Home Tin Tức Thời Sự Phụ nữ Afghanistan - nỗi đau của thế giới

Phụ nữ Afghanistan - nỗi đau của thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA   
Thứ Sáu, 26 Tháng 11 Năm 2010 09:58

Dùng con cái để trả nợ.

 Afghanistan là một trong những nước mà người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi vì chiến tranh, xung đột và các hủ tục lạc hậu.
altMột phụ nữ Afghanistan trong trang phục burqa và một người đàn ông đang đi bộ tại làng Istalif, phía bắc Kabul vào ngày 02 tháng 11 năm 2010.
AFP photo

Trong khi quyền và cuộc sống của phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới đang ngày càng được nhìn nhận và cải thiện thì tại một số nước, nhất là tại các nơi có xung đột, số phận của nhiều phụ nữ vẫn là nỗi đau của không chỉ chính bản thân họ mà là của cả thế giới.

Tạp chí phụ nữ tuần này sẽ gửi đến quý thính giả câu chuyện về những người phụ nữ Afghanistan ngày nay.

Đối xử tàn tệ với phụ nữ

Tháng 8 năm nay, báo Time của Hoa Kỳ đã làm độc giả khắp nơi thực sự sốc khi quyết định đăng ngay trên trang bìa bức hình một cô gái trẻ người Afghanistan với khuôn mặt biến dạng do bị cắt mũi.

Cô gái đó là Bibi Ayesha. Câu chuyện của cô trên báo Time ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cả thế giới đến số phận đầy đau thương của cô và không khỏi băn khoăn về số phận của biết bao nhiêu phụ nữ Afghanistan khác.

Bibi Ayesha là nạn nhân của một tập tục có từ lâu đời ở Afghanistan có tên gọi Baad. Theo tập tục này, một gia đình gây thù hằn với gia đình khác và bị coi là đã phạm tội với gia đình kia thì phải nộp tài sản cho gia đình đó để đền tội của mình. Trong rất nhiều trường hợp, tài sản mà các gia đình giao nộp là những cô gái, là con cái, là cháu của họ.

Người chú của Ayesha phạm tội với một gia đình khác và Ayesha nghiễm nhiên bị coi là một tài sản giao nộp cho gia đình kia.

 Sau khi giao nộp cô, người chú phạm tôi hoàn toàn không phải làm gì để đền cho tội ác của mình bởi người cháu gái nhỏ bé của ông ta đã phải trả thay cho ông ta bằng chính thân xác và sức lao động của mình.

Bà Esther Hyneman, thuộc tổ chức Vì Phụ nữ Afghanistan, cho biết về sự đối xử tàn tệ mà những người phụ nữ trong tình cảnh như của Ayesha phải chịu:

"Dù là ai được giao đi chăng nữa thì cô gái đó cũng là đại diện của tội ác cho gia đình bên kia gây ra. Vì thế họ luôn bị đối xử như những nô lệ."

Ayesha bị giao đi từ khi còn rất trẻ vào một gia đình Taliban. Cô không biết đọc, không biết viết và cũng không ai biết tuổi của cô chính xác là bao nhiêu. Nhưng cô đã phải bị coi như là nô lệ ở nhà mới, bị đối xử như xúc vật. Và cuộc đời của cô cũng chả tốt đẹp hơn chút nào ngay cả khi cô kết hôn với người con trai của gia đình mà cô phải sống cùng.

Cô đã tìm cách chạy trốn. Cô đến được thành phố lớn Kandahar nơi cô bị cảnh sát bắt lại, vì ở Afghanistan, nhất là tại các vùng do Taliban kiểm soát, phụ nữ không thể được đi lại tự do một mình ngoài đường. Sau đó cha cô đã đến tận nơi để đón cô về và giao cô lại cho chính gia đình đã hành hạ cô. Cô bị kết tội là đã mang sự xấu hổ về cho gia đình chồng và bị chính người chồng của mình cắt tai và mũi. Họ sau đó đã bỏ cô ở một vùng hẻo lánh mặc những vết thương tuôn chảy máu.

