Nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương tìm cách hạn chế tự do Internet |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Sáu, 05 Tháng 11 Năm 2010 09:03 |
Hiện nay chính phủ nhiều nước, từ Thái Lan cho đến Úc, tìm mọi cách mở rộng sự kiểm duyệt các website qua đó, kiểm soát xem mọi người nói và làm gì trên mạng. Đây là lo ngại của giới chuyên gia được AFP trích dẫn. Bên cạnh Trung Quốc đã lập hẳn một hệ thống ngăn chặn mang tên « bức tường lửa », một số nước khác cũng đang từng bước hạn chế khả năng truy cập internet của người dân.
Trong những ngày qua, các chuyên gia công nghệ tin học cho biết là web site nói về cuộc bầu cử ngày 07/11 sắp tới tại Miến Điện do giới tướng lãnh cầm quyền tổ chức, đã bị tin tặc tấn công dồn dập. Điều này làm dấy lên lo ngại là mọi thông tin liên quan đến cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ bị phong tỏa. Còn chính phủ Úc cũng đề xuất kế hoạch sàng lọc internet, ngăn chặn những web site đề cập đến những chủ đề như hiếp dâm, dùng ma túy, lạm dụng tình dục trẻ em v.v. Đích thân thủ tướng Julia Gillard lên vô tuyến truyền hình ủng hộ kế hoạch kiểm soát sàng lọc các web site chiếu những bộ phim, chương trình truyền hình mà chính phủ nghiêm cấm. Chính phủ Philippines cũng đang chuẩn bị nhiều dự luật nhằm hạn chế sử dụng internet, với đối tượng chính là những website khiêu dâm và buôn bán phụ nữ. Tình hình chính trị tại Thái Lan trong những tháng vừa qua căng thẳng với những vụ biểu tình của phe Áo Đỏ. Các cuộc xung đột với lực lượng an ninh làm 91 người chết là gần 1.900 người bị thương. Trong bối cảnh căng thẳng đó, chính quyền Bangkok mở một chiến dịch kiểm duyệt internet và hàng ngàn website bị đánh sập. Những năm gần đây, rất nhiều website bị xóa sổ vì bị cáo buộc đã có những bài viết nói xấu Hoàng gia. Tại Indonesia, nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới, áp lực đòi kiểm duyệt Internet cũng gia tăng nhân danh bảo vệ các giá trị đạo Hồi. Trung Quốc là nước có hệ thống kiểm duyệt internet lớn nhất khu vực châu Á còn chính quyền Việt Nam thì truy lùng, bắt giữ những blogger viết hoặc đăng những bài chỉ trích mối quan hệ của chính quyền với Bắc Kinh. Ông John Palfrey, đồng giám đốc Trung tâm Berkman về Internet và Xã hội tại đại học Harvard, được AFP trích dẫn, nhận định, "một số phương pháp tân tiến nhằm kiểm duyệt internet và theo dõi người sử dụng đã được thực hiện tại Việt Nam, theo mô hình của nước láng giềng là Trung Quốc". Theo chuyên gia này, trong 5 hoặc 10 năm tới, người ta sẽ chứng kiến một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một bên là các nhà nước muốn kiểm soát môi trường thông tin, và bên kia là những công dân mong muốn có những trao đổi thông tin một cách tự do, mang tính cách riêng tư. |