Home Tin Tức Thời Sự Văn thư của tòa Giám Mục Kontum gửi gia đình giáo phận Kontum

Văn thư của tòa Giám Mục Kontum gửi gia đình giáo phận Kontum PDF Print E-mail
Tác Giả: VietCatholic News   
Chúa Nhật, 14 Tháng 11 Năm 2010 12:16

Nhưng tôi vẫn tự hỏi: tôi và anh em linh mục, tu sĩ chúng tôi vẫn sống tốt và có làm gì sai trái đâu mà bị “thiên hạ” xua đuổi hay chặn cản như hôm 07.11 vậy?


 













Kontum ngày 11 tháng 11 năm 2010

VỤ VIỆC NGÀY 07.11.2010

Kính gửi

Quý Cha cùng toàn thể gia đình Giáo Phận Kontum.

Anh chị em thân mến,

Mấy ngày nay tôi liên tục nhận được điện thoại, điện thư, tin nhắn từ nhiều nơi, từ một vài Tòa Đại Sứ và cả từ Thánh Bộ ở Rôma. Tất cả đều hiệp thông về chuyến đi dâng lễ tại Kon Chro và K’Bang hôm Chúa nhật 07.11.2010 vừa qua. Tôi xin chân thành cám ơn mọi người đã quan tâm và cầu nguyện. Tôi tưởng chuyện hôm đó cũng sẽ âm thầm trôi qua như đã từng xảy ra tại các nơi như Thanh Hà, Hoàng Yên (h.Chư Prông), Ia Nan (h.Đức cơ), Ia Tô, Ia Sao (h.Ia Grai) hay ở Tơtung (h.K’bang) và nhiều nơi khác nữa! Nhưng trưa ngày thứ ba - nghĩa là 48 tiếng đồng hồ sau vụ việc - tôi nghe nói trên mạng đã đề cập tới chuyện này! Tôi không biết tác giả là ai? Tôi không chủ trương đưa lên mạng. Nhưng chuyện đã ra công khai. Có anh chị em muốn tôi làm sáng tỏ. Tôi thiết nghĩ anh chị em trong gia đình giáo phận có quyền được biết rõ đầu đuôi câu chuyện để khỏi hoang mang và diễn dịch không lợi cho ai., để tất cả dồn tâm sức cho việc xây dựng Đất Nước thân yêu. Cầu xin Thiên Chúa xoay chuyển mọi sự nên tốt đẹp đôi bề.

Câu chuyện đơn giản lắm!

Như anh chị em đã biết: Năm 1967, Tòa Thánh cắt tỉnh Buôn Ma Thuột (tức Daklak ngày nay) làm thành một phần của Giáo phận mới, Giáo phận Buôn Ma Thuột. Giáo Phận Kontum còn lại 3 tỉnh Kontum, Pleiku và Phú Bổn. Sau 1975, hai tỉnh Pleiku và Phú Bổn sát nhập thành tỉnh Gialai, trừ quận Thuần Mẫn của tỉnh Phú Bổn lại thuộc huyện Ea Hleo, tỉnh Đăklak. Giáo Phận Kontum vẫn còn là giáo phận rộng lớn với nhiều núi nhiều rừng. Nhicu vùng sâu vùng xa đã trở thành các căn cứ địa của chính quyền cộng sản trước 1975. Các căn cứ địa này – như Kon Chro, như K’Bang, như Ia Grai, như Chư Prông … - rất tự hào về quá khứ nhưng lại đóng kín với vấn đề tôn giáo, cách riêng với Kitô giáo. Hiểu biết của các cán bộ về tôn giáo thật hạn hẹp, nhiều người còn nghịch chống, nên các vùng cứ địa này được kể là những “vùng đặc biệt”, những vùng anh hùng, những “vùng trắng”, những vùng đã “sạch bóng mê tín dị đoan”, những vùng bất khả xâm phạm! “Người lạ” bước vào các vùng này thật khó! Về tôn giáo, tại các vùng này, đều có hiện tượng giống nhau: hiện tượng “3 không”: Không nhà thờ, không linh mục, không phụng tự hay sinh hoạt tôn giáo! Có xin phép cũng không cho. Tại những vùng này vẫn có đông đảo anh chị em giáo dân cũng như có rất nhiều người muốn được nghe Tin Mừng, muốn được bước vào ngôi nhà Hội Thánh công giáo. Biết rõ thế, nên ngày 11.09.2010 tôi đã gửi cho Ông Chủ Tịch Tỉnh Gialai chương trình dâng lễ - bản sao gửi đủ ban ngành từ tỉnh xuống xã cũng như các gia đình tại 3 họ đạo này (*). Trong văn thư, tôi cũng đề nghị Ông Chủ Tịch Tỉnh hoặc cơ quan thừa hành cứu xét nếu không chấp thuận thì cũng cho tôi xin một văn bản từ chối. Sau 57 ngày (từ 11.09 đến 07.11.2010), tôi không nhận được bất cứ văn bản hay lời chối từ nào, nên sáng 07.11.2010 tôi đã lên đường tới Yang Trung, An Trung và Sơn Lang.

