Các vụ nói hớ của chính khách |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm |
Thứ Bảy, 27 Tháng 11 Năm 2010 08:59 |
Câu chuyện về bà Sarah Palin, nhân vật đang nổi trong chính trường Mỹ nói về “đồng minh Bắc Hàn” nhắc đến các câu nói hớ hoặc ngô nghê của nhiều chính trị gia.
Bà Sarah Palin luôn tỏ ra 'bình dân' nhưng câu nói về 'đồng minh Bắc Hàn' gây ra phản ứng bất lợi
Đây không phải là lần đầu bà Palin, cựu ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ nói lầm hoặc tỏ ra thiếu hiểu biết về thời sự quốc tế. Trước đây, bà đã có lúc ngớ người ra không biết Margaret Thatcher là ai, dù phe hữu của Mỹ hay ca ngợi quan hệ giữa Anh - Mỹ thời Thatcher và Reagan. Lần này, theo mạng Politico, bà Palin, cựu thống đốc bang Alaska, đã bị người dẫn chương trình truyền hình nhắc nhở khi bà tuyên bố Hoa Kỳ cần “đoàn kết bảo vệ đồng minh Bắc Hàn”, nhân vụ hai miền Nam Bắc Triều Tiên bắn pháo vào nhau. Bà Palin cũng không phải là chính khách Mỹ đầu tiên nhầm về địa lý. Dân biểu Quốc hội Glenda Jackson trong năm nay cũng được ghi hình trên YouTube ca ngợi “hai miền Nam Bắc Việt Nam đang chung sống hòa bình sau chiến tranh, nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ”. Bà Jackson đã nói như vậy khi tiếp xúc với các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Nhưng nói hớ không phải lúc nào cũng là vì nhầm lẫn “chết người” về địa chính trị, mà có khi chỉ là câu nói đùa đáng sợ bị lọt ra công chúng. Hồi năm 1984, thế giới đứng tim khi tổng thống Reagan trong khi thử micro trên đài phát thanh đã nói: “Đồng bào thân mến, tôi vừa ký một sắc lệnh loại nước Nga ra khỏi vòng pháp luật (outlaw Russia). Và chúng ta sẽ ném bom vào họ trong vòng năm phút”. Tổng thống Reagan từng đùa về 'lệnh ném bom nước Nga'
Sự cố microphone là điều khiến nhiều VIP khóc dở mếu dở khi bị tung ra dư luận nhưng báo chí lại rất khoái đăng tải. Thái tử Charles của nước Anh trong một lần bực mình vì phóng viên BBC theo bám tại khu trượt tuyết năm 2005 đã lẩm bẩm với hai con trai, các hoàng tử William và Harry: "Bọn khốn kiếp. Không thể nào chịu được thằng cha đó. Hắn kinh khủng quá, thật sự như vậy.” Thái tử nước Anh không ngờ microphone thời nay rất nhạy, thu hút cả câu nói của ông, gây ra chuyện để báo chí Anh tha hồ bàn tán. Thủ tướng Gordon Brown khi còn tại chức cũng bị một cú hố điếng người khi mắng thầm một cử tri cao tuổi ở Rochdale, khiến ông sau đó phải xin lỗi. Bị bà già về hưu Gillian Duffy hỏi khó, vị thủ tướng của đảng Lao Động khi đã ngồi vào xe để ra về mới xả giận rằng bà kia là “đồ cuồng tín”, mà không ngờ micro gắn trên áo vẫn truyền thanh cho báo chí. Tổng thống Pháp, Jacques Chirac khi còn tại chức cũng bị ‘bắt quả tang’ khi nói trong chuyến thăm đến Đức rằng ‘Không thể tin loại người ở đất nước có đồ ăn tồi tệ thế này”. Ông Chirac cũng “mắng vốn” một quốc gia vô tội khác rằng “Sau Phần Lan thì chưa có ở đâu món ăn tệ bằng ở đây”, gây làn sóng phẫn nộ ở cả hai nước châu Âu. Châu Á không thua kém Nhưng