Home Tin Tức Thời Sự Tổng thống Obama nói về 'nghèo đói' tự do

Tổng thống Obama nói về 'nghèo đói' tự do PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 10 Tháng 11 Năm 2010 10:24

Ông Obama nói Indonesia đã quyết định không thay 'bàn tay sắt' của thời đô hộ bằng 'bàn tay sắt' của chính người Indonesia

Chuyến thăm tới bốn nền dân chủ - Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được các chuyên gia xem là dấu hiệu rõ nhất về mong muốn giữ vị trí lãnh đạo tại Châu Á của Washington.

Nó cũng được xem là một thông điệp gửi tới Trung Quốc khi Indonesia và Hoa Kỳ ký hiệp ước 'hợp tác toàn diện' giữa hai quốc gia không chỉ có 'lợi ích chung' mà còn chia sẻ 'những giá trị chung'.

Bắc Kinh luôn nói rằng các giá trị của phương Tây không phù hợp với sự phát triển của họ.

Phát biểu trước các sinh viên của University of Indonesia, ông Obama nói:

"Ngày nay, đôi khi chúng ta nghe người ta nói rằng dân chủ chặn đường phát triển kinh tế. Đây không phải là lý luận mới.

"Nhất là vào những lúc có nhiều đổi thay và kinh tế bất ổn, một số người sẽ nói rằng nó dễ dàng hơn khi chúng ta đi tắt tới sự phát triển bằng cách đánh đổi quyền của con người lấy quyền lực của quốc gia.

"Nhưng đó không phải là những gì tôi thấy khi tới Ấn Độ, và đó không phải là điều tôi thấy ở Indonesia.

"Những thành tựu của quý vị cho thấy dân chủ và sự phát triển hỗ trợ lẫn nhau."

'Dân chủ là rắc rối'

Ông Obama cũng thừa nhận dân chủ không chỉ có màu hồng và sẽ luôn có những trắc trở. Ông nhắc tới cuộc Nội Chiến ở Hoa Kỳ cũng như những cuộc đấu tranh đòi bình quyền ở đất nước thịnh vượng nhất thế giới.

Nhưng ông nói chính những cố gắng đòi tự do và đòi quyền con người đã làm cho Hoa Kỳ "mạnh hơn và thịnh vượng hơn, bện cạnh việc trở thành một xã hội tự do và công bằng hơn".


Tổng thống Barack Obama đã tới thăm Indonesia sau hai lần phải hoãn chuyến đi

Ông nói thêm:

"Dĩ nhiên dân chủ là rắc rối. Không phải kết quả bầu cử nào cũng làm hài lòng tất cả mọi người. Chúng ta có những bước thăng trầm.

"Nhưng chặng đường là đáng đi và nó không chỉ là đi bỏ lá phiếu.

"Cần phải có những định chế mạnh để kiểm soát sự tập trung quyền lực.

"Cần có thị trường mở để các cá nhân có thể phát triển.

"Cần có tự do báo chí và hệ thống tư pháp độc lập để loại trừ sự thái quá và lạm dụng, cũng như để có tính chịu trách nhiệm.

"Cần có xã hội mở và các công dân tích cực để từ chối sự bất công và bất bình đẳng."

Dạng khác của đói nghèo

Vị Tổng thống Hoa Kỳ, người từng có bốn năm tuổi thơ ở Indonesia khi mẹ ông đi bước nữa với một công dân của đất nước này, cũng nhắc lại cuộc đấu tranh và những 'hy sinh' của Indonesia để có quyền 'tự quyết định vận mệnh của mình'.

"Quý vị cuối cùng đã quyết định rằng tự do không có nghĩa là thay bàn tay sắt của nước đô hộ với bàn tay sắt của chính mình."

Ông nói những giá trị dân chủ mà Indonesia tôn trọng sẽ đẩy nước này tiếp tục phát triển.

Người được giải Nobel Hòa bình trong năm 2009 cũng đánh giá cao vai trò hàng đầu của Indonesia trong việc kêu gọi ASEAN chú ý hơn nữa tới nhân quyền.

Ông nói:

"Không có lý do gì để sự tôn trọng nhân quyền phải dừng ở biên giới của bất kỳ quốc gia nào.

"Gộp chung lại với nhau, sự phát triển và dân chủ có nghĩa là một số giá trị có tính phổ quát.

"Thịnh vượng mà không có tự do chỉ là một dạng thức khác của đói nghèo.

"Bởi vì có những hoài bão mà con người cùng chia sẻ - quyền tự do được biết là người lãnh đạo mình có trách nhiệm với mình và rằng mình sẽ không bị bỏ tù chỉ vì không đồng ý với họ; cơ hội được học tập và làm việc với phẩm giá; tự do hành đạo mà không bị cấm đoán, không phải sợ sệt."

Ông Obama không hề nhắc tới Trung Quốc trong bài diễn văn của mình nhưng thông điệp ông gửi đi chắc chắn có phần hướng tới Bắc Kinh.

Mới đây ông đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng hiện đang bị Bắc Kinh cầm tù.