Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam gia tăng trấn áp tiếng nói đối kháng trước Đại hội Đảng

Việt Nam gia tăng trấn áp tiếng nói đối kháng trước Đại hội Đảng PDF Print E-mail
Tác Giả: RFI   
Chúa Nhật, 07 Tháng 11 Năm 2010 14:04

Tại Việt  Nam, chính quyền tỏ thái độ cứng rắn, gia tăng các biện pháp trấn áp những tiếng nói đối kháng và các blogger chỉ trích chế độ trong bối cảnh đảng cộng sản Việt Nam

 chuẩn bị Đại hội lần thứ 11, sẽ được tổ chức vào đầu tháng giêng năm 2011. Đó là nhận định của AFP. Chỉ tính từ đầu tháng 10 tới nay, đã có 17 nhà đấu tranh cho dân chủ, blogger đã bị bắt giữ, khởi tố hoặc kết án tù.


Cảnh sát đứng gác trên đường phố Hà Nội, ngày 29/10/2010
Ảnh: Reuters

Vụ bắt giữ gần đây nhất xẩy ra hôm thứ sáu, 05/11/2010 liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ, người đã sử dụng chính luật pháp hiện hành của Việt Nam để chỉ trích mạnh mẽ những hành vi tham nhũng, lạm quyền, độc đoán của chế độ.

Tiến sĩ luật Hà Vũ là con trai nhà thơ nổi tiếng Cù Huy Cận, một thành viên chính phủ cách mạng lâm thời đầu tiên được thành lập năm 1945.

Trong hai ngày qua, tội danh bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ thay đổi liên tục và cho đến chiều ngày 06/11, đại diện bộ Công an họp báo cho biết là ông Vũ bị khởi tố, điều tra về tội "tuyên truyền chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, vu khống, xúc phạm danh dự lãnh đạo Nhà nước", chiểu theo điều 88 bộ Luật Hình sự của Việt Nam.

Ông Cù Huy Hà Vũ được công luận trong và ngoài nước biết đến qua việc ông là người đầu tiên đệ đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong dự án khai thác bauxite Tây Nguyên và ban hành quy định cấm khiếu kiện tập thể.

Càng gần đến thời điểm tổ chức đại hội Đảng lần thứ 11, chính quyền đã liên tiếp tiến hành các vụ trấn áp, bắt giữ, bỏ tù những tiếng nói đối lập. Theo một nhà ngoại giao nước ngoài, được AFP trích dẫn, thì làn sóng trấn áp hiện nay nằm trong một chu kỳ được khởi động từ năm 2007 và cường độ đã gia tăng trong thời gian qua.

 Trong khi đó, một nhà tranh đấu cho dân chủ, sử dụng internet, nói với AFP là ông không biết các vụ bắt bớ như vậy sẽ chấm dứt vào lúc nào.

Hôm thứ năm, 04/11, ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ nhân blog Anhbasam chuyên điểm các thông tin "nhậy cảm" cho biết là blog của ông đã bị tin tặc đánh sập. Trước đó, ngày 23/10, bà Lê Nguyễn Hương Trà, chủ nhân blog Cô Gái Đồ Long, đã bị bắt khẩn cấp và ngày 01/11, bà bị khởi tố với tội danh lợi dụng các quyền tự do công dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước. Theo báo chí chính thức trong nước, thì blogger này đã viết hai bài chỉ trích một quan chức an ninh cao cấp và gia đình ông ta.

Theo một nhà tranh đấu cho dân chủ xin dấu tên, thì viết blog hiện nay tại Việt Nam rất nguy hiểm và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn do có tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.

AFP trích dẫn nhận định của ông Phil Robertson, thuộc tổ chức Human Rights Watch - HRW, phụ trách khu vực châu Á, theo đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chỉ thị cho công an trấn áp để chứng tỏ rằng họ là người bảo vệ Đảng, trong bối cảnh là chính phủ cũng bị chỉ trích từ bên trong, đặc biệt vụ bê bối Vinashin.

Cách nay vài ngày, trong khóa họp thường niên, một đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đề nghị làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin phá sản và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên chính phủ có liên quan, kể cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi vì chính thủ tướng là người bổ nhiệm tổng giám đốc tập đoàn này.

Xin nhắc lại là nhiều lãnh đạo chủ chốt của Vinashin đã bị bắt và khởi tố. Nợ của tập đoàn này ước tính lên tới khoảng 4,3 tỷ đô la, tương đương 4,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong năm 2009.

Theo AFP, giới quan sát đặt câu hỏi là tại sao báo chí chính thống do Nhà nước kiểm soát lại đưa tin khá nhiều về vụ bê bối Vinashin, phải chăng đây là một hành động tấn công thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang tìm mọi cách để giữ chiếc ghế của mình.