Tranh cãi về đất hiếm từ Trung Quốc |
Tác Giả: BBC |
Thứ Hai, 25 Tháng 10 Năm 2010 08:36 |
Báo Trung Quốc phản pháo về vụ đất hiếm trong cuộc tranh cãi có nguy cơ lên cao trong nghị trình thương mại và ngoại giao quốc tế. Đất hiếm được dùng trong công nghệ xe 'lai điện' như loại Toyota Prius Plug-In Hybrid của Nhật ZTS, hãng thông tấn do Trung Quốc làm chủ nhưng đóng ở Hong Kong vừa có bài phản bác lại quan điểm họ gọi là "đạo đức giả" của Hoa Kỳ và Nhật Bản liên quan đến xuất khẩu đất hiếm. Quan điểm các bên Trong khi Nhật Bản tìm nguồn khai thác đất hiếm từ Việt Nam để tránh không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, có tin rằng Đức cũng tìm nguồn mới để không bị Trung Quốc "bắt chẹt". Bài của ZTS hôm 22/10 vừa qua nói Trung Quốc cần "xử lý đúng tuần tự và bình tĩnh sức ép quốc tế" đối với họ về vụ đất hiếm. Đức thì tuyên bố sẽ đưa vấn đề các khoáng sản hiếm ra Hội nghị G20 ở Nam Hàn nhằm tránh không bị sức ép từ phía Trung Quốc. Trung Quốc, trong bài báo vừa nêu, cho rằng "Hoa Kỳ và Nhật Bản trong những tháng qua đã gây sức ép liên tục lên Trung Quốc" về đất hiếm. Bài của ZTS nói loại khoáng sản hiếm này, hiện đóng vai trò quan trọng trong công nghệ cao, từ xe lai điện, máy móc điện tử cho đến hỏa tiễn và vệ tinh. Nhưng bài báo nói đất hiếm của Trung Quốc, hiện vào khoảng 120 nghìn tấn một năm, chiếm 97% sản lượng thế giới, đã bị "khai thác quá mức" và bị bán quá rẻ. Điều này, theo tờ báo, đang làm lợi cho Mỹ và Nhật: "Các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có thể đặt tay vào thứ quý giá mà chỉ phải chi ra rất ít tiền." Hoa Kỳ và Nhật Bản trong những tháng qua đã gây sức ép liên tục lên Trung Quốc về đất hiếm / Báo Trung Quốc Hiện 83% đất hiếm Nhật mua về là từ Trung Quốc nhưng đã tích trữ cho 20 năm tới, theo bài trên ZTS. Nguồn tin này còn trích báo Tài chính Trung Quốc cho rằng Nhật và các nước khác tiết lộ là họ muốn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, về đất hiếm. Nhân dân Nhật báo cũng có bài nói thái độ của các nước Phương Tây về nguồn đất hiếm của Trung Quốc là "đạo đức giả". Trong khi đó, Nhật Bản lên tiếng nói Trung Quốc cần "bình thường hóa" việc kiểm tra hải quan về đất hiếm xuất sang Nhật để tránh không để nguồn hàng này bị giảm nghiêm trọng. Hãng tin Kyodo của Nhật hôm 24/10 nói Bộ trưởng Thương mại Akihiro Ohata cho hay trong ngày ông đã nêu vấn đề này với Thứ trưởng Thương mại Tưởng Diệu Bình của Trung Quốc khi ông Tưởng sang Tokyo dự một diễn đàn về năng lượng. Dù vị khách Trung Quốc nói nước ông không hề quy định hạn ngạch hay cấm vận nguồn khoáng sản sang Nhật, báo chí Nhật vẫn nêu rằng lãnh đạo Nhật muốn đặt vấn đề đất hiếm với Trung Quốc tại hội nghị ở Hà Nội cuối tháng 10 này. Đất hiếm, dùng trong công nghệ cao, có thể trở thành nguyên nhân kiện cáo ở WTO Tranh cãi lan rộng? Vụ đất hiếm đang ngày càng có khả năng trở thành chủ đề ngoại giao và thương mại quốc tế và không chỉ còn liên quan đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuần qua, bài trên báo Mỹ, tờ Bấm New York Times trích nguồn của Đức nói chính phủ nước này "muốn báo động tại cuộc họp G20 về vụ đất hiếm của Trung Quốc". Theo đó, Berlin "bực bội trước thái độ nắm đấm của Trung Quốc về các nguồn khoáng sản cần thiết cho công nghệ cao". Chính phủ Đức đồng thời cũng sẽ tìm đến các nguồn khoáng sản ở Đông Âu và Trung Á. Nhật Bản thì đã bắt đầu có động thái về hướng này bằng tuyên bố khai thác đất hiếm ở Việt Nam mà tập đoàn Toyota đóng vai trò quan trọng. Nhưng khoáng sản quý không chỉ có đất hiếm, mà còn có cả các chất khác như tungsten và antimony. Theo phân tích của Reuters, Trung Quốc muốn có thêm lợi nhuận từ nguồn bán đất hiếm, đồng thời muốn có công nghệ của chính mình xử lý và đưa vào ứng dụng các khoáng sản đắt tiền. Trung Quốc cũng cho rằng Nhật Bản đã vào mua của họ với giá rẻ nguồn tài nguyên này từ lâu và việc khai thác quá độ đang "gây hại cho môi trường". Dù bán ra 97% đất hiếm trên thế giới, Trung Quốc chỉ sở hữu chừng 36% nguồn tài nguyên này mà thôi. Báo Trung Quốc nay trích lời các khoa học gia của họ kêu gọi lập ra cơ chế mua bán và tích trữ đất hiếm trên thị trường quốc tế. Họ gợi ý rằng nên lấy Thị trường Cổ phiếu dạng futures ở Thượng Hải làm nơi giải quyết việc này. Cho đến ngày 25/10, chưa rõ vụ việc sẽ được bàn thảo hay không giữa Nhật và Trung Quốc tại hội nghị Asean và các nước châu Á - Thái Bình Dương cuối tuần này tại Hà Nội. Dự kiến cả hai thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Naoto Kan của Nhật đều sẽ dự hội nghị nhưng không rõ họ có gặp riêng nhau hay không. Báo chí Việt Nam cho hay nước này "đã sẵn sàng" cho thượng đỉnh Asean lần thứ 17 từ 28 đến 30/10 tại Hà Nội. Ngoài lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc, các nguyên thủ quốc gia của Hàn Quốc và Nga dự kiến sẽ có mặt cùng Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton.
|