Phác họa chân dung Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai |
Tác Giả: RFI |
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 07:59 |
« Tập Cận Bình, thủ lãnh tương lai của cường quốc Trung Hoa », đó là tựa bài viết của thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài báo nhận xét, nhân vật cải cách này sẽ trở thành chủ tịch nước vào năm 2013, trong hai nhiệm kỳ 5 năm. Tuy từ lâu vẫn được xem là người sẽ kế vị ông Hồ Cẩm Đào, nhưng cho đến khi ông Tập Cận Bình được chính thức phong làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương hôm thứ hai vừa qua, thì người ta mới gần như chắc chắn rằng ngôi vị cao nhất trong tương lai sẽ thuộc về ông. Đây cũng là sự kiện được chờ đợi nhất trong Hội nghị Trung ương lần này, cho dù lẽ ra ông đã phải nắm chức vụ này từ đại hội năm ngoái. Như vậy trong Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 năm tới, ông Tập Cận Bình sẽ lên làm Tổng bí thư và chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ mùa xuân năm 2013. Le Figaro cho biết, ông Tập Cận Bình được xem là thủ lãnh của phe « Các ông hoàng đỏ », là con cháu của các cán bộ lão thành cách mạng. Phe này đang đấu tranh giành ảnh hưởng kịch liệt với một phe quan trọng khác, đó là phe Liên đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình là con ông Tập Trọng Huân, người đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích cộng sản ở phía bắc, rồi bị Mao Trạch Đông trừng phạt năm 1962, sau đó được Đặng Tiểu Bình phục hồi danh dự. Chính ông Tập Trọng Huân là người đã khai sinh ra các « đặc khu kinh tế », tạo tiền đề cho sự cất cánh của Trung Quốc, khi yêu cầu ông Đặng Tiểu Bình để cho mình trọn quyền hành động ở Thâm Quyến. Về đời tư cá nhân, cũng như các lãnh đạo Trung Quốc khác, người ta chỉ biết rất ít về ông Tập Cận Bình. Ông sinh năm 1953 tại Thiểm Tây, tốt nghiệp kỹ sư hóa học ở Bắc Kinh rồi lấy bằng tiến sĩ về Triết học Mác Lênin cũng tại đây. Trong thời Cách mạng văn hóa, ông là sinh viên bị đưa về « học tập nông dân » ở nông thôn từ năm 69 đến 75. Một bài báo miêu tả ông Tập Cận Bình là người đã « chiến thắng trong cuộc chiến chống lại địa chủ », và có khả năng « vác được những bao lúa mì trên 50 ký đi nhiều cây số trên đường đồi núi mà vẫn không mệt mỏi ». Ông có hai đời vợ, người vợ thứ hai là một ca sĩ nổi tiếng và đang giữ cấp tướng trong quân đội, thường trình diễn trong các sự kiện quan trọng như lúc Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. Hai vợ chồng có một con gái hiện đang du học tại Mỹ. Le Figaro nói thêm, sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình khá cổ điển, không có gì nổi bật, và cũng không có sự cố nào. Người ta cho rằng ông là một nhà lãnh đạo ít sáng kiến, nhưng thực dụng, đơn giản, cởi mở đối với những cải cách chừng mực. Tại các tỉnh duyên hải mà ông từng lãnh đạo, ông Tập Cận Bình nổi tiếng là người chống tham nhũng. Cựu Tổng trưởng Ngân khố Mỹ, ông Henry Paulson cũng rất quý ông. Giữ chức Phó chủ tịch nước từ năm 2008, ông Tập Cận Bình đã được chuẩn bị để bước lên ngôi cao. Ông từng phụ trách hai hồ sơ nhạy cảm, đó là Hồng Kông và việc giám sát giai đoạn cuối cùng của Thế vận hội Bắc Kinh. Ông mong muốn giảm bớt được những bất bình đẳng xã hội, mối đe dọa chính của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình được chú ý nhiều trong năm nay khi phê bình thứ ngôn ngữ khô cứng của các cán bộ đảng, cổ vũ cho cách nói thẳng thắn hơn. Là một người ôn hòa, ông đã gây ngạc nhiên khi tấn công những người bài Hoa trong chuyến công du Mêhicô. Ông nói : « Những người ngoại quốc no đủ chẳng có chuyện gì làm hơn là việc không ngừng chỉ trích chúng tôi. Nhưng, thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, thứ hai, không xuất khẩu nghèo đói, thứ ba, chẳng làm quý vị nhức đầu. Quý vị còn muốn gì hơn ? » Cuối cùng, Le Figaro nhận định, là người thân cận với ông Giang Trạch Dân hơn là ông Hồ Cẩm Đào, nên ông Tập Cận Bình không phải là chọn lựa ưu tiên của Tổng bí thư đương nhiệm. Nhưng ông là người của hòa hợp hòa giải, có khả năng làm các phe phái phải thu gươm. Nhưng tờ báo cho rằng, một khi nhận nhiệm vụ mới, trong thời gian đầu ông Tập Cận Bình sẽ không được trọn quyền, vì chắc chắn là ông Hồ Cẩm Đào sẽ kiên quyết « hy sinh » phục vụ thêm vài năm nữa.
|