Home Tin Tức Thời Sự Chuyện nước Pháp

Chuyện nước Pháp PDF Print E-mail
Tác Giả: Từ Nguyên   
Chúa Nhật, 14 Tháng 11 Năm 2010 13:34

 Vô địch... kẹt xe? Paris, vùng phụ cận



 
Theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ, vô địch kẹt xe trên thế giới là Paris và vùng phụ cận! Những vùng khác, mức độ kẹt xe cũng không kém nhưng đã bị... Paris bỏ rất xa. Công ty nghiên cứu tên là Inrix, có chi nhánh tại Ðức, dựa trên căn bản thống kê về thời gian mất đi trong lúc bị kẹt xe.

Dựa trên căn bản đó, Inrix cho biết rằng người lái xe trong Paris và vùng phụ cận mất đi 70 giờ một năm trong xe hơi vì phải chờ đợi, tiếp theo là Lille 50 giờ, Lyon và Limoges 34 giờ, Grenoble 33 giờ, Marseille 27 giờ, Bordeaux và Rouen 26 giờ, Nantes và Poitiers 25 giờ. Như vậy Paris đã qua mặt Luân Ðôn và vùng Ruhr ở Ðức.

Một nghiên cứu khác của IBM dò hỏi 8,000 người lái xe trong 20 thành phố trên thế giới, cho biết rằng Paris có xe kẹt nối đuôi nhau dài và lâu nhất trên thế giới. Chuyện lạ, thế mà người ta vẫn thích lái xe về Paris vì rằng thủ đô có tới 600 cây số xa lộ đưa tới những vùng sầm uất nhất của Âu Châu, theo lời của Manuel Martinez, trách nhiệm phối hợp giao thông trong Nha Công lộ.

Mặt trái của vấn đề: Kẹt xe dài dài từ 150 đến 200 cây số mỗi sáng và mỗi tối. Paris đã nỗ lực cải tiến hệ thống giao thông công cộng. Nhưng trong những vùng ngoại ô, mạng lưới này không được hữu hiệu cho lắm, lời của Michel Dubromel, trách nhiệm trong tổ chức France Nature Environnement. Vì vậy mà những dân ngoại ô phải dùng tới xe hơi. Ðể đáp ứng, phải xây thêm nhiều công lộ, xa lộ, và lại kẹt xe dài dài.

Những ngày giờ khó khăn nhất

Ngày chạy xe khó khăn nhất trong nước Pháp là ngày Thứ Năm (jeudi), buổi sáng kẹt nhất là sáng Thứ Ba (mardi) và thời gian kẹt nhất là từ 8 đến 9 giờ.

Ngày di chuyển dễ chịu nhất trong Paris là Thứ Hai (lundi) và buổi sáng Thứ Sáu (vendredi). Giờ không bị kẹt xe là Thứ Hai (lundi) từ 6 đến 7 giờ. Thế nhưng từ khi tin này được công bố chưa thấy có kiểm chứng để biết có sự thay đổi gì trong thực tế?

Trong 10 vùng kẹt nhất ở Paris, hết 7 vùng nằm ở miền Nam Paris. Những người sống ở miền Nam Paris vì vậy thường vào Paris bằng đường vận tải công cộng.

Phương cách giải quyết

Tại sao Paris bị kẹt?

Nhiều trung tâm hoạt động quy tụ đông đảo dân chúng bao quanh Paris. Hệ thống xa lộ lại được xây dựng như là những cánh sao từ ngoại ô châu đầu về trung tâm Paris. Vì vậy mà xe cộ đi cùng một lúc, về cùng một hướng xuyên qua nhiều vùng ngoại ô. 30% xe hơi đã đi vòng quanh từ Ðông sang Tây hay ngược lại. Nhiều đường đang còn mở thêm, một số đường đang sửa chữa khiến cho việc di chuyển thêm khó khăn.

Làm sao cho bớt kẹt xe ở trung tâm Paris?

