Cam Ranh, ai cũng muốn giành! |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 13 Tháng 11 Năm 2010 13:27 |
Sau gần 10 năm đã có nhiều lời bàn luận dự đoán, trong vòng một tháng gần đây chính quyền Việt Nam đã dần dần nói rõ quyết định về vấn đề vịnh Cam Ranh, một vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Biển Ðông, nơi quân đội Hoa Kỳ mở mang sử dụng gần 8 năm thời kỳ chiến tranh Việt Nam và sau đó được Nga thuê đặt căn cứ hải quân trong hơn 20 năm.
Phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga của bộ này bác bỏ các tin đồn lâu ngày về việc Việt Nam có thể cho Hoa Kỳ hay Nga thuê đặt căn cứ Hải Không Quân, nói rằng: “Chủ trương không hợp tác quân sự với nước ngoài ở Cam Ranh đã được khẳng định nhiều lần.” Tới cuối tháng 10, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên bế mạc hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kỳ thứ 17 tại Hà Nội tuyên bố Việt Nam trực tiếp trách nhiệm việc phát triển cảng Cam Ranh thành một căn cứ bảo trì sửa chữa chiến hạm, kể cả tàu ngầm, và mở cửa cung cấp dịch vụ cho tất cả hải quân mọi nước ngoài. Sau đó Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam giải thích rõ hơn về dự án này, cho biết chuyên viên quân sự Nga sẽ đảm nhận việc sửa chữa và “nâng cấp” cảng Cam Ranh, xây dựng tại đây các cơ sở kỹ thuật hậu cần hải quân. Theo dự trù Việt Nam sẽ thuê các chuyên gia Nga và mua công nghệ của Nga, và dự án này phải mất ba năm mới hoàn tất. Tướng Thanh nói thêm là các cơ sở này sẽ nằm riêng khỏi căn cứ hải quân hiện nay của Việt Nam và bác bỏ lo ngại về chuyện làm lộ bí mật quốc phòng khi tàu chiến của nước ngoài bỏ neo trong cảng Cam Ranh. Ông khẳng định lại là Việt Nam “chỉ cho thuê dịch vụ” ở Cam Ranh, hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng này. Theo lập luận của Tướng Thanh: “Hải Quân Việt Nam đang trên đường hiện đại hóa nên cần có một cơ sở làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật để sửa chữa bảo trì chiến hạm. Tuy nhiên, nếu chỉ phục vụ trong nước sẽ thừa công suất, gây lãng phí lớn. Vì thế, cảng dịch vụ ở Cam Ranh cần khai thác thêm khách hàng nước ngoài, làm dịch vụ cho cả tàu quân sự lẫn tàu dân sự của các nước.” Ông cho biết cảng dịch vụ này là khu vực dành riêng cho dịch vụ kỹ thuật chứ không phải khu vực của tàu Hải Quân Việt Nam. Hiện nay chưa rõ chiến hạm các nước nào sẽ có thể vào Cam Ranh để dùng dịch vụ này nhưng các tin tức từ giới truyền thông nói những quốc gia có quan tâm là Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Úc, Nam Hàn và Nhật Bản. Lịch sử phát triển Cam Ranh Cam Ranh là một trong những vịnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới và là cảng nước sâu tốt nhất trong vùng Ðông Nam Á vì thềm lục địa tại khu vực này tương đối hẹp. Một quân cảng thành lập ở đây có vị trí thuận lợi với vai trò khống chế được toàn khu vực Biển Ðông. Khoảng cách từ Cam Ranh đến đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trung bình chỉ từ 300 đến 500 hải lý. Quân cảng Cam Ranh thời chiến tranh Việt Nam. (Hình: The-diplomat.com) Nhưng qua lịch sử nhiều thế kỷ của Chiêm Thành cũng như Việt Nam, vịnh Cam Ranh chưa chiếm vai trò gì quan trọng, tới đầu thế kỷ 20 người ta mới bắt đầu nói đến Cam Ranh. Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905, sau khi hạm đội Viễn Ðông bị Nhật Bản đánh tan, Nga cho đưa một hạm đội lớn gồm hơn 30 chiến hạm từ biển Baltic qua tăng viện. Người Anh không cho dùng kinh Suez nên hạm đội Nga phải dùng đường vòng quanh Phi Châu qua Hảo Vọng Giác, hải trình đến Viễn Ðông dài tới 18,000 dặm. Hạm đội ghé vào vịnh Cam Ranh để các tàu được tiếp tế thêm nhiên liệu than, nhưng người Pháp lúc đó đang giữ thuộc địa Ðông Dương, và không mấy thân thiện với Nga hoàng cũng như tránh rắc rối với Nhật nên chỉ cho hạm đội lưu lại trong ít giờ. Các