Dân nghèo Cam Bốt cầu cứu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc |
Tác Giả: Phạm Phan |
Thứ Tư, 27 Tháng 10 Năm 2010 08:25 |
Trước khi đến Hà Nội tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN – LHQ, ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chiều hôm qua 26/10 đã bay đến Phnom Penh sau khi ghé Bangkok. Chuyến đi thăm Phnom Penh này là do lời mời của Thủ Tướng Hun Sen. Nhân dịp này, nhiều người dân Cam Bốt đã ngỏ ý muốn Liên Hiệp Quốc can thiệp giúp họ khỏi bị oan ức. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (Reuters) Trong bức thư đưa ra ngày 25/10, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đề nghị ông Ban Ki Moon đề cập đến tình trạng bao che trong giới lãnh đạo quốc gia đã “đào hào đắp lũy vững chắc”. Quan tâm của chính quyền Hun Sen : không mở rộng hoạt động của tòa án xét xử Khmer Đỏ, và muốn Liên Hiệp Quốc giúp giải quyết hồ sơ Preah Vihear - Theo chương trình viếng thăm trong ngày 27, ngoài buổi gặp Quốc Vương Sihamoni và những người cầm quyền, sự kiện đáng chú ý hơn là việc ông Ban Ki-moon đến trụ sở Tòa Án Xử Tội Ác Diệt Chủng gặp các viên chức tòa án và ghi nhận các yêu cầu liên quan đến công tác xét xử tội phạm Khmer Đỏ. Tổng Thư Ký LHQ cũng đến Bảo Tàng Diệt Chủng Tuol Sleng hay còn có tên là S.21 để tỏ lòng tôn trọng và thương tiếc gần 16.000 nạn nhân bị giam cầm và chết oan ức nơi đây. Được biết S.21 nằm ngay trung tâm Phnom Penh, trước tháng 4/1975 Tuol Sleng là trường trung học, nhưng sau khi Cộng Sản chiếm chính quyền bằng bạo lực, họ biến nơi đây thành trại tra tấn vô nhân đạo. Trong cuộc gặp ông Tổng Thư Ký, Thủ Tướng Hun Sen nhắc lại thỉnh cầu trước đây mong muốn LHQ đứng ra làm trung gian giúp giải quyết cuộc xung đột biên giới với Thái, đặc biệt là tranh chấp ngôi đền cổ Prear Vihear. Mặc dù hiện nay, căng thẳng biên giới đã giảm, hai bên đã nối lại quan hệ ngoại giao, và gần đây hai người đứng đầu chính quyền có các cuộc gặp mặt tìm giải pháp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên tranh chấp biên giới Thái – Cam Bốt chưa có một giải pháp dứt khoát khi Thái vẫn cho đền Prear Vihear là của họ. Cạnh đó Cam Bốt vẫn gia tăng ngân sách quốc phòng, vừa mới đây quân đội mua một số lượng xe tăng của Ukraine để tạo thêm sức mạnh phòng thủ. Quan điểm của LHQ trước đây vẫn kêu gọi hai bên nên đối thoại tránh xung đột đổ máu. Người Thái đã hành động mạnh bạo hơn khi cơ quan UNESCO của LHQ công nhận chính thức đền Preah Vihear là di sản văn hóa nhân loại nằm trên phần đất Cam Bốt. Sáng nay khi đi cùng với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến văn phòng nhân quyền LHQ tại Phnom Penh, Thủ Tướng Hun Sen đề nghị ông Tổng thư ký nên thay đổi người đứng đầu văn phòng là ông Christophe Peschoux nếu không ông Hun Sen ra lịnh đóng cửa văn phòng nhân quyền. Theo chính quyền Cam Bốt ông Christophe có hành động như một đại diện cho các nhóm đối lập. Cũng trong cuộc gặp hôm nay với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không có phiên