Phỏng vấn Giám Mục Nguyễn Thái Hợp về vụ Cồn Dầu |
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt | ||
Thứ Tư, 27 Tháng 10 Năm 2010 10:10 | ||
Mục đích của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình là loan báo tin mừng, nhưng cũng liên hệ đến nhiều vấn đề. Sau khi thành lập Hội Ðồng thì vụ Cồn Dầu xảy ra. Sau đó, chúng tôi có tham khảo ý kiến Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, ngài đồng ý đây là thời điểm phải lên tiếng.
Trước phiên xử sáu giáo dân Cồn Dầu, Ðức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh và là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đã gởi một lá thư đến các cấp chính quyền CSVN, kêu gọi tạm hoãn phiên xử hoặc phải xử họ theo đúng luật pháp.
Sáu giáo dân này bị chính quyền Ðà Nẵng xử tội danh làm mất trật tự an ninh xã hội liên quan đến một vụ công an đàn áp giáo dân, khiến một giáo dân bị chết, tại giáo xứ Cồn Dầu hồi tháng 5 năm nay. Hôm Thứ Ba, 26 tháng 10, Ðức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây. Người Việt (NV): Xin Ðức Cha cho biết tình hình vụ xử sáu giáo dân giáo xứ Cồn Dầu hôm nay ra sao rồi? Giám Mục (GM) Nguyễn Thái Hợp: Cho đến giờ phút này, tôi chưa biết gì hơn. Chỉ biết là hôm nay họ đưa ra xử. Tôi còn đang chờ và chưa biết kết quả ra sao. NV: Từ trước tới nay, có nhiều vụ tranh chấp đất đai và đụng chạm giữa giáo hội Công Giáo Việt Nam với chính quyền. Nhưng lần này có vẻ Hội Ðồng Giám Mục phản ứng mãnh liệt hơn. Có lý do gì, thưa Ðức Cha? GM Nguyễn Thái Hợp: Thực ra, mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh khác nhau, không thể so sánh được. Khi chúng tôi thấy vấn đề không thỏa đáng thì chúng tôi lên tiếng. NV: Sau khi gởi lá thư cho chính quyền, Ðức Cha có cảm thấy bị đe dọa không và có cảm thấy sẽ xảy ra trường hợp giống như Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trước đây, sau khi ngài cùng giáo dân Thái Hà lên tiếng trong vụ đòi đất ở Hà Nội? GM Nguyễn Thái Hợp: Trách vụ của chúng tôi là phải nói lên băn khoăn của giáo dân. Chúng tôi chú trọng công lý, nhân quyền, nhân phẩm của con người, chúng tôi phải nói. Dù có xảy ra chuyện gì, chúng tôi đành trao trong tay Chúa. NV: Có phải Hội Ðồng Giám Mục lập ra Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình để qua đó lên tiếng về vụ Cồn Dầu? GM Nguyễn Thái Hợp: Mục đích của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình là loan báo tin mừng, nhưng cũng liên hệ đến nhiều vấn đề. Sau khi thành lập Hội Ðồng thì vụ Cồn Dầu xảy ra. Sau đó, chúng tôi có tham khảo ý kiến Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, ngài đồng ý đây là thời điểm phải lên tiếng. NV: Liệu phản ứng của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam có ảnh hưởng quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam? GM Nguyễn Thái Hợp: Tòa Thánh Vatican có nhiều bộ phận khác nhau, làm việc khác nhau. Nếu nói đến ngoại giao, kinh tế, chính trị, thì cũng chỉ nhằm phục vụ con người. Tôi nghĩ không có sự chằng chéo gì ở đây cả. Giáo Hội vẫn phải phục vụ con người, đó là tuyên ngôn của Chúa. Sau này còn có nhiều vấn đề khác như nhân quyền, quyền bất khả xâm phạm, có thể ngôn ngữ ngoại giao khác, nhưng đều trong một niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, phản ứng của Hội Ðồng Giám Mục cũng không khác đường lối của Tòa Thánh Vatican. NV: Thưa Ðức Cha, hôm Chủ Nhật vừa qua, khoảng 2,000 giáo dân đã tham gia một buổi lễ ở Thái Hà để cầu nguyện cho sáu giáo dân Cồn Dầu và các nạn nhân bão lụt miền Trung. Có phải đây là một sự sắp xếp trước phiên tòa và cho lá thư của ngài? GM Nguyễn Thái Hợp: Tôi không biết. Có lẽ mọi nơi họ cầu nguyện tự phát. Tôi nghe nói có một số thân nhân của sáu giáo dân Cồn Dầu, sau khi vận động chính quyền Ðà Nẵng không được, họ đi ra ngoài trung ương. Có nhiều nhà thờ cầu nguyện lắm, không phải chỉ có Thái Hà. Tôi không nghĩ đây là một sự sắp xếp. NV: Ðược biết, Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn sẽ tổ chức một lễ cầu nguyện cho những giáo dân Cồn Dầu. Ðức Cha có vào tham dự không? GM Nguyễn Thái Hợp: Tôi không biết các giám mục khác có tham dự hay không, nhưng tôi vào không được. Có lẽ phải hỏi các cha Dòng Chúa Cứu Thế. NV: Sau vụ Cồn Dầu này, kết quả sẽ như thế nào, theo dự đoán của Ðức Cha? GM Nguyễn Thái Hợp: Tôi chưa bao giờ làm thầy bói, nên tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ rằng tiến trình này còn dài. Trong đất nước nào cũng vậy, không chỉ cứ Việt Nam, chuyển đổi là một tiến trình dài. Phải kiên nhẫn, đối thoại, đóng góp, có sáng kiến. Nếu nghĩ một lá thư có thể tạo ra một thay đổi thì ngây thơ quá. Trong vai trò của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp, một cách chân thành, như một công dân, như một thành viên trong Hội Ðồng Giám Mục, cho các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, dần dần mới có thể thay đổi được. Ngoài ra, chúng tôi đang chú ý vấn đề pháp lệnh tôn giáo, làm thế nào để một đất nước ít pháp lệnh hơn mà lại nhiều luật hơn. Mà luật tôn giáo nên được đưa vào dân luật, chứ không phải pháp lệnh. Một đất nước mà người dân bị cai trị bằng pháp lệnh thì không thể tiến bộ được. NV: Xin cảm ơn Ðức Cha dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn. |