chiến hạm Nga dưới quyền Ðô Ðốc Zinovy Rozhestvensky chưa tập trung đầy đủ, lại phải trải qua một hải trình quá dài, khi đi tới eo biển Ðối Mã (Tsushima) giữa Nhật Bản và Triều Tiên bị Hải Quân Nhật Hoàng đánh tan. Hạm đội Nga mất trên 20 tàu chiến trong đó gần toàn bộ các chiến hạm chủ lực, 4,300 thủy binh tử trận và 6,000 bị bắt làm tù binh, một số ít tàu chạy thoát ghé lại vịnh Cam Ranh một lần nữa trên đường về nước. Pháp không có nhiều lực lượng quân sự ở Viễn Ðông nên Cam Ranh chỉ được dùng làm một vịnh neo tàu tránh bão chứ không được xây dựng thành căn cứ hải quân đáng kể. Ðầu Thế Chiến II khi Nhật chiếm Ðông Dương, Cam Ranh được Hải Quân Nhật dùng làm nơi tập trung xuất phát cho chiến dịch tiến đánh Mã Lai và Singapore, đồng thời có thiết lập tại đây một số cơ sở tiếp liệu. Những cơ sở này bị Hải và Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc phá hủy hoàn toàn trước khi chiến tranh chấm dứt và Cam Ranh bị bỏ hoang... Ðến thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh mới được phát triển xây dựng thành một căn cứ Hải Quân và Không Quân quan trọng. Năm 1964 các chuyên viên quốc phòng Hoa Kỳ đã đến nghiên cứu vịnh Cam Ranh và sau đó nơi đây mau chóng trở nên một phức hợp quân sự quan trọng của Không Quân, Hải Quân và các cơ sở tiếp liệu cho quân lực Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ 1965 đến 1973. Ngoài phi trường nhỏ gần Ba Ngòi, trên bán đảo có một phi trường lớn với hai phi đạo 10,000 feet dùng cho máy bay vận tải lớn chở hàng hóa, quân đội từ Hoa Kỳ tới hay đi, cũng như các máy bay chiến đấu.và máy bay tuần thám duyên hải của Hải Quân. Cảng Cam Ranh là nơi tập trung hàng tiếp vận, sửa chữa chiến hạm và đảm nhận nhiều nhiệm vụ hậu cần khác, Tổng Thống Lyndon B. Johnson hai lần đến thăm binh sĩ Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam chỉ đáp xuống căn cứ Cam Ranh. Trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, từ năm 1972 Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ rút đi dần, nhiều phương tiện được tháo gỡ hay chuyển giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Phi trường Cam Ranh là căn cứ xuất phát cũng như dự trữ các máy bay chiến đấu F-5, A-1E, A-37 và cảng Cam Ranh là một căn cứ của Hải Quân vùng 2 Duyên hải cho tới ngày 3 tháng 4 năm 1975 thì mất vào tay quân đội Bắc Việt. Bốn năm sau khi Sài Gòn thất thủ, Cam Ranh trở nên một căn cứ Hải Quân quan trọng của Liên Xô trong giai đoạn cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Năm 1979 Moscow và Hà Nội ký thỏa thuận cho Liên Xô sử dụng Cam Ranh 25 năm. Tới 1987 căn cứ này đã được phát triển lớn gấp 4 lần lúc ban đầu. Ðây là căn cứ Hải Quân duy nhất của Liên Xô trong vùng Ðông Nam Á và được coi như một bảo đảm an ninh cho Việt Nam trước nguy cơ xâm lăng từ Trung Quốc lúc đó. Tuy nhiên Liên Xô cũng như Việt Nam luôn luôn phủ nhận giá trị của Cam Ranh, giữ kín thực lực Hải Quân và Không Quân đồn trú tại căn cứ. Sau khi Liên Xô sụp đổ đầu thập kỷ 1990, những khó khăn chính trị kinh tế khiến nước Nga mới không có chủ trương duy trì sức mạnh quân sự ở hải ngoại và các phương tiện của hải quân tại căn cứ Cam Ranh được rút bỏ dần. Hoạt động gần như duy nhất còn lại nơi đây là trạm kiểm báo, theo dõi vô tuyến hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Ðông. Tuy vậy Nga vãn muốn giữ lại căn cứ Cam Ranh nhưng không thỏa thuận được với Việt Nam về việc giảm số tiền thuê mướn $200 triệu mỗi năm. Cuối cùng tới năm 2002, hai năm trước khi mãn hợp đồng, lá cờ Nga hạ xuống lần chót tại Cam Ranh ngày 2 tháng 5 năm 2002. Ðầu thế kỷ 21, khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái lập quan hệ bình thường, có những gợi ý từ cả hai phía là Hoa Kỳ có thể trở lại sử dụng căn cứ Cam Ranh. Nhưng thực tế là căn cứ này đã xuống cấp nặng nề sau thời kỳ Liên Xô và Nga sử dụng, thêm