* 06g30: Tôi tới dâng lễ tại nhà Ôb.Trần Đình Hinh, thôn 9 xã Yang Trung, huyện Kon Chro. Sau lễ, trên đường đi An Trung, tôi nhận được tin báo anh em công an xã thôn đã đến nhắc nhở gia đình bà Hinh - Ông Hinh hôm đó lại không có ở nhà! - và cảnh cáo lần sau không được cho tổ chức lễ trong nhà.

* 09g00: Tới An Trung, huyện Kon Chro – cách Yang Trung 10km - tôi dâng lễ tại nhà ông Bộ và bà Hệ chứ không dâng lễ tại nhà đã đề nghị trước, vì chủ nhà đi vắng xa chưa về! Vừa bước vào nhà thì Ông chủ tịch xã và một vị cán bộ cũng vào theo. Chúng tôi trao đổi ít phút về chương trình lễ như giấy đã báo. Lễ xong, các ông trở lại với 4,5 vị cán bộ thuộc nhiều ban ngành và đề nghị lập biên bản. Được giải thích, thay cho biên bản, các ông viết “Bản ghi nhận sự việc” để có tài liệu báo cáo cấp trên. Tôi đã ký. Rất nhẹ nhàng!

* 14g00: Tới Sơn Lang, huyện K’Bang, cách An Trung khoảng 135km. Cách thị tứ Sơn Lang khoảng 20km, gặp đoạn đường còn đang thi công với mưa dầm dề suốt mấy ngày qua, nên chúng tôi phải bỏ ôtô và dùng 8 Honda chở 16 người gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân và tôi. Gần tới thị tứ này, thì gặp một số anh chị em du kích (?) chặn lại. Sau khi hỏi giấy tờ tùy thân và biết mục đích đến dâng lễ tại nhà Ông bà Tuyền, vị cán bộ yêu cầu chúng tôi dừng lại chờ ý kiến chính quyền xã! 10 phút, 20 phút, 30 phút. Lúc nào cũng được trả lời sắp tới. Có một số đồng bào dân tộc cũng có mặt và có một người anh em dân tộc vui vẻ nói lớn “Đây là căn cứ cách mạng không cần cúng kiếng gì! Ở đây chỉ cần thịt gà, thịt bò, với rượu cần với cồng chiêng là tốt rồi!” Mọi người đều cười vui vẻ. Có người quay camera, chụp ảnh liên tục. Phía chúng tôi không được chụp.

*16g20: Đợi lâu không thấy vị cán bộ nào tới giải quyết. Trời đã sầm tối. Mưa nhẹ hạt hơn. Gió lạnh. Có vị cán bộ cho biết hôm nay ngày Chúa nhật, các cán bộ xã nghỉ làm việc, ông chủ tịch xã thì lại ở xa Ủy ban cả mấy chục cây số, không liên lạc được và yêu cầu chúng tôi về. Nghe vậy, chúng tôi chào mọi người có mặt và quay về tới Pleiku lúc 22g18 cùng ngày. Được biết Anh Tuyền – người cho tôi mượn nhà làm nơi dâng lễ - đã được giữ cả ngày trên Ủy ban, còn “các đầu mục khác” tôi không liên lạc được! Cuối cùng mọi người về trong an bình! Có thế thôi!

Nhưng được biết ngày 08.11.2010 - Bà Hinh (Ông Hinh đi xa chưa về) được mời lên Ủy ban làm việc lúc 14g00; còn Ông Bộ được mời làm việc lúc 14g30. Cả hai đều được yêu cầu nhận tội. Tội của hai gia đình cũng như tội của Giám Mục. Tội đã qui tụ người và tổ chức dâng lễ bất hợp pháp! Cả hai cũng được yêu cầu không tái phạm, không được mời linh mục hay giám mục về dâng lễ nữa! Cả hai đều trả lời: Không có gì sai trái hay phạm pháp, (1) vì Hiến Pháp và Pháp Luật đã xác nhận quyền tự do tôn giáo và quyền của giám mục trong mỗi giáo phận; (2) vì đã có văn thư báo chính quyền các cấp; các cấp không có văn bản từ chối; (3) vì không có nền văn hóa nào lại đi cấm con cái không được mở cửa đón cha của mình (Đức Giám Mục Giáo Phận) và anh chị em mình (giáo dân) về thăm nhà, vào nhà mình? Nghe nói, cuối cùng, người thì chỉ viết bản tường trình, người thì ký biên bản nhưng có ghi thêm “Tôi không đồng ý nội dung biên bản này”.

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện chỉ có thế! Câu chuyện đã từng xảy ra và sẽ còn có thể xảy ra, nếu chính quyền hôm nay vẫn còn quan niệm tự do tôn giáo như một ân huệ trao ban thay vì đó là một trong những quyền căn bản nhất của con người. Điều quan trọng là biến cố này nói gì với anh chị em cũng như với tôi? Tôi xin có vài suy nghĩ sau đây.

