"Đất hiếm", một thứ vũ khí mới của Bắc Kinh |
Tác Giả: Anh Vũ / RFI |
Thứ Bảy, 23 Tháng 10 Năm 2010 18:13 |
Kể từ cuối tháng chín trở lại đây khi quan hệ Trung Nhật trở nên căng thẳng thì người ta thấy Trung Quốc đã tung ra một chiêu mới hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Có vẻ như thứ "vũ khí" này tỏ ra có hiệu quả ngay, khiến Tokyo phải nháo nhào đi tìm nguồn cung ứng đất hiếm mới, một nguyên vật liệu không thiếu được cho lĩnh vực công nghệ cao cấp. Một mỏ đất hiếm tại Giang Tây, Trung Quốc (Reuters) Là quốc gia chiếm 95% sản lượng đất hiếm, Trung Quốc hiểu được thế mạnh có thể biến đất hiếm thành một thứ công cụ gây sức ép với bên ngoài. Trang kinh tế báo Le Figaro hôm nay chạy tựa "Trung Quốc mở cuộc chiến đất hiếm". Le Figaro nhắc lại rằng, có lần cha đẻ của công cuộc mở cửa kinh tế Trung Quốc ngày nay là Đặng Tiểu Bình đã tuyeen bố rằng nếu Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có « đất hiếm », ý muốn nói đến tầm quan trọgn chiến lược của loại khoáng sản rất dồi dào này ở Trung Quốc. Đất hiếm chứa tới 17 nguyên tố quan tối quan trọng có mặt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao ngày nay từ chiếc máy nghe nhạc bỏ túi iPod cho đến xe hơi, tên lửa , tàu vũ trụ… Giờ đây Bắc Kinh cung cấp cho 95% nhu cầu sử dụng đất hiếm của cả thế giới. Cũng giống như dầu mỏ, các kim loại hiếm này có thể trở thành một thứ vũ khí kinh tế, mà như người ta đã thấy trong vụ xích mích giữa Nhật Bản và Trung Quốc vừa mới đây. Còn giờ đây, theo Le Figaro thì đến lượt Hoa Kỳ và thậm chí cả châu Âu nữa cũng đang bị thứ vũ khí này nhắm tới. Tờ báo nhắc lại, khi căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm hồi tháng chín.Từ ngày 21 tháng chín hơn ba chục công ty của Nhật thực sự hoang mang vì bị Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp đất hiếm. Sự việc nghiêm trọng đến mức mà Tokyo đã phải lên tiếng yêu cầu mở đàm phán chính thức giữa hai nước về vấn đề « đất hiếm ». Tác giả bài báo còn nhận thấy « cuộc chiến đất hiếm » này đã vượt ra ngoài Thái Bình Dương. Theo báo New York Times, từ đầu tuần này để đáp trả một cuộc điều tra của Mỹ trên vấn đề trợ cấp không hợp lệ cho ngành công nghiệp xanh ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã thắt lại xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trong khi đó Đức cũng vội vàng đi tìm cho mình một « chiến lược cung ứng đất hiếm ». Còn Nhật Bản và Việt Nam tuyên bố từ nay đến cuối tháng muốn có được thỏa thuận về cùng khai thác loại nguyên liệu này tại Việt Nam. Le Figaro cho rằng chuyện Trung Quốc sử dụng con bài điều tiết nguồn đất hiếm đâu có gì là mới. Từ năm 2005 Bắc Kinh đã bắt đầu giảm 10% lượng đất hiếm xuất khẩu mỗi năm. Nhưng tháng 7 vừa qua Trung Quốc đột ngột cắt giảm 72% định mức xuất khẩu cho cuối năm 2010. Quyết định này ngay lập tức đã thổi giá đất hiếm lên cao. Về phần mình Bắc Kinh giải thích việc siết chặt cung cấp đất hiếm ra bên ngoài là nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước cũng đang rất cần đến các kim loại hiếm. Tuy nhiên theo nhận định của một doanh nhân phương tây được trích dẫn : « chắc hẳn trong việc này Bắc Kinh có ý đồ buộc các công ty đa quốc gia phải sản xuất các mặt hàng cần đến đất hiếm tại Trung Quốc. Như vậy sẽ tạo thêm công ăn việc làm góp phần tăng trưởng của Trung Quốc ». Tại hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu - Trung Quốc gần đây, thủ tướng Ôn Gia Bảo quả quyết với vác nước châu Âu rằng không hề có chuyện « cấm vận » hay dùng đất hiếm để bắt bí mà Trung Quốc chỉ muốn kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn tài nguyên vì lợi ích của Trung Quốc. Thế nhưng từ chuyện của Nhật Bản, cả thế giới phải suy nghĩ cách. Tokyo một mặt lên kế hoạch quốc gia tìm cách bảo đảm đa dạng hóa nguồn cung ứng và nghiên cứu các loại vật liệu thay thế. Washington thì bắt đầu tính chuyện khai thác trở lại ở trong nước. Bộ Quốc phòng Mỹ còn bỏ công nghiên cứu cả mức độ lệ thuộc quân đội của Mỹ vào đất hiếm. Bài báo nhận xét là chính thái độ của Trung Quốc trên vấn đề đất hiếm đã tăng các dự án khai thác đất hiếm trên thế giới. Thực ra tên gọi là « đất hiếm » nhưng trên thực tế loại khoáng sản này cũng không hiếm lắm. Việc khai thác lại chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, phần do giá thành khai thác chế biến rẻ, phần thì do các ràng buộc về mặt môi trường ở đây cũng lỏng lẻo. Thực tế thì nhiều mỏ đất hiếm lớn đang được triển khai ở Úc, Canada và ở Hoa Kỳ. Nhiều nơi khác cũng có các mỏ có trữ lượng lớn như ở Nga, Ấn Độ, Brasil hay Mông Cổ. Nhật Bản và Hàn Quốc, tiêu thụ 1/5 sản lượng đất hiếm thế giới, giờ đây cũng đang tìm kiếm thăm dò những dự án tại Kazakhstan hay Việt Nam. Nhưng tất cả các mỏ kể trên chỉ có thể thực sự đi vào khai thác sau năm 2014. Từ nay đến đó các nhà công nghiệp phương tây có lẽ sẽ phải đôi ba lần toát mồ hôi hột vì nhu cầu của thế giới về đất hiếm sẽ còn tăng gấp đôi trong 5 năm tới. |