ở châu Á, chuyện chính khách nói hớ hoặc phát ngôn "phản cảm" cũng không hiếm. Seiichi Ota, một dân biểu Nhật từng bị các hội đoàn phụ nữ chỉ trích kịch liệt vì khen những kẻ hiếp dâm tập thể “có ham muốn lành mạnh về tình dục”. Ông dân biểu đã bày tỏ "bức xúc" trong bối cảnh Nhật có sinh suất thấp và một số nhân vật cánh hữu trách cứ phụ nữ Nhật “không chịu sinh con”. Vẫn liên quan, cựu thủ tướng Nhật, ông Yoshiro Mori cũng bị phê vì đã đòi “tước lương hưu của những phụ nữ không sinh con”, để phạt họ. Ở Việt Nam, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được trích lời ca ngợi Thánh Gióng và nguyện như vị bất tử trong huyền thoại Việt Nam là “về trời, vui thú điền viên”. Một số lời bình trên mạng hỏi sao đã về một cõi khác lại còn có chuyện vui thú ruộng vườn như ông Triết nghĩ. Câu nói của ông Triết về Bấm tình hữu nghị Cuba – Việt Nam, “bên thức, bên ngủ” để canh giữ cho hòa bình thế giới, cũng là đề tài bàn tán sôi nổi trong dân chúng một thời gian. Có người ví von: "Việt Nam, Cuba như là Trời Đất sinh ra. Một anh ở phía Đông. Một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới. Cuba thức thì VN ngủ. VN gác thì Cuba nghỉ." Chủ tịch Nguyễn Minh Triết Còn tại Philippines, chính phủ của ông Aquino sau hội nghị Hà Nội hồi tháng 10 năm nay đã phải ra lệnh ‘kiểm soát chặt Twitter’ với các thành viên nội các. Lý do là phó bí thư phủ tổng thống, cô Maria Carmen Mislang đã gây ra điều tiếng khi than phiền trên mạng xã hội Twitter về nước chủ nhà Việt Nam. Cô viết về bữa tiệc cấp nhà nước do lãnh đạo Việt Nam chiêu đãi là “rượu quá tệ” (The wine sucks@rickycarandang) khi trả lời phát ngôn viên cho ông Aquino là Ricky Carandang. Maria Carmen Mislang sau đó đã phải xin lỗi vì than phiền về “đàn ông xấu trai” ở nước chủ nhà và câu nói, “qua đường ở Hà Nội là cách tự sát”. Còn Singapore, nước dù có tiếng là trật tự, kỷ cương kiểu Đông Á nhưng không phải lúc nào các chính trị gia cũng hiền từ thảo luận trong nghị trường. Nói nhau nặng lời xảy ra ngay ở tòa án, vốn theo luật Anh từ thời Victoria và có tiếng là nghiêm khắc. Đó là hồi năm 2004, khi cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và lãnh đạo đảng Dân chủ thuộc phe đối lập Từ Thuận Toàn (Chee Soon Juan) sỉ vả nhau trong một vụ kiện. Ông Lý nói về ông Từ “Y là kẻ gần bị tâm thần nặng - psychopath”. Vị lãnh đạo cao niên của Singapore, năm đó 84 tuổi còn trích vua Solomon từ Kinh Thánh ra để mỉa mai: “Kể cả vua Solomon cũng không thể hòa giải giữa một kẻ tâm thần và những người tỉnh táo.” Đáp lại, ông Từ nói: “Tôi không thù ghét gì ông nhưng tôi buồn cho ông quá. Ông quả là có hình dạng của một kẻ đáng thương hại”. Thông thường, công chúng trông đợi các lãnh đạo chính trị phải luôn nghiêm nghị, kính cẩn và phát ngôn đúng đắn. Nhưng chính khách cũng là con người và đôi khi những câu nói hớ gây hại cho công danh của họ. Ngược lại, đôi điều bất cẩn khi phát biểu của họ lại khiến chính trị trở nên vui hơn và chính trị gia "người" hơn. |