Thành thật mà nói: ai nấy đều cảm phục đức tin và lòng đạo của nhiều anh chị em vùng sâu vùng xa như ở Kon Chro và K’Bang. Sinh ra, lớn lên tại những vùng được mệnh danh là “3 không” – không nhà thờ, không linh mục, không phụng vụ hay sinh hoạt tôn giáo suốt 20,30,40,50 năm – thế mà anh chị em vẫn kiên trì sống đạo vượt qua mọi gian nan thử thách. Một phép lạ! Thật có Chúa ở với anh chị em!

Nhưng tôi vẫn tự hỏi: tôi và anh em linh mục, tu sĩ chúng tôi vẫn sống tốt và có làm gì sai trái đâu mà bị “thiên hạ” xua đuổi hay chặn cản như hôm 07.11 vậy? Phải chăng tại tôi cũng như anh chị em tôi đã không hăng say thi hành lệnh Chúa truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15)? Nếu chính anh chị em ở Yang Trung, An Trung hay Sơn Lang chưa biết Danh Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài, thì hôm 07.11, anh chị em có đứng trong hàng ngũ những ngăn cản không? Và nếu tôi là người xuất thân từ một gia đình tại Kon Chro hay Sơn Lang K’Bang, có cán bộ nào ở đó ra chặn không cho tôi vào nhà không? Rốt cùng chúng ta, đặc biệt là tôi, giám mục của anh chị em, phải khiêm tốn nhận lỗi chưa triệt để thi hành lệnh Chúa truyền và xin Chúa ban cho khả năng biết cảm nhận sâu sắc cái khốn nạn của người kitô hữu nếu không loan báo Tin Mừng! (x.1Cr 9,16). Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta có quyết tâm cao biết vun trồng ơn gọi, đặc biệt biết khai triển Gia đình ơn gọi và Gia đình Phanxicô Xaviê trong mỗi xứ họ để có nhiều ơn gọi phục vụ Giáo hội và Xã hội, để giúp cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em của nhau. Nhưng bức tường ngăn cách giữa giáo hội và các cấp chính quyền ở nhiều nơi, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vẫn còn đó. Làm sao đây?

Anh chị em rất thân mến,

Anh chị em có biết tôi ngại ngùng đến thế nào khi viết những dòng này? Chẳng lẽ chúng ta cứ phải bận tâm tới những chuyện “nhỏ” như sự việc 07.11 vừa qua trong một Đất Nước đã và đang phải lo giải quyết bao vấn đề to lớn như vấn đề biên giới lãnh thổ, vấn đề bauxite Tây Nguyên, vấn đề tham nhũng, vấn đề y tế, vấn đề giáo dục, vấn đề giàu nghèo ngày càng xa cách! Làm sao để tất cả những chuyện nhỏ bé và cục bộ kia được giải quyết nhẹ nhàng mau lẹ để người người dồn hết công sức cho việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mọi mặt tinh thần cũng như thể chất?

Anh chị em thân mến,

Chúa là chủ lịch sử. Chúa viết chữ thẳng trên đường cong! Chúa sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng, ra đi xây dựng một xã hội của chân lý, của công bằng, của tình thương, của an bình. Chúa hằng luôn dạy dỗ và tôi luyện lòng tin của chúng ta. Chương trình của Chúa, mai ngày chúng ta sẽ đọc ra. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ và tôn vinh Chúa bằng cách tiếp tục hăng say loan báo Tin Mừng yêu thương đến cho mọi người, cho cả các anh chị em cán bộ vô thần duy vật hôm nay, bằng chính cuộc sống hài hòa thống nhất của người môn đệ Chúa Giêsu, một cuộc sống thống nhất nhuần nhuyễn giữa hai giới răn mến-Chúa-yêu-người, là yêu quê hương yêu Giáo hội. Miễn sao Danh Đức Kitô được tôn vinh; miễn sao quê hương và dân tộc được tôn trọng và phát triển!

Riêng anh chị em Sơn Lang thân mến, hôm 07.11, anh chị em đã tham dự “một thánh lễ đặc biệt”. Không chỉ nửa tiếng, một tiếng, mà cả ngày “trong chờ đợi, hồi hộp, lo sợ với cả nước mắt và buồn phiền”. Chúa biết lòng anh chị em. Tất cả những thứ đó chính là của lễ “dễ thương” dâng lên Chúa và cầu cho quê hương đất nước. Khi tình hình êm dịu lại, tôi sẽ đến thăm anh chị em ngày gần nhất và thăm chính quyền địa phương.

Tôi cũng xin anh chị em vui lòng chuyển tới quí vị cán bộ các cấp tại địa phương những tâm tình quý mến của tôi. Một cách nào đó, tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với anh chị em cán bộ trong vụ việc vừa qua. Tôi vẫn nhìn anh chị em như những “sứ giả” Chúa gửi đến để tôi luyện tôi và tiếp tay giúp chúng tôi thi hành lệnh ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu trong những người đi với tôi hôm đó có nói lời gì làm anh chị em phải bực bội, buồn phiền, tôi thành thật xin lỗi anh chị em. Tất cả cũng một tha thiết mong cho nhau được sống hạnh phúc.

Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.

Hiệp thông,

Giám Mục Giáo Phận Kontum.
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh