Home Tin Tức Thời Sự Học sinh Tây Tạng biểu tình đòi quyền được học tiếng mẹ đẻ

Học sinh Tây Tạng biểu tình đòi quyền được học tiếng mẹ đẻ PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ / RFI   
Thứ Sáu, 22 Tháng 10 Năm 2010 09:42

Hãng thông tấn AFP hôm nay trích dẫn nguồn tin của Hiệp hội Tây Tạng Tự do đóng trụ sở tại Luân Đôn cho biết , hàng nghìn học sinh, sinh viên người Tây Tạng

 tại khu vự miền tây bắc Trung Quốc đã biểu tình phản đối chính quyền buộc họ phải sử dụng tiếng quan thoại trong chương trình học chính khóa.

Sinh viên Tây Tạng tại Rebkong biểu tình phản đối việc hạn chế sử dụng tiếng mẹ đẻ trong chương trình học, ngày 19/10/2010.
Reuters

Tổ chức Tây Tạng Tự do cho biết, nhận thấy ngôn ngữ và văn hóa của mình bị đe dọa nếu tiếng Tây Tạng bị mai một, từ vài ngày nay tại huyện Rebkong, tỉnh Thanh Hải, gần 10 nghìn học sinh đã xuống đường tuần hành biểu tình đòi chính quyền phải tôn trọng văn hóa của họ.

 Hôm 20/10 khoảng hai nghìn học sinh của một trường trung học tại thị trấn Chabcha đã diễu hành trước trụ sở chính quyền, giương biểu ngữ « Chúng tôi muốn tự do cho ngôn ngữ Tây Tạng ».

Phong trào đòi duy trì tiếng mẹ đẻ của giới trẻ người Tây Tạng bùng phát là do chính sách cải cách giáo dục ở Trung Quốc áp đặt tất cả các học sinh người Tây Tạng đều phải dùng sách giáo khoa và nghe giảng bằng tiếng quan thoại.

Một quan chức trong ngành giáo dục cho AFP biết chính quyền đã « giải quyết ổn thỏa » với người biểu tình. Tuy nhiên tổ chức Tây Tạng Tự do vẫn bày tỏ quan ngại có thể những người biểu tình bị bắt hoặc trừng phạt một cách kín đáo trong những ngày tới.

Huyện Rebkong là nơi tập trung đông người Tây Tạng sinh sống và phong trào chống Trung Quốc ở đây cũng rất dữ dội.

Xin nhắc lại, hồi tháng 3 năm 2008, nhiều cuộc nổi loạn chống lại sự bảo trợ của chính quyền trung ương đã bùng phát từ Lhassa, rồi sau đó đã lan rộng ra khắp khu vực tự trị Tây Tạng, trong đó có tỉnh Thanh Hải. Cuộc nổi loạn sau đó đã bị dập tắt.

Nhiều người dân Tây Tạng tố cáo chính quyền Trung Quốc đang tìm cách xóa bỏ văn hóa Tây Tạng nhằm kiểm soát vùng đất giàu tiềm năng này.