Trung Quốc phô trương sức mạnh hàng không |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | ||||
Thứ Hai, 22 Tháng 11 Năm 2010 14:56 | ||||
Thị phần của Trung Quốc trong thị trường vũ khí toàn cầu sẽ không lớn, nhưng có thể “thống trị” đối tượng khách hàng là những nước nghèo Richard Bitzinger, chuyên gia của trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) 21/11/2010 22:55
TN-Triển lãm hàng không quốc tế tại thành phố Chu Hải, Quảng Đông đã kết thúc vào hôm qua, sau 5 năm ngày mở cửa đón khách tham quan. Sự kiện này thu hút 600 nhà triển lãm đến từ 35 quốc gia, trưng bày khoảng 70 mẫu máy bay khác nhau. Triển lãm đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Trong ngày khai mạc, Tập đoàn phi cơ thương mại Trung Quốc trình làng chiếc C919, máy bay chở khách đầu tiên được chế tạo trong nước với 166 chỗ, đồng thời công bố 100 đơn đặt hàng cho loại này, theo Bloomberg. “C919 là bước đầu tiên của Trung Quốc hướng tới thị trường hàng không thương mại. Tuy nhiên, nước này vẫn phải mất thời gian dài mới có thể bắt kịp các đại gia Airbus và Boeing”, tờGlobal Times dẫn lời một chuyên gia hàng không nhận định. Máy bay không người lái Các nhà phân tích còn quan tâm các loại máy bay quân sự được giới thiệu tại triển lãm lần này. Theo Tân Hoa xã, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã giới thiệu Đội Tiêm kích Ngày 1 Tháng 8, vừa được trang bị nhiều máy bay tác chiến J-10, và phi đội nhảy dù. Đặc biệt, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy 10 loại máy bay không người lái do chính Trung Quốc chế tạo, gồm có WJ-600, Blade, ASN-215 và ASN-209. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal hôm 18.11 đưa tin có hơn 25 mẫu máy bay không người lái (UAV-Unmanned Aerial Vehicle) của Bắc Kinh được trình làng tại Chu Hải. Đây là con số kỷ lục đối với một quốc gia vốn chỉ đưa ra thiết kế UAV cách đây 4 năm và chỉ mới giới thiệu được vài mẫu vào năm 2008. Con số này khiến các quan chức và chuyên gia quốc phòng phương Tây xôn xao, đồng thời chứng tỏ Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh với Mỹ và Israel trong lĩnh vực được xem là tương lai của máy bay quân sự. Vấn đề Trung Quốc chế tạo UAV đã được đề cập trong báo cáo thường niên do Ủy ban Xét duyệt an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (UCESRC) trình lên Thượng viện Mỹ hôm 17.11. Báo cáo có đoạn: “Lực lượng không quân của PLA đã phát triển nhiều loại UAV cho mục đích trinh sát và tác chiến. Ngoài ra, Trung Quốc đang đẩy mạnh chế tạo các loại UAV có sức chịu đựng ở tầm cao và tầm trung, có thể mở rộng tầm trinh sát cũng như phản công”. Tờ Daily Telegraph hôm 19.11 dẫn lời Phó chủ tịch USCESRC Carolyn Bartholomew cho hay: “Từ năm 2000, lực lượng không quân Trung Quốc tăng số lượng máy bay tác chiến thế hệ thứ tư thêm hơn 500%. Các tên lửa của Bắc Kinh có thể hạ 5 trong số 6 căn cứ không quân của Mỹ tại Đông Á”. Sau khi báo cáo trên được công bố, giới chức Nhật Bản lập tức lên tiếng cảnh báo nguy hiểm từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của EU đưa ra năm 1989 đối với Trung Quốc, theo Daily Telegraph. Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục kêu gọi các nước EU dỡ bỏ lệnh cấm vận này và nhận được sự ủng hộ từ Pháp và Bồ Đào Nha… Các chuyên gia quốc phòng và hàng không cho biết nhiều nước đang cố gắng nhưng vẫn chưa sản xuất được UAV. Theo giới quan sát, cũng phải mất nhiều năm nữa, Trung Quốc mới có thể theo kịp Mỹ và Israel trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại triển lãm ở Chu Hải chứng tỏ Bắc Kinh đã “học” rất nhanh các công nghệ hàng không dân sự và quân sự, phần lớn được chuyển giao từ các công ty nước ngoài thông qua liên doanh.
Giới phân tích cho rằng việc trưng bày số lượng lớn UAV lần này còn cho thấy Trung Quốc đang muốn đưa sản phẩm của mình vào thị trường khí tài quân sự quốc tế. Theo AP, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các “đại gia” truyền thống trong lĩnh vực mua bán vũ khí toàn cầu. Nước này liên tiếp chào mời máy bay tác chiến, tên lửa và các thiết bị quân sự tinh vi khác. Cùng với chiếc lược bán rẻ vốn được áp dụng cho các mặt hàng đồ chơi và điện tử, các công ty Trung Quốc giờ đây đang nhắm tới thị trường vũ khí. “Thị phần của Trung Quốc trong thị trường vũ khí toàn cầu sẽ không lớn, nhưng có thể “thống trị” đối tượng khách hàng là những nước nghèo”, AP dẫn lời Richard Bitzinger, chuyên gia của trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore). Tại triển lãm, Trung Quốc đẩy mạnh chào mời không chỉ máy bay mà còn cả dịch vụ đào tạo và hậu mãi. Các bước tiếp cận này là yếu tố cần thiết cho các nhà sản xuất trong nước muốn tìm cách thu hút khách hàng mua những máy bay tác chiến hiện đại như J-10 và F-8T. “Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở khách hàng cho tương lai. Họ hy vọng thu hút được lượng khách ngày càng tăng trong vài thập niên tới”, Rob Hewson, biên tập của trang tin Jane's Air-Launched Weapons nhận xét. Bên lề cuộc triển lãm, Tư lệnh không quân Pakistan, tướng Rao Qamar Suleman cho tờ Global Times hay, nước này sẽ mua tên lửa của Trung Quốc để trang bị cho 250 máy bay tác chiến JF-17 Thunder. Ông nói thêm Islamabad có thể mua 4 tên lửa đất đối không của Bắc Kinh. Còn trang tin Flightglobal.com hôm 17.11 đưa tin lãnh đạo Tập đoàn xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc tiết lộ họ đang thỏa thuận về việc bán máy bay tác chiến cho 8 quốc gia, tuy nhiên không nói rõ là những nước nào. Trước đó, Trung Quốc đã bán khoảng 250 chiến đấu cơ Hongdu K-8 cho Ai Cập, Ghana, Pakistan, Sudan và Venezuela, theo AP. Ngoài ra, Trung Quốc còn bán xe bọc thép chở quân cho Argentina, Sudan và nhiều nước khác. |