Chỉ còn cách là tân trang vận tải công cộng. Nếu những RER sạch sẽ, đẹp đẽ, nhanh chóng, đều đặn và đúng giờ hơn, chắc chắn xe cộ sẽ bớt kẹt. Công quản RATP đang mở rộng đường tram quanh Paris. Vòng đai Paris mở rộng sẽ giảm bớt nạn kẹt xe trong Paris.

Có cần phải lấy tiền vào Paris như Luân Ðôn đã làm?

Ðúng rằng làm vậy sẽ khuyến khích người có xe để xe ở nhà. Thế nhưng có thể là một kỳ thị đối với người ở xa vì rằng lúc này, xe là một phương tiện di chuyển bình thường, không phải chỉ người giàu mới có xe hơi.

Cũng còn vài cách khác như dành hành lang bus cho những xe có người đi đông như trên đất Mỹ. Cũng có thể gia tăng tốc độ có nơi lên 60 hay 70 cs/g cho lưu lượng nhanh chóng hơn. Cuối cùng là những điểm kẹt ở ngoại ô phải được giải tỏa lúc cần thiết.

Làm sao tránh được nạn này?

Không có cách nào hết

Tôi đi qua khu vực đông dân, mỗi tuần một lần từ Fouvrière và Bron. Mỗi lần, kẹt xe kinh khủng.

Tôi phải di chuyển rất chậm từ 30 phút đến 1 giờ 15 phút. Tôi đã thử nhiều cách khác nhau: đi xuyên trung tâm thành phố, có ngày đi đường vòng quanh. Ngày đó đường tàu kẹt, tình hình càng tồi tệ hơn. (Sylvie Marchand, y tá)

Tôi chạy xe máy dầu

Tôi chạy xe moto từ 10 năm nay, đó là giải pháp tôi cho rằng hợp lý nhất. Trên đoạn đường nếu đi xe hơi phải một giờ, tôi chỉ cần 20 phút. Chuyện khó khăn khác tránh khỏi là chỗ đậu xe. Ở Lyon, đậu xe phải trả tiền. Ði xe máy dầu khỏi lo kiếm chỗ đậu và khỏi trả tiền! (P. Moutrade, công chức)

Tôi đi metro hay bus

Tôi đi làm bằng metro hay bus. Xe hơi để cho những ngày cuối tuần. Tôi không đi xe vào Marseille. Quá đông xe, di chuyển hầu như không còn được nữa. (C. Fitzgerald, Marseille)

Không thể tránh giờ đông xe

Với giờ làm việc của tôi, tôi phải đi vào giờ đông xe. Thiệt là khủng khiếp! Tôi không đi vào những trục chính mà theo những đường nhỏ. Nhiều khi cũng không thông mà ngày càng khó khăn hơn! (A.Barbelin, chuyên viên bảo trì)

Dùng GPS để có đường bớt kẹt

Mỗi khi thấy sắp có kẹt đường, tôi dùng máy chỉ đường GPS. Tôi đi qua đường tắt. Khi nào kẹt quá, tôi không đi xe vào Paris: gởi xe tại Porte de Vanves, đi métro vào Paris. Chắc chắn, đúng giờ và tinh thần khỏi phải bị căng thẳng khi kiếm chỗ đậu. (Mylène Pastor, thư ký) (theo Le Parisien)

Cải cách hưu bổng

Sarkozy ban hành luật mới

“Luật cải cách hưu bổng không trái với hiến pháp. Những điều khoản mà đảng Xã Hội tố cáo là vi hiến ngày 2 tháng 11, đã bị viện Bảo Hiến bác bỏ,” đó là nội dung một thông cáo của viện trong tuần này. Tổng thống Pháp có 15 ngày để ban hành luật, nhưng báo chí cho biết Sarkozy sẽ không để mọi người chờ đợi lâu! (Không phải sau ngày họp hội nghị thượng đỉnh G-20 từ Hán Thành trở về như dự định trước đây.)

“Tôi đã ký tối hôm qua, 9 tháng 11 năm 2010, nghị định ban hành luật cải cách hưu bổng, để công bố trên Công báo sáng nay, 10 tháng 11 năm 2010,” Tổng Thống Sarkozy tuyên bố tại Ðiện Elysée. “Luật này nay đã trở thành luật của nền Cộng Hòa Pháp,” ông nói thêm.

