Những tiếng kêu từ vùng lũ Quảng Bình (Kỳ 2) |
Tác Giả: Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt |
Thứ Hai, 18 Tháng 10 Năm 2010 08:45 |
Thăm nhà Tướng Giáp ở Quảng Bình, những dấu hiệu về cái chết của ông Con đường đi vào nhà Tướng Giáp làm bằng bê tông, rộng chừng 10 mét, đi ngang qua cánh đồng mênh mông nước và nước, thỉnh thoảng vài chiếc thuyền câu buông trôi giữa biển nước khiến cho cảm giác hiu quạnh càng dâng cao.Ngoại trừ khu vực dân cư đông đúc ở thị trấn, vùng ven nhà cửa thưa thớt, chơi vơi giữa đồng không mông quanh, bày ra trước mắt tôi là cảnh phơi áo quần, giường chiếu, nệm gối, lúa gạo và sách vở. Toàn cảnh căn nhà Tướng Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Tôi định ghé vào thăm những ngôi nhà này nhưng trời cũng đã bắt đầu nhá nhem tối nên tôi quyết định đi thẳng một mạch đến nhà Tướng Giáp. Ðường khá xa, từ quốc lộ 1A đến nhà ông phải mất hơn 30 km, khác với con số để trên bảng hướng dẫn là 3 km [tôi đoán là có ai đó đã xóa mất con số 0 phía sau con số 3].
Bến Kiến Giang, cách nhà Tướng Giáp chừng 100m. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Nhà Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nếu tính theo đường chim bay thì giữa nhà Tướng Giáp và nhà Cố Tổng Thống VNCH Ngô Ðình Diệm cách nhau chừng 700 mét đến 1,000 mét. Nhà của Tướng Giáp [chính xác hơn là nhà của cụ thân sinh Tướng Giáp] vẫn được nhà nước chi tiền trùng tu, bảo dưỡng hằng năm với mức kinh phí từ 15 đến 40 triệu đồng (khoảng $2 ngàn) nên còn nguyên vẹn, sạch sẽ, khang trang. Còn nhà của ông bà, thân sinh Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thì không còn dấu vết gì. Thậm chí người ta chỉ cho tôi khu vực ấy là nhà Tổng Thống Diệm nhưng cụ thể nền nhà nằm ở đâu thì không thể chỉ được. Theo như ông Võ Ðại Hàm, người cháu gọi Tướng Giáp bằng ông nội chú, hiện đang sống trong nhà lưu niệm Tướng Giáp, thì những người họ Ngô Ðình còn lại trên quê hương cũng không dám giữ nguyên họ gốc mà phải đổi thành Ngô Văn, Ngô Huân, Ngô Sĩ... Nói chung là phải cho khác họ mình đang có. Ông Hàm giải thích thêm sở dĩ không còn dấu vết nào về nhà họ Ngô vì lẽ lúc di cư vào miền Nam do biến cố cải cách ruộng đất và đấu tố những năm 1950, họ là những con chiên ngoan đạo, họ đi theo tiếng gọi của Chúa, họ cũng không thể ở lại Quảng Bình cho được yên ổn, nhất là chủ trương của phe miền Bắc lúc đó là không cho đạo Thiên Chúa phát triển hoặc hoạt động trong địa hạt của họ. Câu chuyện đấu tố trên mảnh đất làng An Xá vốn là câu chuyện hết sức thương tâm. Có không biết bao nhiêu người rơi vào tán gia bại sản, mất mạng, chết tức tưởi...
Trở lại chuyện nhà Tướng Giáp, lúc tôi dừng xe ngay cổng nhà ông, đồng hồ đã chỉ sang 5 giờ chiều. Nhìn vào nhà, không thấy ai, tôi chạy một vòng ra bến Kiến Giang, nơi có đặt tấm bảng lớn khắc dòng chữ: “Ðường vào nhà Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp.” Chụp xong vài bức hình, tôi quay trở lại nhà ông. Thấy có người đứng trong nhà, tôi lên tiếng gọi và ông Võ Ðại Hàm mời tôi vào nhà. Trước sân nhà vẫn còn phơi la liệt đồ đạc bị dính bùn non và lúa ướt. Có chừng hơn 500kg lúa ướt đang phơi trên sân. Nhưng theo ông Hàm nói thì con số nhiều hơn. Gia đình ông làm đến 9 sào ruộng, bị ướt đến hơn một tấn lúa. Mấy ngày nay, hai vợ chồng ông phải vất vả vừa phơi lúa vừa tiếp khách đến thăm lại vừa phơi các di vật của Tướng Giáp... Khi nói chuyện, đôi mắt bác Hàm đượm buồn khiến tôi linh cảm điều gì đó không bình thường. Chiếc giường trong phòng Tướng Giáp bị lật một nửa vạt và lấy đi 1 thanh ngang. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Tôi xin phép ông Hàm đi chụp hình một lượt quanh nhà, ông đồng ý. Khi tôi chụp đến căn phòng của Tướng Giáp, nhất là chiếc giường ngủ của ông thì xuất hiện một chi tiết khá lạ: vạt giường đã bị lật lên một nửa, thanh giường đã bị gở bỏ một cây. Ðiều này nói lên gì? Theo tập quán của một số vùng miền trên Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, khi có người chết, việc đầu tiên người ta làm là đốt những gì có liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của người chết như: áo quần, mùng mền, chăn gối... Còn chiếc giường mà người quá cố vẫn hay nằm trước đây sẽ được lật một nửa vạt, gỡ bớt một thanh với ngụ ý chiếc giường này từ nay sẽ mãi mãi thuộc về người chết bên kia thế giới và không có ai được phép nằm lên chiếc giường ấy nữa. Ðó là một kỷ vật... Tôi men theo mấy tấm ván lót trên sàn đất nện còn ướt nhão đi trở ra trước hiên nhà ngồi uống trà với bác Hàm, hỏi chuyện ông về Tướng Giáp. Bác Hàm trả lời tôi: “Ðại tướng vẫn còn sống, đang rất minh mẫn, ông nhớ rành rọt những trận đánh tháng 5 năm 1954, ông vẫn khỏe... (?)Miền (Mình - tiếng Quảng Bình) có thăm cụ vào dịp 25 tháng 8 vừa rồi, đó là ngày sinh nhật cụ, hôm đó cụ được đưa về nhà ở Hà Nội cho con cháu chúc thọ rồi sau đó trở lại bệnh viện cho ông Dũng (Nguyễn Tấn Dũng), ông Mạnh (Nông Ðức Mạnh) và các ông quan chức khác đến chúc thọ...” Khi tôi đặt câu hỏi lần cuối cùng Tướng Giáp về thăm nhà là năm nào và kỷ niệm nào cho ông nhớ nhiều nhất với Tướng Giáp, ông cố tình quay ánh mắt đượm buồn đi nơi khác và trả lời tôi: “Ðó là tháng 11 năm 2004, cụ có về trồng mấy cây làm kỷ niệm như cây mít, cây hoa mơ và một số cây khác, lần đó cụ về cùng con cháu rất đông, đông nhất từ trước tới nay, gồm hai mươi người con cháu, một bác sĩ riêng và một bảo vệ. Hôm đó dân làng đến thăm chật cả sân, cả đường vào nhà, các đội văn nghệ xã đến hát dân ca trước sân cho cụ xem...” “Từ đó trở về sau dường như sức khỏe của cụ không được tốt mấy, sau chuyến đi tham gia lễ kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên Tây Bắc năm ngoái (2009) trở về, cụ ốm và nằm liệt giường luôn...” Nói đến đây, bác Hàm quay mặt đi chỗ khác, tôi thấy mắt bác hơi ướt. Dường như bác tránh cho tôi nhìn thấy nỗi buồn nào đó...! Nhà thờ chi tộc Võ nằm trong khuôn viên vườn nhà tướng Giáp. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Tôi tiếp tục đặt câu hỏi: “Lần cuối bác nói chuyện với đại tướng là lúc nào?” bác Hàm trả lời: “Lần cuối tôi gặp cụ qua điện thoại, nhưng tôi không được nói chuyện trực tiếp với cụ mà thông qua cụ bà, vả lại cụ cũng không dùng điện thoại. À, mà không biết có phải là lần cuối không nữa, có thể nói là lần gần đây nhất chứ!” Tôi gật đầu, tôi biết bác Hàm đang cố giấu tôi về chuyện Tướng Giáp. Tôi không hỏi gì thêm và chuyển sang đề tài cứu trợ. “Có cứu trợ, nhà nước cho đợt 1 mỗi nhà 15 gói mì tôm, họ nói rằng không thể căn cứ trên đầu người được, vì khi vận động cứu trợ cho nơi khác thì nhà nước cũng kêu gọi trên đầu hộ chứ không kêu gọi trên đầu người nên chi khi cho miền cũng căn cứ trên đầu mỗi gia đình, miền thấy cũng có lý, thôi kệ!” “À, đợt 2 thì chưa có cháu à, cũng may mà có một đoàn Phật tử đến đây hôm 13 tháng 10, họ từ miền Nam ra, miền không biết họ ở chùa nào, nhưng có treo cờ Phật giáo, họ cho mỗi nhà 200 ngàn đồng và dầu ăn, nước mắm, muối, bột ngọt, gạo... Nói chung suất quà ấy cũng chừng 100 ngàn đồng, vị chi mỗi gia đình được nhận 300 ngàn đồng. Nhưng chỉ cho riêng làng An Xá, làng của cụ Giáp thôi! Nói chung năm nay không có người chết, nhưng bù vào đó mất nhiều đồ đạc, hư hại nhiều, vì nước dâng quá nhanh, bà con bị bất ngờ cháu à!” Bác Hàm nói. Câu chuyện về Tướng Giáp cùng những tiếng kêu trên quê hương ông sau trận lụt vẫn còn dài, tôi sẽ kể tiếp với độc giả vào kỳ cuối của bài phóng sự này. (Còn tiếp)
|