Việt Nam, mức thu nhập bình quân tăng nhanh |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Tư, 10 Tháng 11 Năm 2010 10:46 |
Nhân dịp công bố bản báo cáo Phát triển Con người 2010 tại Hà Nội vào hôm qua, 09/11/2010, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã ghi nhận Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh nhất.
Theo thống kê của Cơ quan Liên Hiệp Quốc, thì trong vòng 40 năm qua, mức thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần. Trong danh sách các quốc gia đạt nhiều tiến bộ nhất về thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới. Theo ghi nhận của Liên Hiệp Quốc, trong 4 thập niên qua, hàng triệu người Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo đói về thu nhập. Tuy nhiên, mức tăng đáng kể về thu nhập đã không đưa được Việt Nam vào danh sách các “quốc gia đứng đầu” về những tiến bộ trong phát triển con người nói chung. Phát biểu tại lễ công bố, Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận định : “Một phát hiện quan trọng trong các Báo cáo phát triển con người là thành tựu phát triển không chỉ được đo bằng mức độ thu nhập đơn thuần. Bản thân tăng trưởng kinh tế không tự động cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân”. Trước đó, ngày mồng 4/11, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã công bố bảng xếp hạng các nước hàng năm theo chỉ số mệnh danh là Phát triển Con người (Human Development Index), trong đó, Việt Nam đứng thứ 113, tương tự như năm ngoái. Chỉ số phát triển con người, bao gồm thu nhập bình quân tính trên đầu người, trình độ học vấn và tuổi thọ. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí cao hơn so với Cam Bốt (124), nhưng cần có thêm nhiều nỗ lựcđể theo kịp Thái Lan (hạng 92) và Philippines (97). Một trong những điểm khiến Liên Hiệp Quốc quan ngại là vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Theo bản báo cáo, tỉ lệ biết chữ ở Đông Á và Thái Bình Dương từ 53% năm 1970, đã tăng lên 94% trong năm 2010. Ở Việt Nam, số năm đi học trung bình tăng 1,5 năm trong thời gian từ 1990 đến 2010 và số năm đi học dự kiến tăng gần 3 năm. Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000, tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục đã chậm lại. Trong 5 năm qua, số năm đi học dự kiến chỉ tăng rất ít, từ 10,3 năm lên 10,4 năm. Về lĩnh vực này, Việt Nam tương đối yếu so với các nước khác trong khu vực, học sinh Việt Nam dự kiến tiếp tục đi học ít hơn 3 năm so với học sinh ở Thái Lan và ít hơn 2 năm so với Malaysia.
|