Home Tin Tức Thời Sự Indonesia tính chuyện dời đô

Indonesia tính chuyện dời đô PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 30 Tháng 11 Năm 2010 09:32

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Jakarta dường như đã bị « bão hòa ». Tổng thống nước này đang tính chuyện dời đô.

Ý định này đã gây nhiều phản ứng khác nhau, từ nhiệt tình ủng hộ đến lên án gay gắt. Le Monde phản ánh sự kiện này với bài viết « Indonesia dự tính dời đô ».


Một chuyến tàu tại Jakarta Indonesia. Ảnh chụp 31/5/2010  Ảnh:REUTERS/Crack Palinggi

Ô nhiễm, quá tải dân số, kẹt xe… đã mang đến cho Jakarta hình ảnh một thành phố phát triển không hài hòa. Dân số thật sự của thành phố là 9.6 triệu người, nhưng lượng người tham gia giao thông lên đến 12.6 triệu, do ban ngày có cả người từ ngoại ô ồ ạt đổ vào.

Theo thống kê, mọi người thường xuyên bị kẹt xe 3, 4 tiếng đồng hồ một ngày. Tổn thất cho sản xuất từ việc kẹt xe có thể lên đến 2 tỷ euro mỗi năm.

Trước tình hình đó, tổng thống Susilo Bombang Yudhoyono vừa đề nghị dời đô. Ông đưa ra ba phương án.

 Phương án thứ nhất là tiếp tục chọn Jakarta làm thủ đô, và đương đầu với những khó khăn của quá trình đô thị hóa, tức tìm cách cải thiện tình hình hiện tại. Phương án này được cho là thực tế.

Thứ hai là chỉ dời các cơ quan chính phủ, hoặc đến nơi khác cũng trên đảo Java hoặc đến đảo Borneo (cách Java khoảng 1000 km về phía đông bắc), theo đó Jakarta vẫn là thủ đô kinh tế và hành chính. Phương án này được xem là ôn hòa.

Theo phương án thứ ba, được xem là cực đoan nhất, thủ đô được dời hẳn về đảo Borneo mà theo Le Monde, có thể ổng thống ưu ái phương án thứ ba.

Ông Sony Keraf, giáo sư triết học, cựu bộ trưởng môi trường, nhận định : « Jakarta không còn khả năng tiếp nhận người đến ở nữa. Không còn không gian cho việc phát triển đô thị ».

Giáo sư chính trị học Andrinof Chanagio cho rằng : Sẽ rất tai hại nếu các nhà chức trách không quyết định kịp thời. Trong khi đó, giới đối lập lại lên tiếng phản đối. Chuyên gia đô thị học Marco Kusumawijaya phủ nhận việc Jakarta quá tải khi cho rằng, hiện tượng tăng dân số diễn ra song song với quá trình phát triển nhà ở và mở rộng ngoại ô. Ông cũng phủ nhận việc thành phố này có quá nhiều xe hơi. Ông cho biết, chỉ có 250 xe trên 1000 người, trong khi ở Mỹ là 800.

Theo ông, vấn đề là ở chỗ mọi người sử dụng quá nhiều lần xe hơi trong cùng một ngày, trong khi đó thành phố lại thiếu phương tiện giao thông công cộng.

Để có quyết định cuối cùng không phải là dể, bởi quyết định nào cũng rất khó khăn để thực hiện. Năm 2009, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đồng ý cho Indonesia vay lãi suất ưu đãi để xây dựng tàu điện ngầm.

 Tuy vậy, những dự án xây dựng đường sắt một ray và tàu điện ngầm vẫn còn đang bỏ ngõ. Các hành lang dành cho xe buýt đã được thiết kế trên những trục giao thông chính của thành phố, nhưng người lái ô tô thường lấn vạch phân tuyến.

Theo Giáo sư Kusumawijaya, các dự án này không thể giải quyết tình hình ở Jakarta, dành hành lang cho xe buýt là một ý tưởng hay, nhưng khó lòng áp dụng. Còn đường sắt một ray chỉ phục vụ được cho trung tâm thành phố. Tàu điện ngầm thì ít nhất năm 2016 mới vận hành được.