Home Tin Tức Thời Sự Căng thẳng mới giữa Vatican và Bắc Kinh

Căng thẳng mới giữa Vatican và Bắc Kinh PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 22 Tháng 11 Năm 2010 09:47

Do vụ Giáo Hội Công Giáo Quốc Doanh phong chức Giám Mục

Hồng y Trần Nhật Quân của Hong Kong lên tiếng nói vụ Trung Quốc tự tấn phong giám mục bất chấp ý kiến của Vatican là "phi pháp" và "đáng xấu hổ". Giáo hội Công giáo Yêu nước ở Trung Quốc được nhà nước bảo trợ đã thách thức Vatican bằng việc làm lễ tấn phong cho tu sĩ Quách Kim Tài tại thành phố Thừa Đức phía đông bắc với sự hiện diện an ninh dày đặc.

Tám giám mục được Vatican chuẩn thuận được cho là đã bị ép buộc phải tham dự nghi lễ này.

Hàng triệu người theo Công giáo ở Trung Quốc bị phân hóa thành phái trung thành với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và các thành viên của giáo hội mà Bắc Kinh công nhận.

Nay, Hồng y Trần Nhật Quân tức Joseph Zen hiện đã nghỉ hưu lên án vụ tấn phong giám mục diễn ra tại tỉnh Hà Bắc.

Truyền thông ở bên ngoài Trung Quốc trích lời Hồng y Trần nói về sự "vi phạm nặng nề" mà Trung Quốc gây ra:

"Lại một lần nữa, điều không bao giờ đáng xảy ra đã lại xảy ra: một lễ tấn phong giám mục diễn ra ở Trung Quốc bất chấp lệnh của Đức Thánh Cha, và các vị giám mục tham gia lễ lên tới tám người,"

"Họ bị bắt cóc đến dự lễ hay như có ai được quyền từ chối không đi dự?"

Tu sĩ Quách Kim Tài được tấn phong giám mục tại một nhà thờ ở thành phố Thừa Đức vào sáng thứ Bảy tuần qua.

Việc phong giám mục bất chấp ý kiến của Vatican là phi pháp và đáng sỉ nhục
Hồng y Trần Nhật Quân
Vụ việc càng trở nên khó khăn cho Tòa Thánh vì nó diễn ra đúng vào lúc 150 Hồng y từ khắp các nước về họp tại Roma để bàn về các chính sách mới mà Đức Giáo Hoàng đưa ra.

Nhân dịp này, có 24 giám mục được trao mũ màu đỏ cho chức Hồng y hôm 20/11.

Các hãng thông tấn đưa tin rằng các vị hồng y cả cũ và mới đã "bàn về tự do tôn giáo trên thế giới đúng vào lúc Bắc Kinh tự ý phong giám mục".

Từ châu Á chỉ có một tân hồng y duy nhất là ngài Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục Colombo, Sri Lanka.

Quan hệ thụt lùi

Giáo hội Công giáo Yêu nước Trung Hoa, được nhà nước bảo trợ, không đưa ra bình luận công khai nào về lễ tấn phong mới nhất ở Thừa Đức.

Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican đã không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1950, khi Bắc Kinh bị trục xuất giáo sĩ nước ngoài.

Thờ Mao Trạch Đông, chính quyền cho lập ra Giáo hội riêng và cấm đoán hoạt động của các tu sĩ theo Vatican.

Sang thời Khai phóng, Bắc Kinh không cấm nhưng không khuyến khích các buổi lễ của những tín đồ và giáo phẩm theo Tòa Thánh.

Hiện chính thức mà nói, Vatican vẫn có quan hệ với Đài Loan, nơi Giáo hội Công giáo thần phục Đức Giáo hoàng.


Tân giám mục Quách Kim Tài chỉ được chính quyền Bắc Kinh công nhận

Từ trước tới nay, Vatican và giáo hội nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc có vẻ như đã thỏa thuận ngầm về việc bổ nhiệm các giám mục mới.

Nhưng vụ mới nhất này làm thay đổi hoàn toàn sự thỏa thuận không chính thức nào đó nếu nó có thực.

Nhiều bình luận nói vụ tấn phong ở Thừa Đức làm quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican bị thụt lùi một bước lớn.

Hiện các nhà bình luận chưa rõ vì sao Bắc Kinh lại tạo ra một bước ngoặt này.

Lần trước có một vụ việc tương tự xảy ra là hồi năm 2006.

Kể từ đó, quan hệ hai bên đã tốt hơn dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Chỉ mới giữa tháng 11 năm nay, một giám mục thần phục Vatican được tấn phong tại tỉnh Sơn Đông trong lễ có chừng 1500 người tham dự.

Lễ tấn phong giám mục Joseph Dương Vĩnh Cường từ Chu Thôn thuộc tỉnh miền Đông Bắc của Trung Quốc được tất cả các giám mục hiệp thông với Tòa Thánh tới dự.

Có khoảng 10 triệu người Công giáo ở Trung Quốc, hầu hết thuộc về Giáo hội Công giáo Yêu nước Trung Hoa.

Tuy nhiên con số những người trung thành với Đức Giáo Hoàng thì chưa thể nào xác định rõ.

Một số nhà quan sát tin rằng quan hệ Vatican-Bắc Kinh cũng có tác động đến cả quan hệ Tòa Thánh với chính quyền nước láng giềng là Việt Nam, hiện cũng chưa có bang giao chính thức với Vatican.



Đức Giáo Hoàng đã tấn phong thêm 24 hồng y tại Vatican