Hội nghị Cancun : Mỹ -Trung tiếp tục đọ sức |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Hai, 29 Tháng 11 Năm 2010 14:44 |
HK đi về với hai bàn tay trắng. Hội nghị về khí hậu mở ra tại Cancun hôm nay, 29/11/2010 sẽ không mang lại kết quả gì đáng kể. Đây là nhân định chung của báo chí Pháp, đã dành tít lớn cho sự kiện này. L’Humanité gợi lên “không khí chiến tranh lạnh”, trong lúc đồng nghiệp Libération cũng nói đến “Không khí lạnh buốt”. Riêng Le Monde nêu bật hai tác nhân chính : “Trung Quốc và Mỹ đọ sức với nhau tại Cancun”. Thành viên tổ chức phi chính phủ OXFAM triển lãm bày một cái chai khổng lồ trên bãi biển Cancun ngày 28/11/2010, bên trong có hàng chữ "Khẩn cấp : Hãy cứu mạng người tại Cancun". Nhìn chung, các nước đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình, do đó sẽ không nhượng bộ trên vấn đề khí thải. Le Monde tóm lược tình hình với nhận xét không mấy lạc quan : “Thế giới có thể đạt được một thỏa thuận về khí hậu hay không ? Câu trả lời có lẽ là không nếu nhìn vào thái độ hoài nghi, e dè, chần chừ của số 194 quốc gia tham gia Hội nghị”, cho dù, theo Le Monde, những người tập hợp tại Cancun kể từ hôm nay đều muốn tránh đưa ra hình ảnh một cuộc thất bại mới, một năm sau Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen. Tuy nhiên, những cuộc thào luận sơ bộ đã dần dần tập trung trên sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trước sự chứng kiến bất lực của Châu Âu. Vẫn là cuộc tranh cãi cố hữu về phương cách tiếp cận : đặt trong tâm trên việc đạt một thoả thuận chung, nhưng ở mức tối thiểu, hay là trên những thoả thuận theo từng lãnh vực, dễ đạt hơn, và trách nhiệm của các quốc gia giàu có. Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn gay gắt trong các cuộc họp về khí hậu chuẩn bị cho Cancun. Hoa Kỳ muốn có một thoả thuận mang tính chất ràng buộc, và có thể kiểm tra được. Bắc Kinh thì không muốn, và vẫn nêu quan điểm truyền thống, muốn các quốc gia công nghiệp phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải, chống khí hậu hâm nóng, cho dù Trung Quốc cũng công nhận là họ đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Dĩ nhiên Bắc Kinh đã lôi cuốn các quốc gia đang vươn lên và trở thành người phát ngôn của họ. Khó khăn kinh tế lại càng làm gia tăng bất đống về chiến lược chống khí hậu hâm nóng. Theo Le Monde, cuộc đối đầu Mỹ Trung dự báo trước không khí cuộc họp. Trong cuộc đối đầu này, Le Monde nhìn thấy Hoa Kỳ sẽ phải ở trong thế thủ, sau thất bại của ông Obama trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, mà hậu quả sẽ là không có một dự luật về khí hậu được thông qua trong vài năm tới đây. Thoả thuận Copenhagen đã đưa ra mục tiêu là kềm hãm mức tăng nhiệt độ ở khoảng 2 độ C. Thế nhưng những cam kết giảm khí thải mà các quốc gia đưa ra không cho phép đạt mục tiêu này. Tờ La Croix đã chạy hàng tít lớn trang nhất với vẻ tương đối lạc quan : thế giới xuôi tay chấp nhận. Cũng như đồng nghiệp Le Monde, tờ báo ghi nhận vị thế khó khăn của Mỹ do việc những người chống đối luật về khí hậu đang trở lại Quốc Hội Hoa Kỳ. Đối với các nghị sĩ đảng Cộng Hoà, không có chuyện giảm khí thải, họ vẫn bác bỏ quan điểm là chính hoạt động con người đã gây nên hiệu ứng nhà kính. Theo La Croix dư luận Mỹ cũng đang thay đổi quan điểm. Nếu vào năm 2006, 50% người được hỏi đánh giá là hoạt động con người gây ra hiện tượng khí hậu hâm nóng, thì bây giờ chỉ còn 1/3 là nghĩ như thế mà thôi. Trong tình hình trên, La Croix nhìn thấy là các nhà thương thuyết Hoa Kỳ phải đến Cancun với hai bàn tay trắng, họ không thể áp đặt một thoả thuận chung mang tính chất gò bó, mà họ không thể đưa ra quốc hội để thông qua, và cũng không thể gây sức ép đối với Bắc Kinh. |