Những gì mà Ayesha đã trải qua đã phần nào cho thấy được câu chuyện về số phận của rất nhiều những người phụ nữ Afghanistan khác ngày nay. Là một đất nước phải qua nội chiến, xung đột triền miên, người phụ nữ Afghanistan đang phải gánh chịu rất nhiều, đó là chưa kể những thủ tục phân biệt đối xử rất nặng nề với phụ nữ dưới thời Taliban vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

Dưới thời Taliban từ năm 1996 đến năm 2001, phụ nữ Afghanistan bị đối xử tàn tệ nhất trong lịch sử nước này. Họ không được đi học, không được rời nhà mà không có đàn ông đi kèm, không được nhận sự chăm sóc y tế từ các bác sĩ nam kể cả trong trường hợp nguy kịch, bị ép buộc lấy chồng, và phải mặc burqa, một loại khăn trùm kín từ đầu tới chân.

Quốc tế giúp phụ nữ Afghanistan

Sau khi chính quyền Taliban bị đánh đổ, những thay đổi về chính trị đã tạo ra những cải thiện nhất định cho địa vị của người phụ nữ Afghanistan. Hiến pháp mới của Afghanistan thừa nhận quyền được đối xử công bằng trước pháp luật giữa nam và nữ. Phụ nữ Afghanistan được đi làm, được đến trường và chính phủ cũng không bắt họ phải mặc burqa. Thậm chí đã có những phụ nữ được chỉ định vào các vị trí quan trọng trong chính phủ.

 alt Cô Bibi Ayesha với một cái mũi giả và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xinh đẹp. Photo courtesy of Grossman Burn Foundation

 Mặc dù vậy, theo Liên Hiệp Quốc hiện có khoảng 90% phụ nữ Afghanistan vẫn phải chịu những bạo lực gia đình dưới hình thức này hay hình thức khác. Tỷ lệ tử vong khi sinh ở các bà mẹ là 1,400 ca trên 100,000 ca. Có gần 90% phụ nữ Afghanistan không biết chữ.

Nhiều tổ chức quốc tế đã vào Afghanistan để tìm cách giúp đỡ những phụ nữ ở đây. Tổ chức Vì Phụ Nữ Afghanistan là một trong những tổ chức phi chính phủ như vậy.

 Tổ chức này bắt đầu lập các trung tâm Hướng dẫn gia đình và mái ấm cho những người phụ nữ Afghanistan từ năm 2007.

Đến nay đã có 5 trung tâm và mái ấm như vậy tại Kabul và các tỉnh khác. Bà Esther Hyneman giải thích về mục đích và hoạt động của các trung tâm này như sau:

"Mái ấm này cung cấp nơi ở cho những người phụ nữ tìm đến chúng tôi qua trung tâm Hướng dẫn Gia đình, và những người phụ nữ không thể trở về nhà an toàn được nữa. Các mái ấm này là một phần quan trọng của trung tâm để bảo vệ quyền của phụ nữ. chúng tôi có nhiều hoạt động tại các nhà mở cho phụ nữ ở đây.

Chúng tôi có lớp dạy chữ, lớp dạy kỹ năng sống, chúng tôi dạy họ về cách nuôi con, về cách cầu nguyện theo đúng đạo Islam vì họ không biết cách cầu nguyện thế nào cho đúng. Chúng tôi cũng có lớp dạy nghề cho họ."

Kể từ khi mở trung tâm và nhà mở đầu tiên ở thủ đô Kabul đến nay, tổ chức này đã giúp đỡ được khoảng hơn 7,000 phụ nữ.

Những người phụ nữ có thể tự tìm đến với trung tâm và mái ấm do biết tiếng của tổ chức này, nhưng cũng có nhiều người được các tổ chức phi chính phủ khác gửi đến, hay thậm chí là do cảnh sát.

Những người phụ nữ này thường không thể ở lại các mái ấm mãi mãi. Trung tâm Hướng dẫn Gia đình sẽ làm việc với gia đình họ để đón nhận những người phụ nữ này trở lại. theo bà Hyneman, có rất nhiều trường hợp những phụ nữ này đã trở về nhà và có cuộc sống tốt đẹp hơn:

" Chúng tôi làm việc cùng gia đình họ để giải quyết vấn đề. Trong nhiều trường  hợp, chúng tôi giải quyết được với gia đình. Trong những trường hợp có bạo lực gia đình và sau khi làm việc với gia đình, người vợ trở về. Chúng tôi có kèm theo giấy tờ đã đệ trình lên Tổng Trưởng lý và đã được người người chồng ký đồng ý rằng anh ta không vi phạm nữa.