Bộ Trưởng Lao Ðộng Eric Woerth, người bảo vệ luật này trước hai viện, lẽ dĩ nhiên hoan nghênh quyết định của Viện Bảo Hiến và việc ban hành luật. Luật mới nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62 và từ 65 lên 67 nếu muốn được hưởng lương hưu toàn phần.

Cuộc chống đối của các nghiệp đoàn không phải vì vậy mà ngưng. “Không phải vì hợp hiến mà luật đó đáp ứng với nguyện vọng của dân chúng, ”một đại diện nghiệp đoàn phát biểu với báo chí.

Các đảng phái hẹn nhau năm 2012: Vấn đề, cho dù đã thành luật, cũng sẽ được đem ra trong cuộc vận động tranh cử sắp tới.

Sarkozy lại bị tố!

“Nicolas Sarkozy nhận tiền mặt của bà giàu nhất nước Pháp để vận động tranh cử,” đó là lời tố cáo của tài xế trước đây của Liliane Bettencourt với hãng tin Mediapart trên mạng lưới. Nếu được chứng thực, chuyện đó là một đại họa cho tổng thống Pháp, người đang có số điểm thấp nhất so với các tổng thống của nền Ðệ Ngũ Cộng Hòa.

Ba thẩm phán đang điều tra về Sarkozy trong vụ gọi là “xì căn đan Bettencourt” theo đó, chính Sarkozy và một số chính trị gia khác đã nhận tiền trong những bao giấy màu xám, trả lại việc giảm thuế cho bà Bettencourt. Tuần này, Dominique Gautier, tài xế của bà Bettencourt từ năm 1994 đến 2004 kể lại lời của một gia nhân của bà Bettencourt là bà Nicole Berger rằng “Nicolas Sarkozy tới xin tiền bà Bettencourt” trước ngày bầu cử năm 2007. Bà Berger làm việc cho bà Bettencourt hơn 30 năm và đã qua đời tháng 9 năm 2008.

“Ðó là lúc đang có cuộc bầu cử,” lời của ông Gautier. “Trong một cuộc điện đàm, Nicole Berger nói với tôi rằng Nicolas Sarkozy tới xin tiền.” Người tài xế cũ cho biết ông ta không dám tới khai với cảnh sát vì sợ gây rắc rối chính trị cho người đang có quyền uy như Nicolas Sarkozy.

Tháng 7, Claire Thibout, kế toán viên trước đây của bà Bettencourt cho biết rằng ít nhất 150,000 Euro đã được chuyển cho UMP, đảng chính trị của Sarkozy, để tài trợ cho các ứng viên của đảng. Luật cho phép nhận tiền giúp nhưng giới hạn trong số 7,500 Euro là tối đa.

Nicolas Sarkozy là người thân tín và láng giềng của bà Bettencourt ở Neuilly sur Seine, một ngoại ô giàu có phía Ðông Bắc Paris. Ông thường hay tới dự những dạ tiệc rồi sau đó, lấy phong bì có tiền mặt, lời của bà Thibout. Bà Thibout sau đó rút lại lời khai, than phiền với luật sư rằng đã bị sách nhiễu quá nhiều.

Pascal Bonnefoy, quản gia trước đây của bà tỷ phú đã cho ghi âm lén 41 giờ đồng hồ những cuộc nói chuyện điện thoại trong nhà, cho biết rằng bà Bettencourt đã cho tiền, đáp lại chuyện bớt thuế.” Ðiện Elysée đã thưa kiện hãng tin Mediapart.

“Air Sarko One”

11 tháng 11 là một ngày lịch sử đối với Sarkozy. Ngày này, Nicolas Sarkozy khánh thành chiếc máy bay riêng, được báo chí đặt tên là Sarko One, trị giá 176 triệu Euro (trong thời buổi chính phủ thắt lưng buộc bụng!) Sarkozy đã bay đi Hán Thành tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20.

Chuyến bay không phải ngừng để đổ xăng vì có thể tự túc 12,000 cây số so với máy bay cũ 7,000 cây số. Máy bay đặt căn cứ tại phi trường quân sự Evreux nhưng có thể đi từ Orly khi cần.

