Cách nào để có tự do hàng hải tại Biển Đông? |
Tác Giả: BBC |
Thứ Bảy, 13 Tháng 11 Năm 2010 14:17 |
Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần 2 tổ chức tại tp Hồ chí Minh vừa kết thúc sau hai ngày hội họp. Phát biểu của giới học giả hầu như nhắm đến giải pháp đối thoại, sớm thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển, dùng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp, bất đồng. Tin nói rằng tàu sân bay USS George Washington buộc phải rút khỏi tập trận tại Hoàng Hải hồi tháng 10 để 'hài lòng' TQ. Tuy nhiên một giáo sư người Úc muốn hải quân các nước Tây phương mạnh tay hơn với Trung Quốc, và chuẩn bị cho ngày “dạy hải quân Trung Quốc một bài học.” Viết bài đăng trên nhật báo The Australian, tờ báo có uy tín ở nước Úc, ông Paul Dibb, giáo sư danh dự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc dự đoán “sẽ chẳng bao lâu đến ngày liên minh hải quân Tây phương hoạt động ở Á châu Thái Bình dương liên kết với nhau để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc. Liên minh này, theo ông Paul Dibb gồm tàu chiến của các nước Mỹ, Nhật, và Úc. “Điều này không chỉ thực hiện qua chiến lược ngăn chặn và kiềm tỏa Trung Quốc,” vị giáo sư có uy tín, từng là thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc viết. “Liên minh hải quân Tây phương cần có biện pháp để bắt Trung Quốc tôn trọng luật hàng hải quốc tế. “Không loại trừ khả năng dạy cho hải quân Trung Quốc một bài học trên biển. “Phải có biện pháp với thái độ khiêu khích trắng trợn tự do hàng hải, không tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc,” nhà khoa bảng người Úc viết Ra tay sớm Lý do cần có hành động mạnh và sớm với Trung Quốc, theo giáo sư Paul Dibb là gần đây Trung Quốc đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy họ đang trên đường trở thành một cường quốc quân sự quyết đoán. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới năm 2008, Trung Quốc mỗi ngày một mạnh hơn về kinh tế, nay nước này đang thách đố Mỹ trong ngôi vị cường quốc kinh tế hàng đầu. Và Trung Quốc bắt đầu “tung các cú đấm chủ lực” trên trường quốc tế. Lối đối xử “nước lớn” như thế bắt đầu xuất hiện ở Hội nghị Thay đổi Khí hậu Quốc tế ở Copenhagen. Và lập trường “ngoan cố” của Trung Quốc không điều chỉnh tỷ giá hối đoái vốn được “giữ thấp một cách nhân tạo” giữa đồng nhân dân tệ và đôla Mỹ. Trên lĩnh vực quân sự, thái độ cứng rắn, bất chấp hợp tác của Trung Quốc mới là điều đáng lo, giáo sư người Úc viết. Đó là Trung Quốc bắt đầu diễu võ dương oai nhiều hơn, liên quan đến các vụ đụng độ trên biển gần đây. Trung Quốc cũng đưa ra các đòi hỏi về lãnh thổ ngày càng “táo tợn”. Bằng chứng rõ nhất về chuyện này là tuyên bố của Bắc Kinh nói rằng toàn bộ Biển Đông (hay biển Nam Trung Hoa – theo cách nói của quốc tế) thuộc về lợi ích sát sườn của Trung Quốc. “Tức là Trung Quốc xếp Biển Đông vào nhóm lãnh thổ tương tự như Tây Tạng và Đài Loan, coi chúng là vùng thuộc chủ quyền quốc gia,” giáo sư Paul Dibb giải thích. Tháng 10 Trung Quốc và Mỹ có vụ bất đồng nho nhỏ liên quan đến vụ chiến hạm của Mỹ đến biển Hoàng Hải, ngoài khơi Nam Hàn. Lẽ ra tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử USS George Washington đã đến Hoàng Hải tham dự tập trận chung với hải quân Nam Hàn khi ấy. Trung Quốc phản đối, Hoa Kỳ rút tàu, có lẽ Mỹ muốn nhắm đến lợi ích lớn hơn tại hội nghị G20 họp tại Seoul sau này, giáo sư Dibb nhận định. Diễn tiến này cho thấy Mỹ, một cường quốc hải quân, đã phải “xuống nước” với Trung Quốc. Và dư luận đặt câu hỏi, liệu sẽ có thêm những vụ tương tự trong tương lai? Giáo sư Dibb coi vụ này là bằng chứng Trung Quốc thách thức quyền tự do hàng hải của Mỹ tại Hoàng Hải. Không những thế Trung Quốc còn không muốn các nước khác có quyền tự do thương thuyền tại Biển Đông, khi Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của họ dài tới 370 km tại vùng này. Và một số nơi khác. Tháng Bảy vừa qua, tại Hội nghị Asean họp ở Hà Nội, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu: “Trung Quốc là nước lớn, nước khác là nước nhỏ, đây là thực tế nên chấp nhận.” Giáo sư người Úc kết luận, Trung Quốc đang có thái độ mở rộng biên độ của cái gọi là “hành vi đối xử chấp nhận được” (acceptable behaviour). Cách xử lý tốt nhất đối với các hoạt động “không chấp nhận được” của Trung Quốc thời gian gần đây, theo Paul Dibb, là “ngăn chặn ngay từ bây giờ”, đừng đợi chờ về sau, khi ấy Trung Quốc mạnh hơn sẽ khó kiềm chế hơn.
|