nữa tình thế phức tạp tế nhị trong tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề Biển Ðông khiến cho mọi dự định đều phải cân nhắc tính toán rất thận trọng. Vị trí chiến lược Cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn chỉ tìm cách nhấn mạnh đến tiềm năng của Cam Ranh về mặt phát triển hòa bình và chưa bao giờ muốn công khai đề cập tới giá trị chến lược của Cam Ranh. Phi trường Cam Ranh được sửa chữa và năm 2004 chuyến bay hàng không dân sự đầu tiên đã đáp xuống. Ngày 12 tháng 12 năm 2009, chính quyền Việt Nam tuyên bố Cam Ranh là một phi cảng quốc tế với tuyến bay đầu tiên nối liền tới Vladivostok (Hải Sâm Uy), thành phố cảng miền Viễn Ðông Nga bên bờ biển Nhật Bản. Ðây cũng là phi cảng dân sự dùng cho thành phố Nha Trang vì phi đạo của phi trường cũ quá ngắn, không có điều kiện kéo dài thêm với một đầu vướng núi và đầu kia đi vào giữa thành phố đã có nhiều nhà cửa xây dựng. Về mặt quân sự, Cam Ranh ở vị trí thuận lợi hơn bất cứ căn cứ nào của Trung Quốc trong việc điều lực lượng Hải Không Quân ra các quần đảo ở Biển Ðông. Giáo sư David Brewster thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược của Ðại Học Quốc Gia Australia khi thảo luận về vấn đề Hoa Kỳ có thể thuê cảng Cam Ranh, cho rằng “đó là một khả năng vô cùng khó tin hiện nay.” Theo ông: “Trong môi trường an ninh thế giới hiện nay, nước cờ ấy ảnh hưởng mạnh đến Mỹ cũng như Việt Nam và thật khó hiểu nếu bên nào muốn đi một bước như vậy.” Nhiều quan sát viên Tây phương trong đó có chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Việt Nam là Giáo Sư Carlyle Thayer đều đồng ý rằng có nhiều phức tạp trong sư hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Cam Ranh. Họ tin là nhiều giới lãnh đạo Việt Nam hiểu sự có mặt thường trực lâu dài của người Mỹ có thể đưa đến một thế khó xử với Trung Quốc và tạo điều kiện cho Trung Quốc gây hấn, ảnh hưởng đến tiến trình quan hệ bình thường Việt ố Trung. Giáo sư Thayer nhận định là Hoa Kỳ quan tâm đến “địa điểm hơn là căn cứ.” Ngoài ra do vấn đề ngân sách, Hoa Kỳ đang có chủ trương cắt giảm, chứ không phải tăng thêm, căn cứ quân sự ở ngoại quốc. Chiến lược quân sự thế kỷ 21 cũng có nhiều điểm khác quan niệm cũ do những tiến bộ về kỹ thuật chiến tranh. Trong thế kỷ trước, địa thế của vịnh Cam Ranh với núi cao bao quanh có thể là lợi điểm về phòng thủ chống máy bay và chiến hạm, điều ấy không có nhiều ý nghĩa với hệ thống vũ khí ngày nay. Tiến Sĩ David Scott, Ðại Học Brunel, cho rằng Cam Ranh là “món quà mà Việt Nam dùng để răn đe hay hứa hẹn các đại cường quốc có quan tâm đến khu vực này.” Ông nói: “Việt Nam có thể duy trì thế linh động chiến lược nếu tiếp tục giữ cân bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Trung Quốc hay Nga.” Tờ báo tiếng Anh ở Trung Quốc ca ngợi chủ trương và quyết định của Hà Nội về Cam Ranh là điều tốt đẹp cho mối quan hệ thân hữu giữa hai nước. Nhưng với Nga có nhiều khía cạnh không giống như Hoa Kỳ. Trong chiều hướng muốn duy trì vị thế là một cường quốc trên thế giới, mấy năm gần đây Moscow không tỏ ra thụ động như thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh. Ðể đạt tới vai trò toàn cầu, một cường quốc hải quân như Nga cần có khả năng hiện diện trên mọi vùng biển chứ không chỉ là những bến cảng quá cảnh. Nga không có căn cứ hải quân viễn dương nào trong vùng Thái Bình Dương hay Ấn Ðộ Dương để có thể thường xuyên sử dụng. Trong khi ấy thì Việt Nam lại đã từng là nơi quen thuộc với người Nga, nên nhiều giới chức quân sự cao cấp Nga không ngần ngại bày tỏ ý muốn trở lại căn cứ Cam Ranh. Nhưng điều này cũng sẽ trở thành vấn đề tế nhị theo nhãn quan của Trung Quốc, và do đó dù muốn dù không, Việt Nam chắc rằng sẽ chỉ giới hạn mức can dự của Nga tới chỗ trợ giúp kỹ thuật trong việc cải tiến xây dựng cơ sở kỹ thuật hậu cần tại Cam Ranh. (HC)
|