Kế hoạch táo bạo của Fed với 600 tỷ dollar mới |
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt |
Thứ Ba, 09 Tháng 11 Năm 2010 07:30 |
Giữa lúc còn tranh luận không dứt về hai đường lối trái ngược: giảm thiểu chi tiêu như chủ trương của người Cộng Hòa, hay gia tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế suy trầm theo quan niệm của chính quyền Tổng Thống Barack Obama, thì Ngân Hàng Trung Ương (Fed) bất ngờ loan báo một giải pháp khác quy ước bình thường. Một ngày sau cuộc bầu cử, hôm Thứ Tư, 3 tháng 11, Chủ Tịch Ben Bernake cho biết trong vòng 8 tháng từ nay đến giữa năm 2011, Fed sẽ tung ra $600 tỷ để mua lại một số công khố phiếu US Treasury Bonds. Fed đã không mong chờ để có kết luận rằng Cộng Hòa hay Dân Chủ bên nào đúng mà muốn hành động ngay, dù biện pháp này có phần mạo hiểm và rủi ro nhất định. Từ tháng 8, Bernanke đã cam kết sẽ có một đợt kích thích kinh tế thứ nhì sau kế hoạch thứ nhất thực hiện năm 2009 không đạt kết quả như ý định. Các quan sát viên nhận định rằng ông muốn đợi đến sau bầu cử mới công bố để tránh sự chỉ trích là tìm cách ảnh hưởng đến cuộc tranh cử. Mua lại công khố phiếu có nghĩa là trả bớt một số nợ, và hậu quả sẽ làm hạ mức lãi suất dài hạn, khuyến khích các doanh nghiệp vay tiền khuếch trương hoạt động, tạo ra công ăn việc làm và giới tiêu thụ chi dụng nhiều hơn. Trước đây Hoa Kỳ đã có chương trình $1.7 tỷ mua lại công khố phiếu nhưng kế hoạch này tỏ ra không đủ hiệu quả và bây giờ Fed tăng trị giá lên hơn gấp ba lần. Ðể thi hành kế hoạch mới, Hoa Kỳ sẽ phải in thêm tiền và mỗi tháng theo dự trù đưa vào thị trường tiền tệ $75 tỷ và Fed cho biết sẽ đều đặn theo dõi để điều chỉnh thích hợp theo tình hình thực tế. Phản ứng lo ngại đầu tiên là lạm phát. Ngay các thành viên Ủy Ban Hoạch Ðịnh Chiến Lược (FOMC = Federal Open Market Committee) cũng không phải đã hoàn toàn đồng thuận. FOMC gồm 19 thành viên, 7 ủy viên Hội Ðồng Thống Ðốc và 12 giám đốc ngân hàng Fed địa phương nhưng chỉ có 7 thống đốc và 5 giám đốc có quyền biểu quyết. Thomas M. Hoenig, giám đốc Fed địa phương ở Kansas cho rằng kế hoạch này sẽ mang lại hệ quả lạm phát và nguy cơ của việc mua lại trái phiếu lớn hơn là lợi ích, nên đã bỏ phiếu chống. Biện pháp của Fed lớn hơn nhiều so với các dự án kích thích kinh tế mà Tổng Thống Obama đã đề nghị và trái ngược với chủ trương giảm nợ mà những người Cộng Hòa muốn đạt được bằng sự cắt giảm chi tiêu và quan niệm một chính quyền nhỏ. Chủ tịch Hạ Viện tân cử John Boehner trong buổi họp báo tuần trước đã cam kết sẽ giảm chi xuống trở lại mức năm 2008. Tổng Thống Obama đồng ý sẽ sẵn sàng làm việc với Quốc Hội Cộng Hòa để cắt bỏ những chi tiêu không hiêu quả nhưng chống lại việc giảm các đầu tư căn bản để bảo đảm nền kinh tế Hoa Kỳ có đủ uy thế cạnh tranh, Trong giới chính trị, bà Sarah Palin, cựu thống đốc Alaska và cựu ứng cử viên phó tổng thống hôm Thứ Hai lên tiếng đả kích việc Fed bơm thêm tiền vào thị trường tài chính thế giới. Ðây cũng là lần đầu tiên nhân vật có triển vọng thành ứng cử viên tổng thống năm 2012 vượt ra ngoài đề tài bầu cử và bước vào thảo luận về chính sách. Bà cho rằng khó tin là kế hoạch của Fed có hiệu quả vì kế hoạch mua lại trái phiếu trước đây, được gọi là QE1 (Quantitative Easing) đã không thành công như dự tính, bây giờ đến QE2 nếu cũng vậy thì rồi Fed sẽ tiếp tục in tiền cho QE3, QE4 hay sao? Bà nói: “Việc làm này phải trả giá đắt. Chúng ta không muốn sự tăng trưởng kinh tế nhất thời, giả tạo mua được bằng sự gia tăng lạm phát lâu dài làm tổn hại đến trị giá thu nhập và tiết kiệm của chúng ta.” Nhưng Chủ Tịch Bernanke bác bỏ những sự hoài nghi và lời đả kích. Ông tin tưởng: “Kế hoạch này không đưa đến lạm phát. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và cảm thấy yên tâm với các phương cách cần thiết có khả năng ngăn chặn nếu xảy ra nguy cơ.” Năm 2009 Fed đã mua lại các thế chấp địa ốc và một số các trái phiếu dài hạn và đạt những kết quả khả quan như chỉ số Dow Jones lên 11%, tuy nhiên chưa tới mức ước mong. Fed muốn xoay chuyển tình trạng kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn tăng trưởng quá yếu ở mức khoảng 2% và tỷ lệ thất nghiệp 9.6% cho đến nay, nên đây là sự cố gắng tìm cách thử khả năng một lần nữa. Trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế khác tỏ ra lo ngại với việc in thêm $600 tỷ này tác động tới giá cả. thị trường, sự leo thang chứng khoán. Họ cũng ít tin tưởng là việc in thêm tiền và hạ lãi suất vốn đã thấp kỷ lục sẽ có nhiều tác động đối với sản xuất và tạo ra công việc làm. Dù sao phản ứng ban đầu ở giới tài chánh Hoa Kỳ là như sự chờ đợi. Ngày Thứ Hai, chỉ số Dow Jones Industrial Average lên tới 11,435 nghĩa là cao ngang với thời gian trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Các chỉ số khác ở Wall Street và thị trường Chứng khoán New York đều tăng: Standard & Poor's 500 Index 1.9%; Nasdaq Composite 1.5%, dầu thô giao tháng 12 tăng giá 2% lên $86 một thùng và giá vàng tương lai tháng 12 tăng vọt $45 hay 3.5% lên tới mức kỷ lục $1,383/ounce. Phản ứng của Trung Quốc và ở Ấn Ðộ, Ðức, Brazil là sự bất bình về hành động đơn phương của Fed có tác động mạnh trong thị trường tài chính quốc tế. Trước hết đồng dollar suy yếu có nghĩa là công khố phiếu Hoa Kỳ mà các nhà đầu tư ngoại quốc đang nắm giữ sẽ giảm trị giá. Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, hiện nay sở hữu $868 tỷ trái phiếu, tiếp theo là Anh $448 tỷ, Nhật Bản $836 tỷ và các quốc gia xuất cảng dầu lửa $226 tỷ - theo số liệu của bộ Ngân Khố và Fed. Ngoài ra số tiền $600 tỷ mới sẽ thúc đẩy các công ty Hoa Kỳ tìm kiếm thị trường đầu tư và gia tăng thế cạnh tranh ở những nước đang phát triển. Từ lâu Hoa Kỳ vẫn bất bình về tỷ giá đồng nhân dân tệ quá thấp so với đồng dollar và các đồng tiền khác, giúp Trung Quốc có lợi thế về xuất cảng. Lập luận của Trung Quốc và nhiều nước khác là việc Fed mua lại các công phố phiếu và tung ra thêm $600 tỷ sẽ làm đồng dollar tự nhiên suy yếu đi mà không qua sự thỏa thuận về hối đoái quốc tế, có nghĩa là một sự thủ lợi bất chính về quan hệ mậu dịch và hậu quả là gây sự rối ren chứ không phải là ổn định giúp nền kinh tế toàn cầu vượt khỏi khủng hoảng. Ngày Thứ Hai, các nước Á Châu kể cả Trung Quốc đã tỏ ra dịu giọng hơn trong việc chỉ trích Hoa Kỳ, đặc biệt là Thái Lan bày tỏ sự đồng tình. Nhưng Ðức vẫn còn gọi hành động của Fed là có trách nhiệm. Tại cuộc họp Thượng đỉnh khối G-20 ở Seoul, Nam Hàn, vào ngày 10 và 11 sắp tới, nhiều vấn đề sẽ được đặt ra quanh chuyên này, nhưng với Tổng Thống Obama điều mà ông quan tâm chờ đợi hơn hết chắc chắn vẫn là với những kế hoạch đã thực hiện, liệu nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục được hay không trước cuộc bầu cử 2012 vì tương lai chính trị của tổng thống sẽ ở đấy chứ chưa hẳn từ sự thất bại của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử vừa qua. (HC) |