buộc phải đưa người cũ đi để đón người mới vào.

Một quan chức cảnh sát Hy Lạp cho biết, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm tròn nhiệm vụ khi để mọi người mặc tình qua lại , và từ chối nhận lại người nhập cư bị bắt, trái với tinh thần của thỏa thuận mà hai nước đã ký vào năm 2002. Tệ hơn nữa cho Hy Lạp là, theo thỏa thuận Dublin được ký kết giữa 30 quốc gia (27 nước trong Liên hiệp châu Âu và Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland), các quốc gia Châu Âu được quyền trả lại nước này những người nhập cư bất hợp pháp qua đường Hy Lạp.

Trong khi đó, ở Athène, hiện tại có khoảng 300 000 người nhập cư bất hợp pháp đến từ 40 quốc gia, đang sinh sống. Không giấy tờ, không việc làm, họ dần lao vào con đường phạm tội. Tình hình lại càng nghiêm trọng khi các tổ chức mafia mại dâm và buôn bán ma túy quốc tế lại thu hút nhóm người này.

Về phần những người nhập cư, ai cũng muốn rời khỏi Athène. Thế nhưng, chi phí đến Ý lên tới 1.500 euro. Chi phí đến Pháp, Anh hay  ức còn cao hơn nhiều. Phần lớn họ muốn trở lại quê nhà, nhưng đường về cũng rất khó khăn. Các đại sứ quán nước họ, do có quá nhiều đơn xin hồi hương, cũng ngần ngại chi tiền cho việc hồi hương.