Luật Sư Cù Huy Hà Vũ Khởi Kiện Thủ Tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng |
Tác Giả: Cù Huy Hà Vũ | |
Chúa Nhật, 31 Tháng 10 Năm 2010 16:10 | |
Đây là đơn kiện lần thứ hai. LTS: Đây có lẽ là lần thứ 2, luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng. Lần đầu, liên quan tới nghị định 97 về việc phản biện. Tất nhiên những chuyện kiện tụng như vậy, ai cũng có thể nhìn thấy trước kết quả. Nhưng có những sự việc mà kết quả của nó không phải đơn giản là việc thắng/ thua ở Tòa án. Đơn kiện thứ hai của luật sư Hà Vũ như sau, đơn đã được gửi tới Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, số 48 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. —————————————– ĐƠN KHỞI KIỆN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ HÀNH VI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH CẤM CÔNG DÂN KHIẾU NẠI TẬP THỂ TRÁI HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NGƯỜI KHỞI KIỆN: Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội. NGƯỜI BỊ KIỆN: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng 1 Hoàng Hoa Thám – Hà Nội NỘI DUNG Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo (Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình), ngày 11/9/2010, tôi đã gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng Đơn khiếu nại về hành vi của Thủ tướng ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và Pháp luật như trình bày sau đây. Ngày 26/8/2010 Thanh tra Chính phủ ra Thông tư số 04/2010/TT-TTCP Quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nai, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Điều 8 Thông tư quy định: “Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại,viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc trả lại đơn được thực hiện theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này”. Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư có nội dung: “Căn cứ nội dung đơn khiếu nại, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo, trả lại đơn khiếu nại của ông (bà). Đề nghị ông (bà) viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến …để được giải quyết theo quy định của pháp luật.” Sau khi đọc Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26/8/2010 của Thanh tra Chính phủ, tôi tìm đọc Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo do chính Thủ tướng – Nguyễn Tấn Dũng – ký thì thấy Khoản 1 Điều này quy định: “Cơ quan Nhà nước khi nhận được đơn khiếu nại thì xử lý như sau: Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này thì phải thụ lý để giải quyết; trong trường hợp đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng để thực hiện việc khiếu nại.” Tóm lại, Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp ký cấm khiếu nại tập thể. - Điều 74 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. - Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết: 1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; 2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; 3. Người đại diện không hợp pháp; 4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết; 5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 6. Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án.” - Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội quy định: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: 1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. 2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. 4. Nghị định của Chính phủ. 5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…” - Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội quy định: “Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: 1. Bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.” Do Hiến pháp, Luật Khiếu nại, tố cáo không quy định cấm cơ quan Nhà nước thụ lý đơn có chữ ký của nhiều người nên Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ là trái Hiến pháp và Luật Khiếu nại, tố cáo hay không hợp Hiến, hợp pháp và vì vậy phải bị hủy bỏ! Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 2 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn) thì cơ quan Nhà nước áp dụng Điều 74 Hiến pháp và Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo chứ không áp dụng Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ. Không những thế, quy định cấm khiếu nại tập thể tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ còn trái với các quy định khác của Hiến pháp và pháp luật: 1. Điều 69 Hiến pháp quy định: “Công dân có có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Điều này có nghĩa nhiều công dân có quyền tập hợp nhau lại để có tiếng nói chung về một hoặc nhiều vấn đề, đồng nghĩa nhiều công dân có quyền cùng ký tên vào một văn bản dù đó là kiến nghị, đơn khiếu nại hay đơn tố cáo để yêu cầu một hay nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết một hay nhiều vấn đề vì quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 2. Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án”. 3. Khoản 2 Điều 163 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định: “Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.” Như vậy, Luật Khiếu nại, tố cáo và Bộ Luật tố tụng dân sự cho phép nhiều người khiếu nại cùng ký đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Nghị định là văn bản dưới Luật không thể cấm nhiều công dân khiếu nại cùng ký đơn khiếu nại! Ngoài ra, việc cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước ban hành văn bản tác động đến nhiều người, thậm chí đến rất nhiều người như quyết định cho phép khai thác, cho thuê tài nguyên, quyết định thu hồi đất…được coi là hợp pháp thì không có lý gì lại cấm nhiều người cùng ký đơn khiếu nại khi những người này có căn cứ cho rằng việc ban hành văn bản đó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Điều nghiêm trọng không kém là quy định cấm khiếu nại tập thể hoàn toàn đi ngược lại Cải cách hành chính mà Nhà nước tuyên bố đang tiến hành, gây tốn kém vô cùng lớn cả về thời gian lẫn vật chất cho cơ quan Nhà nước đồng thời gây ách tắc trong giải quyết khiếu nại bởi thay vì giải quyết một vụ khiếu nại thì cơ quan Nhà nước phải giải quyết hàng chục, hàng trăm vụ khiếu nại, thậm chí gấp nhiều lần hơn tương ứng với số lượng người khiếu nại nạn nhân của cùng văn bản, hành vi hành chính trái pháp luật trong khi nhân sự của cơ quan Nhà nước là có hạn. Bởi những lẽ trên, căn cứ: - Điều 52 Hiến pháp: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”; - Khoản 1 Điều 36 Luật Khiếu nại tố cáo: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết”; - Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án”; - Cho đến nay tôi – Cù Huy Hà Vũ – không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Tôi – Cù Huy Hà Vũ – bằng Đơn này khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và Pháp luật. YÊU CẦU Không một tổ chức, cá nhân nào – dù đó là Đảng cộng sản Việt Nam hay Thủ tướng Chính phủ – có thể đứng trên Hiến pháp và Pháp luật, không bị Pháp luật nghiêm trị khi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam! Là cơ quan quyền lực Nhà nước đại diện cho Tư pháp, Tòa án phải độc lập với Chính phủ đại diện cho Hành pháp. Chỉ có như thế thì mới có được Nhà nước Pháp quyền của Dân, do Dân, vì Dân! Do đó tôi – Cù Huy Hà Vũ – yêu cầu Quý Tòa thụ lý Đơn khởi kiện này của tôi để đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra xét xử công khai nhằm huỷ bỏ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp ký cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và Pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân! Tôi chân thành cảm ơn và đề nghị Quý Tòa hồi âm sớm. NGƯỜI KHỞI KIỆN ĐT: (+84)904350187 Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it CÙ HUY HÀ VŨ |