“Các mái ấm này là một phần quan trọng của trung tâm để bảo vệ quyền của phụ nữ. chúng tôi có nhiều hoạt động tại các nhà mở cho phụ nữ ở đây.

Chúng tôi theo dõi trường hợp một năm nữa. Đây là cách chúng tôi bảo vệ phụ nữ và các em gái không bị bạo hành."

Bà cũng thừa nhận không phải trường hợp nào cũng thành công. Đối với các trường hợp khó khăn mà người phụ nữ không thể về với gia đình hay họ hàng mình, hay người phụ nữ đến từ các gia đình Taliban như trường hợp của Ayesha, trung tâm tạo điều kiện để cho họ có thể ở lại làm việc với trung tâm.

Khó khăn nữa mà các trung tâm Hướng dẫn gia đình gặp phải đó là sự nguy hiểm rình rập xung quanh các mái ấm. Vì vậy những mái ấm này phải được đặt ở các nơi kín đáo để đảm bảo an toàn cho những người phụ nữ ở đây. Không những thế, một số người bảo thủ trong chính phủ còn muốn đóng cửa các mái ấm này vì cho rằng đây là những nhà thổ.

Nếu Taliban nắm chính quyền...

alt
 Một nữ sinh Amani High School ở Kabul nghe Tổng thống Hamid Karzai phát biểu tại một buổi lễ tại trường cô hôm 28/9/2010. AFP photo

Cuộc chiến mà Mỹ và các nước đồng minh tham gia tại Afghanistan đã kéo dài được 9 năm. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra lịch trình rút quân chính thức khỏi nước này vào tháng 7 năm 2011.

Trong khi đó chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai cũng đã xúc tiến việc đàm phán với Taliban. Điều này làm cho nhiều người lo lắng vì lo ngại cho những người phụ nữ Afghanistan sẽ lại bị đối xử tàn tệ một khi Taliban nắm chính quyền. Bà Hyneman giải thích:

"Nếu Mỹ rút quân và quân Taliban tràn vào thì những tiến bộ đã đạt được tại đây sẽ không những bị phá hủy mà đất nước này sẽ bị chìm lại vào thời kỳ Taliban, chế độ căm ghét phụ nữ."

Hồi tháng 5 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trấn an dư luận khi bà nói "hòa bình và công lý hết sức quan trọng nhưng những điều này không thể đạt được bằng cái giá của những người phụ nữ, và bằng chính cuộc đời của họ."

Bà Hyneman cho rằng những người tin vào việc sẽ có hòa bình với Taliban và phụ nữ sẽ vẫn được bảo vệ với sự tham gia của Taliban đã quên đi những gì đã xảy ra cho những phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban. Và chính vì vậy mà câu chuyện của Bibi Ayesha được đưa lên mặt báo để nhắc lại cho mọi người nhớ Taliban là khủng khiếp thế nào.

Quay lại câu chuyện của Ayesha. Sau khi bị bỏ lại tại nơi heo hút và ngất đi vì đau đớn và mất máu. Cô đã hồi tỉnh và tìm được về làng. Cô được người cha của mình đưa đến một binh trạm của quân Mỹ và được cứu chữa. Sau đó cô được gửi đến mái ấm của tổ chức Vì Phụ Nữ Afghanistan ở Kabul. Cô ở đây 5 tháng cho đến khi được đưa sang Mỹ để chuẩn bị trải qua một lọat các phẫu thuật chỉnh hình do tổ chức Grossman Burn ở California tài trợ.

Tháng 10 năm nay, lần đầu tiên Ayesha xuất hiện trước báo chí với một cái mũi giả và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xinh đẹp.

Cô cũng được nhận giải Trái tim dũng cảm do phu nhân của Thống đốc bang California trao tặng. Hiện Ayesha đang trong giai đoạn trị liệu để chuẩn bị cho một loạt các cuộc phẫu thuật tạo hình tai và mũi sắp tới.