WB : Hà Nội phải tăng cường tính minh bạch của các tập đoàn Nhà nước |
Tác Giả: Thanh Phương / RFI |
Thứ Ba, 19 Tháng 10 Năm 2010 08:19 |
Việt Nam phải tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, hiện vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam, tuy rằng các tập đoàn này gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Đó là khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới khi nói về Việt Nam trong bản Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương công bố ngày 18/10/2010 Vinashin đã trở thành biểu tượng của tập đoàn kinh tế Nhà nước làm tổn hại công quỹ. Theo nhận định chung của Ngân hàng Thế giới, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau khủng hoảng toàn cầu là nhanh chóng, nhưng không đồng đều. Những chỉ số kinh tế chủ chốt như tổng sản phẩm nội địa GDP, sản xuất công nghiệp, đầu tư và xuất khẩu, được chờ đợi là sẽ tăng trở lại với tốc độ gần bằng như thời kỳ trước khủng hoảng. Nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao và các hộ gia đình, cũng như các công ty có vẻ như vẫn tiếp tục dự trữ vàng và ngoại tệ, gây áp lực liên tục lên đồng nội tệ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới còn cho biết là : « Có nhiều mối quan ngại rằng sự mở rộng quá nhanh của tín dụng trong nước nhằm kích thích nền kinh tế đã dẫn đến sự yếu kém trong cân đối tài sản của một số ngân hàng. Thị trường chứng khoán, sau khi phục hồi đáng kể năm 2009, đã sụt giảm trở lại và tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế nói chung. ». Vì vậy, theo Ngân hàng Thế giới, « trong khi nền kinh tế thực tế đã lấy lại được động lực tăng trưởng tiền khủng hoảng, các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về khả năng nước này ra khỏi khủng hoảng một cách an toàn. » Trong báo cáo lần này, Ngân hàng Thế giới đã đặc biệt chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam. Những doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhưng cũng là « một nguồn gây những tổn thương dài hạn ». Mặc dầu chính phủ nỗ lực hoàn tất việc chuyển sang nền ''kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa'' và phát triển khu vực tư nhân, nhưng trong nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm ưu thế. Năm 2007, chính phủ Việt Nam đã chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn thành những ''Tập đoàn Kinh tế'', nhưng trong khi một số tập đoàn chuyển đổi theo đúng mục tiêu của họ, thì nhiều tập đoàn khác lại làm kinh tế thêm mất ổn định. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhắc lại : « Trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng quá nóng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các tập đoàn kinh tế này đầu tư nhiều vào lĩnh vực tài chính và bất động sản, làm trầm trọng thêm bong bóng giá nhà đất. Vào cuối năm 2009 đầu năm 2010, một trong số các tập đoàn này có hoạt động đầu cơ đối với đồng tiền Việt Nam. Gần đây người ta mới được biết tập đoàn Vinashin đã sử dụng các nguồn tiền lấy từ bảo lãnh chính phủ để đầu tư vào những hoạt động không dính dáng gì đến nhiệm vụ chính, đã thế lại còn giả mạo các báo cáo tài chính và nay đang nằm bên bờ vực phá sản. » Thành ra, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam rằng : « Tìm ra một cách thức để cân bằng đóng góp kinh tế của các tập đoàn kinh tế và tăng cường trách nhiệm cũng như tính minh bạch vẫn là một yêu cầu bức thiết cho Đại hội Đảng mới. Trong khi những quyết định chính sách quan trọng về những tập đoàn kinh tế vẫn còn đang bỏ ngỏ trước thềm Đại hội Đảng kỳ tới. » Ngân hàng Thế giới ghi nhận là « những tranh luận sôi nổi đang diễn trong Đảng và Chính phủ về việc làm cách nào để cân bằng lợi ích giữa các tập đoàn kinh tế với những yếu kém của chúng. Chiến lược phát triển mới chắc là sẽ không thể không đề cập vấn đề này. » Báo cáo của Ngân hàng Thế giới kết luận : « Việc cải thiện quản trị các tập đoàn kinh tế cùng với luật mới đầu tư công mới và dự luật khung mới cho quan hệ đối tác công-tư, nếu được Chính Phủ thông qua và được Đại hội Đảng kỳ tới ủng hộ, sẽ giúp đẩy mạnh cải tổ cơ cấu ở Việt Nam và đặt nền tảng cho một sự tăng trưởng mạnh và bền vững. »
|