Lẽ dĩ nhiên là máy bay được trang bị phương tiện viễn thông tối tân để vị nguyên thủ quốc gia có thể liên lạc tới đâu bất cứ lúc nào...

Trong máy bay có phòng khách, một phòng riêng với giường đôi dài 2 thước, rộng 2 thước 2, một phòng tập, một phòng tắm vòi sen, một phòng thuốc nhỏ... và bên ngoài, hỏa tiễn chống hỏa tiễn bên hai cánh... theo nhật báo Le Parisien. Tổng thống như vậy có thể tắm, nghỉ ngơi, ngủ hay làm việc, hội họp trong khi chiếc máy bay đang bay.

Ðây là một chiếc Airbus 330 mua của công ty Air Caraibes rồi sửa sang lại. Chi phí bảo trì trong ba năm đầu tốn 43 triệu Euro, kể từ năm 2013 trở đi mỗi năm sau 10 triệu Euro. Mỗi giờ bay như vậy tốn 20,000 Euro thay vì 8,000 Euro so với máy bay trước.

*

Trong cuộc sống

Chuyện nghỉ hộ sản

Trên thế giới, các bà không bình đẳng trước... chuyện sanh đẻ và nghỉ hộ sản. Sự khác biệt về thời gian nghỉ hộ sản ở Anh, Ý, Thụy Ðiển hay Hoa Kỳ khác nhau nhiều lắm. Tại Pháp, các bà có 16 tuần lễ được nghỉ (trong đó 10 tuần sau khi sanh), thời gian do luật Lao động quy định. Ngoài biên giới của nước Pháp, tình hình như thế nào?

Tây Ban Nha hơn Ý

Người Âu Châu được may mắn là nước nào cũng chăm sóc đến các bà mẹ đang làm việc và mang thai và nhất là được nghỉ một thời gian sau khi sanh xong để trông con còn nhỏ. Vì vậy mà Liên Hiệp Âu Châu trù liệu thời gian nghỉ trung bình từ 16 đến 25 tuần lễ (thay đổi tùy theo sanh một hay sanh đôi và số con nhỏ đang trông coi).

Nhiều nước Âu Châu còn rộng rãi hơn đối với những người mẹ này: 28 tuần tại Slovaquie, 26 tuần tại Anh và Ái Nhĩ Lan. Dẫn đầu là tại Bảo Gia Lợi: luật cho phép bà mẹ 54 tuần lễ nghỉ hộ sản.

Ðặc biệt nhất tại Thụy Ðiển: Không phải chỉ có quyền nghỉ hộ sản. Trước khi sanh được nghỉ 8 tuần lễ. Và sau đó là tùy cha hay mẹ lựa chọn. Và tổng cộng là 75 tuần lễ!

53% người Anh không nghỉ

Dĩ nhiên đây là thời gian nghỉ tối đa mà luật cho phép. Không có gì bắt buộc các bà phải nghỉ hết những ngày nghỉ đó bình thường thì không ai dại gì mà không lấy hết. Thế nhưng, thời buổi khó khăn khiến cho các bà nhiều khi phải bớt ngày nghỉ ở nhà để đi làm việc. Trong khi có quyền nghỉ 26 tuần, 51% các bà Ái Nhĩ Lan và 53% người Anh bỏ hết để đi làm!

Bên kia đại dương chuyện còn tệ hại hơn nữa. Tại Hoa Kỳ, không có chuyện nghỉ hộ sản mấy tuần lễ! Không có quyền nghỉ thì phải đi làm thôi?

Âu Châu đồng bộ

Cho tới nay, nghỉ hộ sản tối thiểu tại Âu Châu là 14 tuần lễ, có thể sắp tăng lên 20 tuần lễ. Ðó là đề nghị của Ủy Ban Bảo Vệ Nữ Quyền của Liên Hiệp Âu Châu trong khi Ủy hội Âu Châu chỉ đề nghị 18 tuần.

