Loài người cần có thêm một hành tinh để sinh sống |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Sáu, 29 Tháng 10 Năm 2010 08:21 |
"Vung tay quá trán". Nếu cứ tiếp tục nhịp độ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì đến năm 2030, con người cần phải có thêm một hành tinh nữa để đáp ứng nhu cầu sinh sống và đến năm 2050, chúng ta cần phải có thêm hơn hai hành tinh nữa.
Trên đây là cảnh báo của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, WWF. Giữa tháng 10 vừa qua, tổ chức này đã cho công bố Báo cáo về hành tinh sống, sau hai năm điều tra, nghiên cứu tác động của con người về mặt sinh thái, môi trường đối với trái đất mà giới chuyên môn gọi là dấu vết sinh thái. Dấu vết này được xác định qua việc tính toán diện tích đất và nước cần thiết về mặt sinh học để có thể cung cấp cho con người những nguồn tài nguyên tái tạo, bao gồm cả không gian cần thiết để các cơ sở hạ tầng và thảm thực vật có thể hấp thụ khí CO2 do các hoạt động của con người thải ra. Nói một cách đơn giản, đó là tính toán nhu cầu, mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên so với khả năng tái tạo về mặt sinh học các nguồn tài nguyên này. Bản báo cáo của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế báo động : Từ năm 1966 đến nay, xét dưới góc độ sinh thái, mức độ sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như nước, rừng v.v. đã tăng gấp đôi so với khả năng tái tạo của trái đất và chỉ riêng trong năm 2007, thì mức độ này đã vượt quá 50% khả năng của hành tinh nơi chúng ta đang sống. Hậu quả tất yếu là các đại dương bắt đầu bị a xít hóa, giảm khả năng hấp thụ CO2 do trái đất thải ra. Quan sát, theo dõi 8000 động vật thuộc nhiều loài khác nhau, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nhận thấy là từ năm 1970 đến 2007, số động vật này giảm trung bình khoảng 30%. Cũng trong quãng thời gian nói trên, các nước giàu chỉ bị mất khoảng 5% đa dạng sinh học, các nước tương đối giàu bị mất 25% trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước nghèo lại lên tới 58%. Như vậy, các nước nghèo và người dân các nước này vốn sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Bản báo cáo của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa ra những ví dụ tính toán cụ thể, sinh động. Theo nhịp độ tiêu thụ, ăn uống trung bình mỗi ngày hiện nay của một người Ý, tức là cần tới 3685 Kilocalo, thịt và các sản phẩm sữa chiếm tới 21% số lượng thức ăn, thì từ nay đến 2050, chúng ta cần phải có thêm hai hành tinh nữa, tương tự như trái đất. Còn nếu mọi người tiêu thụ như một người Malaysia trung bình, tức là chỉ cần 2860 kilocal và tỷ lệ thịt, sản phẩm sữa chỉ là 12% mỗi ngày thì đến năm 2050, chúng ta vẫn cần thêm một diện tích sinh sống bằng 1,3 trái đất này. |