Tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố tiếp tục đấu tranh vì dân chủ |
Tác Giả: Thanh Hà / RFI |
Thứ Hai, 15 Tháng 11 Năm 2010 06:55 |
Bà vừa được chế độ quân phiệt trả tự do. Trong cuộc phát biểu đầu tiên trước công chúng, nhà đối lập Miến Điện tuyên bố là bà tin tưởng « vào nhân quyền, vào luật pháp» và sẽ tiếp tục dấu tranh vì dân chủ. Hôm nay, 14/11/2010, hàng ngàn người Miến Điện đã tập hợp trước trụ sở của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangun để theo dõi buổi nói chuyện đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, chưa đầy 24 giờ sau khi bà được trả tự do. Trong cuộc phát biểu đầu tiên trước công chúng, nhà đối lập Miến Điện tuyên bố là bà tin tưởng « vào nhân quyền, vào luật pháp» và sẽ tiếp tục dấu tranh vì dân chủ. Để đạt được mục tiêu đó, bà Aung San Suu Kyi « sẵn sàng hợp tác với tất cả các lực lượng dân chủ ». Gương mặt đối lập hàng đầu Miến Điện vừa được trả tự do hôm qua (13/11) sau hơn 7 năm bị quản thúc tại gia. Bà kêu gọi mọi người đoàn kết để cùng đạt đến mục tiêu sau cùng : Đó là đem lại tự do và dân chủ cho đất nước. Về đối ngoại, bà Aung San Suu Kyi cho biết sẵn sàng đối thoại với cộng đồng quốc tế để chấm dứt chính sách cấm vận nhắm vào Miến Điện. Nhìn lại hơn 7 năm bị quản thúc vừa qua, giải Nobel Hòa Bình 1991 cho biết đã được « đối xử tử tế ». Bà không hận thù những người đã giam giữ bà và hy vọng là chính quyền quân sự cũng đối xử tử tế với những người dân Miến Điện. Theo Reuters, suốt đêm qua, lãnh đạo đối lập Miến Điện đã thảo luận với các cộng sự thân cận của bà về tương lai đảng Liên đ-Đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị giải thể. Toàn cảnh chính trị tại Miến Điện đã có nhiều thay đổi trong 7 năm qua. Thành phần đối lập đang bị chia rẽ. Thách thức lớn nhất chờ đợi bà Aung San Suu Kyi, gương mặt đối lập hàng đầu, là phải đưa ra một cương lĩnh hành động phù hợp với nguyện vọng của những người luôn sát cánh với bà trên con đường chính trị. Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok cho biết thêm về những thách thức đang chờ đợi bà Aung San Suu Kyi trong những ngày tới : « Sau bảy năm bị quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, nhưng trên thực tế, bà được hưởng quyền tự do đó tới mức độ nào ? Chắc chắn một điều đó là hào quang của nhà đối lập Miến Điện này vẫn sáng chói. Bà là nhân vật duy nhất có thể vừa huy động được cả người Miến Điện lẫn các thành phần thuộc các sắc tộc thiểu số. 40% dân số Miến Điện thuộc các sắc tộc thiểu số. Tuy nhiên bối cảnh chính trị tại Miến Điện giờ đây phức tạp hơn nhiều so với hồi năm 2002, khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do lần thứ nhì. Khi đó, tướng Khin Nyunt, người có đầu óc thực tế hơn những tướng lãnh cầm quyền khác trong guồng máy Nhà nước đã đem lại một chút hy vọng là chính quyền khép kín của Miến Điện từng bước mở cửa ra bên ngoài. Thế nhưng, kể từ năm 2004, nhân vật này đã bị quản thúc tại gia và bị loại ra ngoài các hoạt động chính trị của Miến Điện. Một thách thức khác nữa, đó là bà Aung San Suu Kyi sẽ phải trực diện với sự chia rẽ trong hàng ngũ đối lập. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà lãnh đạo xưa kia đã bị giải tán vì đảng này tẩy chay cuộc tuyển cử vừa qua. Thêm vào đó còn có sự chia rẽ giữa các thành viên kỳ cựu trong đảng với các thành phần tương đối trẻ đang lên. Số này đã đứng ra lập một đảng mới để tham gia cuộc bầu cử hôm 07/11. Bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đứng ra làm trọng tài giữa hai bên, củng cố lại hàng ngũ đối lập và có thể phải hướng tới việc đưa ra một chiến lược đấu tranh mới ». Cộng đồng quốc tế hoan nghênh việc bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện phóng thích cho khoảng hơn 2000 tù chính trị tại Miến Điện. Theo giới phân tích, việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi là bước đầu để các tướng lãnh Miến Điện đòi phương Tây xét lại chính sách cấm vận đối với chính quyền Naypidaw. Hơn nữa, các lãnh đạo Miến Điện cũng muốn đánh lạc hướng Âu Mỹ về kết quả bầu cử vừa qua, một cuộc tuyển cử bị phương Tây coi là một trò hề dân chủ. |