Cộng Hòa chiếm Hạ Viện, Dân Chủ giữ Thượng Viện |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 03 Tháng 11 Năm 2010 07:54 |
Cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất lịch sử. WASHINGTON DC (NV) - Với một trường hợp đảo ngược tình thế ngoạn mục trong bầu cử từ hơn nửa thế kỷ qua, hôm Thứ Ba đảng Cộng Hòa đã giành lại được Hạ Viện, bị mất qua hai kỳ bầu cử năm 2006 và 2008, bằng một chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử được cho là tốn kém nhất từ trước tới nay. Kết quả sơ khởi lúc quá nửa đêm, giờ California, cho biết Cộng Hòa đã chiếm được 234 ghế, Dân Chủ 180 ghế, trong khi số ghế còn lại chưa được định đoạt. Hạ Viện có 435 ghế và đảng nào có 218 trở lên là nắm quyền đa số. Trước bầu cử, Dân Chủ chiếm 255 ghế và Cộng Hòa 178. Còn lại là hai ghế trống. Chủ tịch Hạ Viện Tân cử John Boehner. (Hình: AFP/Getty Images) Như vậy, sau ngày Thứ Ba, đảng Cộng Hòa tăng thêm được 56 ghế, vượt qua con số 54 ghế mà họ thắng đảng Dân Chủ trong cuộc “cách mạng” hồi năm 1994, tái chiếm Hạ Viện lần đầu tiên trong 40 năm và đưa Dân Biểu Newt Gingrich lên làm chủ tịch Hạ Viện. Hơn thế nữa, đảng Cộng Hòa đã bứng được một số dân biểu mới vào Hạ Viện và một số “cựu chiến binh” đầy quyền lực của đảng Dân Chủ, đặc biệt là những người mà chỉ cách đây vài tuần được xem là chắc chắn tái đắc cử, bao gồm Dân Biểu John Spratt của South Carolina, đã ở Hạ Viện 28 năm và là chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách, và Dân Biểu Ike Skelton của Missouri, chủ tịch Ủy Ban Quân Lực. Ðảng Cộng Hòa cũng thắng hơn một chục ghế tại các địa hạt mà TNS John McCain từng thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Nạn thất nghiệp làm hại đảng cầm quyền Tại các tiểu bang vùng “Rust Belt,” tức là các tiểu bang công nghiệp bị thất nghiệp nhiều, đảng Cộng Hòa thắng hai ghế tại Indiana, năm ghế tại Ohio, năm ghế tại Pennsylvania, ba ghế tại Illinois và hai ghế tại Michigan. Tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ cũng bị mất ghế, dù tiếp tục giữ quyền kiểm soát. Tổng cộng, đảng Dân Chủ còn giữ 51 ghế và đảng Cộng Hòa giữ 47 ghế, trong khi hai ghế khác còn chờ kết quả. Trước bầu cử, trong số 100 ghế ở Thượng Viện, đảng Dân Chủ có 57 ghế, đảng Cộng Hòa có 41 ghế. Riêng hai ghế của đảng Ðộc Lập thường biểu quyết theo phía Dân Chủ. Tại Indiana, ứng cử viên Dan Coats của đảng Cộng Hòa thắng chiếc ghế do TNS Evan Bayh của đảng Dân Chủ về hưu bỏ trống. Năm ghế mà đảng Cộng Hòa thắng thêm ở Thượng Viện là tại các tiểu bang Wisconsin, Arkansas, Illinois, North Dakota, và Pennsylvania. Kết quả này không khác với dự đoán từ những thời gian cuối cùng trước bầu cử. Trong khi Hoa Kỳ còn đang chật vật để thoát khỏi cuộc đại suy thoái, mối quan tâm chính của nhiều cử tri chắc chắn phải là vấn đề kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp theo tính toán chính thức là 9.6% nhưng thực tế có thể tới gần 17%. Tại những tiểu bang có các cuộc tranh cử then chốt, tỉ lệ thất nghiệp còn tệ hơn: Nevada 14.4%, Ohio 10%. Mức tín nhiệm đối với Tổng Thống Obama chỉ còn 45% dù chưa hẳn là quá thấp. Mức tín nhiệm đối với Quốc Hội xuống dưới 20%. Trong số gần 100 đơn vị bầu cử được coi là sẽ có tranh chấp quyết liệt, Cộng Hòa nắm phần thắng gần hết và người ta đã dự đoán là Cộng Hòa sẽ chiếm thêm từ 50 đến 90 ghế