xử thứ 3 vì đe dọa ổn định đất nước. Được biết, Tòa Án Diệt Chủng do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ dự trù đầu năm sau mở phiên xử thứ hai xét xử 4 trọng phạm hàng đầu của chế độ Khmer Đỏ và sau đó điều tra truy tố thêm để mở phiên xử thứ ba. Trong một Thư Ngỏ đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, Hiệp Hội Các Nạn Nhân Của Khmer Đỏ kêu gọi ông Tổng Thư Ký LHQ xem xét tố cáo liên quan đến việc có can thiệp chính trị và ngăn cản thực thi công lý trong hoạt động Tòa Án Diệt Chủng. Nạn nhân chế độ diệt chủng cho rằng chính quyền hiện nay tìm cách ngăn chận tiến trình xét xử cũng như dùng ảnh hưởng chính trị để chi phối tòa án. Hiệp Hội Nạn Nhân Khmer Đỏ cho đó là hành động vi phạm thỏa thuận với LHQ khi đồng ý thành lập tòa án. Hiệp Hội bày tỏ nguyện vọng muốn LHQ thúc đẩy Tòa Án Diệt Chủng duy trì nguyên tắc thực thi công lý. Dân oan mong muốn Liên Hiệp Quốc giúp họ đòi công lý Một vấn đề nổi bật nữa trong công chúng đó là hàng loạt vụ trục đuổi thô bạo để lấy đất lấy nhà của dân nghèo. Hôm thứ Hai khi Tổng Thư Ký Ban Ki-moon chưa đến thì có hơn 100 người dân nghèo kéo đến Văn Phòng Cơ Quan Phát Triển LHQ yêu cầu phải cho họ gặp mặt ông Tổng Thư Ký trình bày cảnh ngộ khốn khó tại hồ Boeung Kak. Khu vực này đang bị dọa trục đuổi để cho công ty Shukaku của một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền lấy đất xây dựng khu đô thị mới. Cư dân hồ Boeung Kak hy vọng ông Ban Ki-moon giúp giải quyết để họ không bị mất nhà mất đất, họ muốn thành phố tiếp tục chương trình đô thị hóa nhưng khu vực của họ từng cư ngụ lâu năm không nên bị trục đuổi. Theo ghi nhận của giới báo chí, nhiều nhóm xã hội dân sự mong muốn gặp ông Tổng Thư Ký để thảo luận về những vấn đề khó khăn trong đời sống dân cư bao gồm cả 30.000 nạn nhân trong hàng loạt vụ cưỡng bức trục đuổi thô bạo tại trung tâm Phnom Penh. Văn Phòng Điều Phối Viên của LHQ ở Phnom Penh cho hay họ nhận được một số lượng lớn các đơn thỉnh cầu của các nhóm xã hội dân sự. Theo Aimee Brown, người phát ngôn của văn phòng, số đơn này được chuyển đến ông Ban Ki-moon xem xét giải quyết. Các nạn nhân bị trục đuổi và bị chiếm đất phát biểu họ không còn tin vào luật pháp quốc gia và chỉ trông mong sự can thiệp của LHQ. Theo các nạn nhân, nay đang lâm vào cảnh sống khốn khổ, chính quyền làm ra luật và diễn giải luật theo quyền lợi của riêng chính quyền. Hậu quả nhiều dân nghèo lại rơi vào cảnh nghèo thêm còn người trong chính quyền cứ giàu hơn nữa. Trước khi ông Tổng Thư Ký LHQ đến Phnom Penh một số người Khmer hải ngoại đang sinh sống tại Pháp, Canada, Hoa Kỳ tổ chức biểu tình kêu gọi LHQ chú ý đến sự kiện lãnh thổ Cam Bốt bị xâm phạm, nhân quyền bị vi phạm và các nguyên tắc dân chủ đang suy thoái. Các cuộc biểu tình này trùng hợp thời điểm kỷ niệm Cam Bốt ký Hiệp Định Hòa Bình Paris năm 1991 do LHQ bảo trợ theo đó bảo đảm cho đất nước này được tồn tại - phát triển trên căn bản hòa bình, dân chủ, đa nguyên, đa đảng và nhân sinh, nhân quyền được tôn trọng.
|