Home Tin Tức Thời Sự NATO muốn phối hợp răn đe hạt nhân và lá chắn chống tên lửa

NATO muốn phối hợp răn đe hạt nhân và lá chắn chống tên lửa PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Thứ Bảy, 20 Tháng 11 Năm 2010 21:22

 Hôm qua, Thượng đỉnh NATO tại Lisboa đã chấp thuận một chiến lược phòng thủ mới gồm trọng điểm là vũ khí hạt nhân phối hợp với hệ thống lá chắn tên lửa

 do Mỹ đề nghị. Hệ thống các dàn phi đạn chống tên lửa này sẽ được Mỹ bố trí tại châu Âu qua 4 giai đoạn: đầu tiên là trên biển rồi trên đất liền trong 10 năm tới.

 Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisboa (Reuters)
Dự án của Nato mang nhiều cao vọng: bảo vệ các thành phố lớn và dân cư trên toàn châu Âu qua một hệ thống lá chắn chống tên lửa do Hoa Kỳ cung cấp phần lớn.

 Vấn đề này đã gây ra tranh luận sôi nổi tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại thủ đô Bồ Đào Nha nhưng cuối cùng 28 thành viên đi đến đồng thuận.

Văn kiện 11 trang thay thế sách lược 1999 khẳng định nội lực của hệ thống phòng thủ vẫn là vũ khí hạt nhân, theo đúng lập trường không khoan nhượng của Anh và Pháp.
Hai cường quốc hạt nhân duy nhất tại Tây Âu cho rằng ngày nào còn tồn tại vũ khí hạt nhân trên thế giới thì chiến lược răn đe phải được duy trì.

Tuy nhiên, điều thay đổi mới là văn kiện này xác định là từ nay lãnh thổ châu Âu và dân chúng sẽ được bảo vệ qua một hệ thống lá chắn chống tên lửa và được xem là “thành tố trung tâm của hệ thống phòng thủ chung”.
Liên Bang Nga sẽ được đề nghi hợp tác. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ giữ vai trò đàn anh trong thế giới tự do bảo vệ các đồng minh thân thiết nhất bằng vũ khí mà thuật ngữ ngoại giao thời đó gọi là “ô dù nguyên tử”.

Ngày nay, Washington đề nghị hệ thống lá chắn “nhập chung” với tất cả thành viên Nato. Đề nghị này thoạt đầu gây chia rẽ tại châu Âu. Một bên là Anh Pháp, muốn tuyệt đối sử dụng chiến lược răn đe hạt nhân.

 Bên kia, một số thành viên Nato, đứng đầu là Đức muốn dẹp hết vũ khí, hoàn toàn phi hạt nhân hóa gọi là “phương án số không”. Cuối cùng thì tất cả 28 thành viên đồng thuận là phối hợp hai biện pháp: hạt nhân và lá chắn.

Bởi vì các chuyên gia quân sự cho biết là trong 10 năm tới đây sẽ có ít nhất khoảng 50 nước trên thế giới chế tạo được tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Nếu các tên lửa này mang đầu đạn nguyên tử thì Nato phải ứng phó ra sao ?

Viễn ảnh một chế độ thuộc loại độc tài “bất hảo” dùng tên lửa có đầu đạn hạt nhân bắt chẹt một cường quốc Tây phương đang làm bộ Tổng tham mưu quân lực của 28 thành viên Nato phải đặc biệt quan tâm.

Do vậy giới lãnh đạo chính trị trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, kể cả Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu phải dung hòa ý kiến. Thổ Nhĩ Kỳ nơi sẽ dặt giàn rada phát hiện tên lửa tấn công cũng từ bỏ thái độ dè dặt sau khi Nato không nêu đích danh Iran, một nước mà Ankara muốn gìn giữ quan hệ tốt.

Về mặt tài chính, trị giá của hệ thống lá chắn mới của Tổng thống Obama được thẩm định vào khoảng 200 triệu euro, ít tốn kém hơn kế hoạch của cựu Tổng thống Bush.

Theo Tổng thống Sarkozy thì công nghệ vũ khí của Pháp sẽ dự phần vào việc cung ứng trang thiết bị và đóng góp vào hệ thống phòng thủ một vệ tinh nhân tạo.

Cuối cùng, không quên vai trò của Nga, Nato cho biết sẽ mời Tổng thống Medvedev tham gia hợp tác. Đề nghị chính thức sẽ được thảo luận trong thượng đỉnh Nato-Nga vào chiều nay.