Triển lãm chống Bắc thuộc, Việt Nam ngụ ý Trung Quốc là đối thủ |
Tác Giả: Người Việt |
Chúa Nhật, 31 Tháng 10 Năm 2010 15:15 |
HÀ NỘI (NV) - Việc trưng bày hình ảnh những cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam cho thấy Hà Nội đang hàm ý Trung Quốc là đối thủ, theo báo The Washington Post nhận định hôm Chủ Nhật trong bài mang tựa đề “In historic turn, Vietnam casts China as opponent.” Sân trước của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam ở Hà Nội. (Hình: chrissy-lew.com) Theo tờ báo này, bên cạnh phần triển lãm chiến tranh chống Pháp và Mỹ - “không có gì mới lạ,” tờ báo Việt - thì đối diện đó, viện bảo tàng này cho treo gươm giáo từ thời xa xưa, những bức tranh và những câu nói bất hủ liên quan đến cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc: Trung Quốc. Những cuộc chiến từ năm 1077, 1258 và hai thế kỷ 14 và 18. Tất cả đều được trình bày chi tiết. Ðặt Trung Quốc ngang hàng với “những kẻ xâm lược phương Tây” là một sự bộc phát tâm lý về mặt quân sự cho Việt Nam và làm “người láng giềng phương Bắc” khó chịu, tờ Washington Post viết. Trong nhiều năm, Trung Quốc luôn luôn muốn tạo ra một mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với chính quyền CSVN. Nhưng gần đây, sự bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là với Việt Nam trên Biển Ðông, đã làm thức tỉnh các nhà lãnh đạo của Việt Nam, làm cho họ có suy nghĩ khác về “người hàng xóm,” vẫn theo báo The Washington Post. Thay vì là một làng giềng anh em, Bắc Kinh đã bị Việt Nam coi là một đe dọa nguy hiểm như từng xảy ra cách đây cả ngàn năm, bài báo viết tiếp. Thái độ này đã làm Việt Nam thay đổi chính sách và bắt đầu thân thiện với thế giới hơn nhằm kềm chế Trung Quốc. Trong số này, Mỹ chính là quốc gia có thể giúp Việt Nam trong việc ngăn chặn Trung Quốc, vẫn theo tờ Post. “Có bạn mới lúc nào cũng tốt,” báo The Washington Post trích lời Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, nói. “Mà còn tốt hơn nữa khi người bạn này từng là kẻ thù của mình.” Tình bạn mới giữa hai quốc gia cựu thù vừa được chứng minh hôm Thứ Sáu vừa qua khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Hà Nội lần thứ nhì trong vòng chưa đầy bốn tháng. Cách đây chưa tới ba tuần, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates cũng có mặt tại Hà Nội. Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ và Việt Nam lần đầu tiên nói chuyện hợp tác quốc phòng cấp thứ trưởng. Ba tàu chiến Mỹ ghé vào Việt Nam hồi năm ngoái và hơn 30 sĩ quan Việt Nam đang học tại các học viện quân sự của Mỹ, theo báo The Washington Post. “Mỹ chiến đấu một cuộc chiến ở Việt Nam để ngăn chặn Trung Quốc,” một cựu quan chức Việt Nam nói với điều kiện ẩn danh vì chính quyền không cho phép nói với phòng viên. “Bây giờ, họ theo đuổi chính sách thân thiện với Việt Nam... để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.” Việt Nam và Mỹ đang thảo luận thỏa thuận để Việt Nam có thể sử dụng kỹ thuật hạt nhân của Hoa Kỳ. Ðiều này có thể giúp Việt Nam không bị lệ thuộc năng lượng vào Trung Quốc, các quan chức Việt Nam cho biết. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Việt Nam cho biết họ rất muốn mua kỹ thuật quân sự của Mỹ, bao gồm thiết bị dò tìm tàu ngầm Trung Quốc, theo báo The Washington Post. Hà Nội cũng đang thảo luận để mua một số thiết bị thay thế nhằm sửa chữa các trực thăng UH-1, do Mỹ chế tạo trước đây và còn sót lại sau năm 1975 và là một biểu tượng của cuộc chiến Việt Nam. Và mặc dù bị Trung Quốc gây sức ép, ba công ty dầu hỏa của Mỹ vẫn tiếp tục thăm dò và khai thác dầu hỏa ngoài khơi bờ biển Việt Nam. “Người Việt Nam rất muốn gia tăng quan hệ song phương với chúng ta,” báo The Washington Post trích lời Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói với sử gia Michael Beschloss trong một cuộc nói chuyện mới đây. “Ðây là một cuộc chiến đã làm hàng ngàn người Mỹ và Việt Nam tử nạn, tàn phế và thương vong và ảnh hưởng rất lớn đến hai xã hội Việt Nam và Mỹ. Tuy vậy, Việt Nam và Mỹ đang kinh doanh với nhau, có quan hệ ngoại giao song phương và có chung một mục tiêu trong các vấn đề toàn cầu và khu vực mà cả hai phía đều quan tâm.” “Chúng ta hãy để cuộc chiến lại cho các văn sĩ,” nhà văn Bảo Ninh, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Nỗi Buồn Chiến Tranh” và từng là một người lính miền Bắc trong cuộc chiến Việt Nam, nói. “Nhiều người ở đây thích nước Mỹ một cách lạ kỳ. Ngay cả thế hệ của tôi còn thích người Mỹ hơn. Nếu hỏi những người lính, họ vẫn thích nước Mỹ.” (Ð.D.)
|