Ðây không phải là lần đầu tiên các nghị viên Âu Châu bàn đền việc kéo dài thời gian nghỉ hộ sản. Một đề nghị vào tháng 10 năm 2008 đã sửa đổi quy lệ có từ năm 1992 đang áp dụng hiện nay. Vấn đề có được hâm nóng lại không? Tương lai sẽ rõ hơn.

Sức khỏe

Âm nhạc chữa bệnh

Không cần phải là một thần đồng âm nhạc hay hát hay như La Callas mới hưởng được lợi ích của âm nhạc. Chỉ cần nghe, cũng không cần phải cố gắng lắng tai nghe, não bộ và cả thân thể có thể hấp thụ một cách tự nhiên lợi ích này.

“Chúng ta ai cũng có một não bộ âm nhạc muốn rằng ta phụ giúp bằng cách nghe suốt cả cuộc đời,” lời xác nhận của Bác Sĩ Pierre Lemarquis chuyên về thần kinh học, tác giả cuốn Sérénade pour un cerveau musicien, (Editions Odile Jacob). Càng nghiên cứu, người ta càng khám phá ra rằng âm nhạc có khả năng chữa bệnh, có khi rất hiệu nghiệm.

Giảm đau

Mỗi ngày một giờ nghe nhạc trong một tuần lễ cho những người bị tê thấp, thấp khớp, sa ruột... đó là đề nghị khiến mọi người phải ngạc nhiên. Sáng kiến đó của nhóm khoa học gia tại Ðại học Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ sau nhiều năm nghiên cứu. Có hiệu nghiệm cho tất cả mọi người không? Có, và giảm độ đau tới 21% theo nghiên cứu của nhóm khoa học gia này.

Stéphane Guétin, nhà nghiên cứu tại đại học Montpellier, Pháp cũng nói trong chiều hướng đó: Âm nhạc làm dịu cơn đau nhức của những người bị tê thấp. Ðối với bệnh ung thư, âm nhạc cũng làm giảm độ đau và những nỗi lo lắng về bệnh trạng của mình.

Làm sao giải thích hiện tượng này? Nghe nhạc, chuyển sự chú ý qua hướng khác, quên đi sự đau đớn. Não bộ tiết ra chất endorphines làm giảm đau.

Chống mất ngủ

Vẫn tại Ðại học Cleveland, Giáo Sư Marion Good đề nghị với những bệnh nhân mất ngủ chữa trị bằng âm nhạc trong ba tuần lễ liền, nghe tới 45 phút nhạc êm dịu trước khi ngủ. Lúc ngủ vẫn có máy theo dõi giấc ngủ. Kết quả cho biết: trung bình, ngủ say hơn 35%, và ngủ nhiều, thức giấc muộn hơn.

Giúp những người bị tai biến

Âm nhạc giúp cho những người đã bị tai biến mạch máu não phục hồi sức khỏe. Một nghiên cứu của người Phần Lan đang trên Tạp chí Brain cho biết. Một số bệnh nhân vừa trai qua tai biến mạch máu não được mời nghe nhạc mà họ thích hai giờ một ngày. Sau ba tháng, khả năng phát biểu tăng 60% rồi trở lại bình thường so với 29% nếu không có âm nhạc.

BS Teppo Sarkamo, người thực hiện cuộc thí nghiệm lưu ý rằng nếu làm sớm thì ích lợi hơn lúc mà các mạch máu đang thích ứng với những hủy hoại do tai biến gây nên.

Giảm trầm cảm

Nhờ ca sĩ Farinelli, tên thật là Carlo Broschi người Ý (1705-1782) mà Vua Philippe V, nước Tây Ban Nha khỏi bệnh trầm cảm. Một công hiệu như Prozac, thuốc an thần mọi người đang dùng, theo lời xác nhận của các nhà chuyên môn về thần kinh, não bộ.

“Người ta thấy rõ trên máy IRM. Khi nghe một bản nhạc hay, có dấu hiệu thay đổi trong não bộ. Những chất này tăng lên: sérotonine, endorphine, dopamine... những hormone của khoái cảm. Người ta tìm thấy endorphine trong nước miếng của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. (Theo Femme Actuelle)