Hạ Viện trong khi họ chỉ cần chiếm thêm 40 ghế là giành được đa số. Tiền tranh cử hàng tỷ Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này “ngốn” một số tiền chi tiêu kỷ lục. Theo Center for Responsive Politics, một tổ chức bất vụ lợi chuyên theo dõi tiền tranh cử, cuộc bầu cử năm 2010 tốn tới $3.5 tỉ. Chỉ riêng cuộc tổng tuyển cử ngày 2 tháng 11 vừa qua, Ủy Ban Vận Ðộng Quốc Hội đảng Dân Chủ chi ra $145 triệu trong khi tổ chức tương tự bên đảng Cộng Hòa xài hết $121 triệu. Số tiền đảng Dân Chủ chi ra tương đương gần gấp đôi số tiền họ chi ra trong cuộc bầu cử lần trước và hơn gấp năm lần số tiền đảng Cộng Hòa chi ra khi họ thắng Hạ Viện lần trước. Ngoài ra, các ứng cử viên đảng Cộng Hòa chi ra $419 triệu trong khi phía đảng Dân Chủ chi ra $421.5 triệu. Nhưng các tổ chức bên ngoài của đảng Cộng Hòa lại chi tới $189.5 triệu trong khi phía Dân Chủ xài $89 triệu. Tại 37 cuộc bầu cử thống đốc, hai bên cũng chi ra rất nhiều mà đáng kể nhất là tại California, khi ứng cử viên Meg Whitman chi ra khoảng $165 triệu và ứng cử viên Jerry Brown chi ra chừng $25 triệu. Khi Tổng Thống Obama vào Tòa Bạch Ốc năm 2009, hai trong ba người dân Mỹ tin tưởng đảng Dân Chủ có khả năng giải quyết tình trạng kinh tế. Sự kiện này cũng đã từng thấy trong những kỳ suy thoái trước kia vì dân Mỹ tin đảng Dân Chủ bênh vực giới dân trung bình. Và Tổng Thống Obama cũng áp dụng phương cách cổ điển trong việc đương đầu với khủng hoảng: kích thích kinh tế bằng ngân khoản chi tiêu lớn của chính quyền và giảm thuế. Nhưng gần hai năm sau, biện pháp cứu vãn kinh tế đã không thành công và đảng Dân Chủ mất uy tín. Có hai lý do chính trong thất bại của nỗ lực này. Thứ nhất là phương pháp sử dụng không thích hợp với thực trạng của cuộc suy thoái hiện nay và với mức độ nặng nề của nó cần phải một thời gian rất dài mới có thể hồi phục. Thứ hai là chính quyền Obama tính toán sai khi đã cố gắng đẩy mạnh cải tổ y tế và những chương trình khác khiến dân chúng cảm thấy nạn thất nghiệp không được ưu tiên chú trọng và tình trạng này kéo dài cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngân khoản khổng lồ $787 tỉ đưa vào kế hoạch cứu nguy kinh tế đã không được sử dụng hiệu quả hoặc là chưa đủ. Trong khi đó, phía Dân Chủ bị những phê phán chỉ trích mạnh mẽ của phía Cộng Hòa. Dù với lý do gì thì nói chung đây cũng là thực tế bình thường của một đảng nắm hành pháp: luôn luôn bị thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Có điều lần này, đảng Dân Chủ chịu hậu quả nặng nề là mất hẳn đa số tại Hạ Viện và tuy còn giữ được Thượng Viện nhưng trong một điều kiện khó khăn với đa số không mạnh lắm. Dân Biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio), lãnh tụ khối hiểu số và sẽ trở thành chủ tịch Hạ Viện, tuyên bố sau cuộc bầu cử hôm Thứ Ba rằng, “Trên toàn quốc, chúng ta chứng kiến sự phản đối chính quyền Washington, phản đối chính quyền lớn (nghĩa là chi tiêu nhiều và trực tiếp điều khiển hay can dự vào những chương trình lớn), phản đối các chính trị gia không nghe tiếng nói của người dân.” Ông Boehner cam kết sẽ đưa ra đường lối kế hoạch hiệu quả để cứu vãn kinh tế, tiết giảm chi tiêu và giới hạn chủ trương chính quyền lớn. Ðiều này có nghĩa là có thể giải trừ một số những chương trình của chính quyền trong đó có cải tổ y tế và trợ cấp xã hội khác. (HC) |